MTTQ Việt Nam tỉnh: Giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ sức khỏe Nhân dân trên địa bàn huyện Dương Minh Châu

Ngày 25.8, Đoàn giám sát của Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh do ông Hồ Đức Hải-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ sức khoẻ nhân dân trên địa bàn huyện Dương Minh Châu; trong đó tập trung việc thực hiện chính sách đối với các nhóm đối tượng người cao tuổi, thương binh, bệnh binh, người khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số. Tham gia đoàn giám sát có đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh.

Đoàn Giám sát tại UBND huyện Dương Minh Châu

Từ năm 2022, sau khi giải thể Phòng Y tế, nhiệm vụ quản lý nhà nước về y tế giao Văn phòng HĐND, UBND huyện theo dõi, trong đó lãnh đạo Văn phòng trực tiếp tham mưu và 01 chuyên viên giúp việc. Hệ thống y tế cơ sở hiện nay gồm Trung tâm y tế huyện và 11 Trạm Y tế xã thực hiện hoạt động chuyên môn về phòng bệnh và khám, chữa bệnh; hiện có 160/188 biên chế được giao với 28 bác sĩ, có 6/11 Trạm Y tế có Trưởng trạm; mạng lưới y tế ấp, khu phố với 64 người. Để triển khai các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện thành lập các Ban Chỉ đạo như: Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khoẻ nhân dân, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, Ban Chỉ đạo thực hiện BHYT,…

Hoạt động y tế dự phòng được Uỷ ban nhân dân huyện Dương Minh Châu quan tâm thực hiện, không để xảy ra dịch diện rộng, kiểm soát tốt dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, phòng chống lây nhiễm HIV. Toàn huyện có 58 tổ, với 64 nhân viên y tế ấp, khu phố làm công tác dự phòng tại các Trạm Y tế; thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động chăm sóc sức khoẻ, tổ chức các hoạt động thu, gom rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường, 99% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh và thực hiện tốt công tác an toàn thực phẩm, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tính đến tháng 7/2023, huyện Dương Minh Châu có 107.625 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 89,66%; so với năm 2020, giảm 1,57%. Đại diện lãnh đạo Bảo hiểm xã hội huyện giải thích: “Việc thực hiện chỉ tiêu BHYT năm 2023 tăng 6.485 người so với năm 2020, tuy nhiên tỷ lệ bị giảm 1,57% do điều chỉnh dân số tăng; tăng chủ yếu ở nhóm người di cư tự do từ Campuchia về sinh sống ven hồ Dầu Tiếng, những hộ này không có giấy tờ tuỳ thân, nơi sinh sống không ổn định, việc thống kê vào tổng số dân để giao chỉ tiêu BHYT là rất khó thực hiện”.

Về chỉ tiêu BHYT, Ông Phạm Văn Tâm, Phó Giám đốc BHXH tỉnh thông tin thêm: Dương Minh Châu là một trong ba huyện đạt chỉ tiêu BHYT cao của tỉnh, trong đó BHYT hộ gia đình tăng, BHYT người lao động giảm; chỉ tiêu được giao đến năm 2025 là 92,2%. Hiện nay, trên địa bàn các xã Phước Ninh, Phước Minh, Cầu Khởi có khoảng 1.588 hộ dân di cư tự do làm tăng dân số, ảnh hưởng thực hiện chỉ tiêu BHYT toàn huyện, do đây là nhóm người không có giấy tờ tuỳ nhân. Nắm được tình hình này, BHXH tỉnh đã có công văn báo cáo tình hình, kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, không đưa số người dân di cư tự do để thực hiện chỉ tiêu về BHYT. Khi BHXH Việt Nam có ý kiến trả lời, tỉnh sẽ thông tin sớm để huyện biết, thực hiện. Riêng đối với huyện, ông Tâm cũng đề nghị lãnh đạo UBND huyện cần quan tâm, chủ động phấn đấu thực hiện đạt chỉ tiêu được giao; BHXH huyện cần tăng cường kiểm tra hoạt động của các đại lý thu BHYT, phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tham gia; phôi thẻ BHYT đã giao thì kịp thời in thẻ đầy đủ cho người dân, nhất là người mới tham gia BHYT lần đầu.

Việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ nhân dân được Bảo hiểm xã hội huyện tích cực tuyên truyền, triển khai các hình thức khám chữa bệnh BHYT trong dân thực hiện một trong các hình thức như: dùng thẻ BHYT giấy, hoặc sử dụng ứng dụng VSSID hoặc xuất trình căn cước công dân gắn chip, theo đó người bệnh chỉ cần xuất trình CCCD hoặc hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID hoặc VNEID khi tham gia khám bệnh BHYT.

Bác sĩ Huỳnh Ngọc Bảnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện báo cáo với Đoàn Giám sát từ 2021 đến tháng 6/2023, Trung tâm và Trạm y tế thực hiện khám 226.211 lượt người. Trong đó, ưu tiên khám chữa bệnh 63.693 lượt người cao tuổi, 1.100 lượt người khuyết tật; tổ chức điều dưỡng, phục hồi sức khoẻ cho 570 đối tượng chính sách. Nhìn chung, kết quả khám chữa bệnh ngày càng được cải thiện về cả trang thiết bị và thuốc men, tinh thần trách nhiệm của cán bộ. Tuy nhiên, chất lượng khám chữa bệnh còn hạn chế do đội ngũ bác sĩ thiếu cả về số lượng và chuyên môn, có những việc rất đơn giản như nhổ răng mà Trung Tâm y tế cũng chưa thực hiện được do không có bác sĩ nha khoa, tình trạng thiếu thuốc chung, một số người dân lựa chọn khám ở những bệnh viện khác ở trong và ngoài tỉnh.

Tại buổi giám sát, có nhiều lượt ý kiến liên quan đến việc triển khai thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ y tế trên địa bàn huyện theo Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND tỉnh ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Vấn đề này được ông Huỳnh Ngọc Bảnh, Giám đốc Trung tâm y tế huyện báo cáo, đến nay chính sách này chưa thực hiện được do quá trình triển khai Nghị quyết gặp khó khăn. Cụ thể là theo Điều 15, Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND quy định đối tượng hỗ trợ có bác sĩ, công chức, viên chức y tế, nhân viên y tế; tuy nhiên, trong thực tế, một số chức danh như kế toán, nhân viên hành chính là viên chức, nhưng không phải viên chức y tế được pháp luật quy định nên không được hỗ trợ. Nếu thực hiện đúng đối tượng được Nghị quyết quy định sẽ có sự so sánh của viên chức, nhân viên y tế giữa các nhóm công việc.

Để tháo gỡ vướng mắc nêu trên, Bác sĩ Trần Văn Lưu, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Y tế cho biết: “Hiện nay, toàn tỉnh chưa chi hỗ trợ theo Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND. Để đảm bảo sự cân bằng, hợp lý trong thụ hưởng chính sách và khuyến khích đội ngũ cán bộ y tế, Sở Y tế đang triển khai xây dựng Đề án vị trí việc làm dự kiến trình UBND tỉnh vào cuối năm 2023; khi Đề án được thông qua sẽ thực hiện chi trả, truy lĩnh chính sách hỗ trợ”. Ngoài ra, để góp phần thực hiện các chương trình đào tạo đội ngũ y, bác sĩ, Sở Y tế có đề ra 02 giải pháp thực hiện: một là, kiến nghị tỉnh xem xét, nâng cấp Trường Trung cấp y tế lên thành Trường Cao Đẳng Y tế, tuy nhiên việc nâng cấp này không được chấp thuận do không đủ điều kiện theo quy định; hai là, Sở Y tế liên kết làm phân hiệu của Trường Đại học Trà Vinh, thời gian tới sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động đào tạo cán bộ y tế của tỉnh.

Ông Dương Đại Lộc, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; ông Đặng Xuân Lãnh, Trưởng Ban Dân chủ, pháp luật – Dân tộc, tôn giáo, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh và cùng quan tâm, đề nghị Uỷ ban nhân dân huyện báo cáo cụ thể việc thành lập, kiện toàn và quy chế hoạt động của các Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khoẻ nhân dân; Bà Kim Thị Minh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đề nghị huyện báo cáo rõ sự tham gia của MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội trong vận động tham gia BHYT, các mô hình, phong trào bảo vệ sức khoẻ trong dân. Nội dung này, bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện nói hiện nay, huyện đã rà soát 52 Ban Chỉ đạo liên quan, đa số thành viên tham gia kiêm nhiệm, trách nhiệm chính giao cho các phòng, ban, bộ phận chuyên môn; về Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khoẻ nhân dân giao Trung Tâm Y tế làm thường trực, bà Hiền cũng thừa nhận vai trò thành viên Ban Chỉ đạo chưa được phát huy, qua ý kiến của Đoàn tới đây sẽ khắc phục.

Qua một buổi làm việc, Đoàn Giám sát cùng với Uỷ ban nhân dân huyện Dương Minh Châu là đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về sức khoẻ nhân dân để làm rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước. Kết luận buổi làm việc, ông Hồ Đức Hải – Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh chỉ ra một số mặt hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý, điều hành của UBND huyện; việc bố trí nhân lực ngành y tế; công tác phối hợp và hoạt động các Ban Chỉ đạo; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở cơ sở… Ông Hồ Đức Hải nhấn mạnh, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân không phải nhiệm vụ của riêng ngành y tế, mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; nội dung, trách nhiệm các ngành, các cơ quan được quy định ở nhiều văn bản luật và được UBND tỉnh có kế hoạch cụ thể. Qua đó, đề nghị UBND huyện Dương Minh Châu tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phát huy tốt vai trò các ngành, các cấp tham gia chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân; cần rà soát các văn bản chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền để cụ thể thực hiện nhiệm vụ tại địa phương; chú trọng quan tâm đội ngũ nhân lực ngành y tế, trước mắt phải bố trí đủ, thường xuyên rà soát, thực hiện quy hoạch kết hợp với đào tạo cán bộ y tế; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai, tổ chức thực hiện; phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu y tế đề ra.

Trước đó, đoàn thực hiện khảo sát trực tiếp, nắm tình hình bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân tại Uỷ ban nhân dân xã Suối Đá, xã Chà Là.

Đoàn thực hiện khảo sát trực tiếp tại Uỷ ban nhân dân xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu

Theo đó, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân của cấp xã còn một số mặt hạn chế, khó khăn. Tình trạng thiếu thuốc kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khám, chữa bệnh cho nhân dân và công tác vận động nhân dân tham gia BHYT; chế độ, chính sách chưa tạo sự an tâm công tác đối với nhân viên y tế. Nguyên nhân một phần do tình trạng không bố trí đủ nhân lực trạm y tế, Trưởng Trạm Y tế khuyết nhiều năm không chỉ ảnh hưởng đến công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành của UBND xã, mà một số trang thiết bị máy móc được trang bị như máy siêu âm tim, điện tim không được sử dụng, gây lãng phí.

Nguyễn Phượng