Cô giáo dạy múa trống Sadăm, yêu nghè và sáng tạo

Cộng đồng Khmer có rất nhiều điệu múa mang đặc trưng dân tộc, gồm múa cung đình và múa dân gian. Múa cung đình đòi hỏi người thực hiện phải khổ luyện về hình thể, tay, chân cho đến từng nụ cười, ánh mắt. Đặc biệt múa cung đình cần bảo đảm mực thước, thể hiện sự duyên dáng nhưng không kém phần trang trọng. Múa dân gian thì ngược lại, các động tác sẽ rất thoải mái, vui tươi. Những vũ điệu dân gian phổ biến trong các lễ hội là múa Lâmthôn, Romvông, Saravan và múa trống Sadăm (Chhayyăm).

Cô Loan tận tình chỉ dẫn các bé múa trống Sadăm

Múa trống Sadăm là vũ điệu quen thuộc nhất của người Khmer, có thể biểu diễn ở mọi nơi, từ các sân khấu đến những ngày lễ hội, mọi người đều có thể tham gia. Vì vậy, dù đã trải qua hàng trăm năm, với nhiều biến cố lịch sử, văn hóa, xã hội, vũ điệu này vẫn gắn bó mật thiết với đời sống của người Khmer Nam bộ.

Nhằm giúp các em nhỏ dân tộc Khmer giữ gìn nguồn cội văn hóa của mình. Để phát huy và làm phong phú hơn đời sống tinh thần của người Khmer tỉnh Tây Ninh, trong đó nỗi bật nhất là múa trống Sadăm, loại hình nghệ thuật dân gian này đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Cô Cao Thị Thu Loan, sinh năm 1983, ngụ tại 135/1B, ấp Trường An, xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành, người dân tộc Khmer ngụ tại địa phương, rất tâm huyết với văn hóa của dân tộc mình, cô luôn trăn trở, mong muốn đem loại hình nghệ thuật này truyền lại cho trẻ em người dân tộc mình tại địa phương.

Người Khmer có câu nói ví von “Trẻ em Khmer biết múa, biết hát trước khi biết đọc, biết viết”, câu nói ấy đã minh chứng sự ảnh hưởng của ca, múa, âm nhạc Khmer trong đời sống tinh thần của đồng bào nơi đây. Nên hàng ngày vào những buổi chiều, sau khi đi học về và dùng xong bữa cơm chiều, các em nhỏ người dân tộc tập trung tại nhà văn hóa dân tộc ấp Trường An chờ cô Loan đến dạy các em múa trống, do điệu múa Sadăm vui tươi hóm hỉnh nên các em vô cùng say mê, yêu thích. Trống Sadăm là loại trống bịt da một mặt, tang trống làm bằng thân cau già đục rỗng ruột. Nhạc cụ phục vụ cho múa trống Sadăm thường có từ bốn đến sáu cái trống. Cô Loan đã hướng dẫn, chỉ dạy múa trống Sadăm cho các em tuổi từ 5, 7 đến 11 tuổi. Với chủ đạo là chiếc trống và đội múa từ 4, 6 bạn là có thể biễu diễn cùng nhau, trống Sadăm có động tác đánh trống, múa trống và múa tay. Lúc múa đơn, lúc múa đôi, múa ba, múa tư và cả múa tập thể. Động tác đánh trống gồm động tác đơn giản như vỗ lên mặt trống nhịp nhàng tạo một giai điệu vui tươi mạnh mẽ, dứt khoát, đến phức tạp hơn như dùng cùi chỏ, gằng gót chân đánh vào trống của nhau, rồi vừa múa vừa làm xiếc với trống. Một số động tác phá cách như nằm thẳng dưới sàn nhưng 2 tay vẫn đánh trống; hai người múa trống có thể bắt tay đánh chuyền qua trống, làm cho múa trống Sadăm thêm phong phú và hấp dẫn.

Nhóm các bạn trẻ được Cô Loan chỉ dẫn múa trống Sadăm

Những điệu trống vang lên dồn dập, liên hồi cùng với điệu bộ nhịp nhàng nhào lộn, đá chân trên mặt trống của nhau rất hấp dẫn người xem, tạo nên một không khí  hào hứng, sảng khoái, thoải mái và điệu múa trống Sadăm trở thành môn nghệ thuật dân gian, phản ánh đậm nét đời sống của đồng bào dân tộc Khmer.

Một bé đang tích cực luyện tập điệu múa trống Sadăm

 Múa trống Sadăm đòi hỏi người múa phải có sức khỏe, sự nhiệt tình, dẻo dai, biết khéo léo kết hợp hài hòa giữa tiết tấu trống, điệu bộ hình thể và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bạn múa cùng nhau, phải hòa quyện thành một khi biểu diễn, vỗ trống thật đều, từng nhịp múa nhào lộn thật đều nhau, uyển chuyển giữa những thành viên, giữ khoảng cách hợp lý để tạo cho điệu múa thêm đặc sắc. Cô Loan đã tận tâm dạy dỗ các em nhỏ múa trống, chỉnh sửa từng động tác cho các em lúc múa đơn, lúc múa đôi, múa ba, múa tư, nắm bắt kỹ năng và biểu diễn một cách thành thạo, góp phần đem lại niềm vui cho đồng bào vào các dịp lễ Dolta, tết Chnăm Thmây, giúp cho người xem quên hết mệt nhọc sau một ngày lao động vất vả, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào người dân tộc Khmer.

       Huyền Trang-MTTQVN xã Trường Tây