Thu học phí cần tính đến điều kiện cụ thể của địa phương và học sinh

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh vừa tổ chức lấy ý kiến phản biện về dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh “Quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”. Nếu được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua trong kỳ họp sắp tới dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối năm 2021, việc đóng học phí của phụ huynh, học sinh trên địa bàn tỉnh sẽ được bắt đầu thực hiện từ năm học 2022-2023 trở đi.

Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết này nhằm thực hiện Nghi định số 81/2021/CP, ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Bộ Giáo dục-Đào tạo “Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo” là việc làm kịp thời và rất cần thiết đối với công tác quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn tỉnh trong điều kiện hiện nay. Dự thảo Nghị quyết tập trung vào 3 đối tượng chủ yếu là trẻ em ở các cơ sở giáo dục mầm non, học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông (kể cả học sinh học ở các cơ sở dạy bổ túc văn hóa).

Về cơ bản, dự thảo Nghị quyết là tương đối cụ thể, ngắn gọn; tuy nhiên có một số vấn đề cần phải làm rõ thêm, để khi Nghị quyết được thông qua sẽ dễ dàng đi vào cuộc sống hơn.

Thứ nhất: Về tiêu đề của dự thảo “Quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh” là chưa thật phù hợp; bởi lẽ Nghi định số 81/2021/CP “Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo” tại Điều 2. Nghị định 81/2021/CP quy định đối tượng áp dụng là Nghị định này áp dụng đối với trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh (sau đây gọi chung là người học) đang học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp; các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

 Như vậy, Nghị định 81/2021/CP rất rộng về đối tượng, bao hàm cả các nghành học, các cấp học, trong khi dự thảo Nghị quyết của tỉnh chỉ có đối tượng hẹp là trẻ em ở các cơ sở giáo dục mầm non, học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông (kể cả học sinh học ở các cơ sở dạy bổ túc văn hóa). Do đó, tiêu đề dự thảo Nghi quyết cần điều chỉnh lại “Quy định mức đóng học phí đối với  trẻ em mầm non, học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh” là ngắn gọn, dễ hiểu.

Cũng tại Điều 2 dự thảo Nghị quyết ghi “Thống nhất thông qua mức học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Tây Ninh như sau” cần bỏ cụm từ này. Vì phần không phù hợp nội hàm Nghị quyết và thông thường phần tổ chức thực hiện của Nghị quyết đã thể hiện.

Lớp học. Ảnh minh họa

Thứ hai: Về nội dung dự thảo Nghị quyết:

Tại Mục a, Khoản 1, Điều 2 của dự thảo quy định về mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2022-2023; trong đó, giáo dục mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông mỗi em ở khu vực thành thị phải đóng 300.000 đồng/tháng; khu vực nông thôn thì học phí của giáo dục mầm non và trung học cơ sở là giống nhau, cùng 100.000 đồng/tháng, đối với học sinh trung học phổ thông có tăng lên 200.000 đồng/HS/tháng. Trong khi đó Nghị định 81/2021/CP, tại  Điểm a, Khoản 2, Điều 9 Quy định về khung học phí (mức sàn – mức trần) đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên năm học 2022 – 2023 như sau:

                                                                      Đơn vị: nghìn đồng/học sinh/tháng

Vùng

Năm học 2022 – 2023

Mầm non

Tiểu học

Trung học cơ sở

Trung học phổ thông

Thành thị

Từ 300 đến 540

Từ 300 đến 540

Từ 300 đến 650

Từ 300 đến 650

Nông thôn

Từ 100 đến 220

Từ 100 đến 220

Từ 100 đến 270

Từ 200 đến 330

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Từ 50 đến 110

Từ 50 đến 110

Từ 50 đến 170

Từ 100 đến 220

Vấn đề đặt ra là Tây Ninh có 449 đơn vị trường học; trong đó số cơ sở tự đảm bảo chi phí chi thường xuyên là 01, số cơ sở ngân sách chi 100% cho hoạt động là 307, số cơ sở ngân sách đảm bảo một phần chi hoạt động thường xuyên là 141. Như vậy cũng cần tính toán giữa đơn vị tự chủ được một phần và đơn vị ngân sách chi 100% thì việc thu học phí có khác nhau không, cần làm rõ; trong đó mức thu học phí cần tính đến yếu tố khuyến khích đối với các cơ sở tự chủ và tiến tới tự chủ nhiều hơn. Do đó, đề nghị việc thu học phí đối với các cơ sở ngân sách đảm bảo chi 100% nên có mức thấp hơn.

Bên cạnh đó, Điểm a, Khoản 2, Điều 2 của dự thảo về mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022-2023 trở đi, quy định hàng năm điều chỉnh mức tăng học phí không quá 7,5%. Nghị đinh 81/2021/CP Mục a, Khoản 3, Điều 9 quy định “a) Từ năm học 2023 – 2024 trở đi, khung học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm”. Như vậy, có 3 yếu tố lớn để tính toán mức thu học phí, Tây Ninh quy định 7,5% trên cơ sở nào, cần làm rõ. Mặc khác đối với học sinh phổ thông học trong các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Giáo dục nghề nghiệp thì học phí như thế nào thiết nghĩ cũng cần đề cập vào nghị quyết. Ngoài ra, Nghị định 81/2021/CP có quy định học phí của học sinh phổ thông là con em người dân tộc, vùng khó khăn. Trong dự thảo nghị quyết của tỉnh không nêu và đối với việc học online thì mức học phí ra sao, hoặc vừa học online vừa học trực tiếp cũng cần có quy định cụ thể.                                                                   

Nguyễn Nhiếm