Chuyện giảm nghèo ở Bàu Năng

Theo chị Nguyễn Thị Kim Phụng – Chủ tịch UBMTTQVN xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về hỗ trợ thoát nghèo, hưởng ứng phong trào “Chung tay vì người nghèo – Không ai bị bỏ lại phía sau”, hoạt động công tác giảm nghèo trên địa bàn xã đã chuyển biến tốt với những việc làm cụ thể.

Chị Nguyễn Thị Kim Phụng – CT.UBMTTQVN xã Bàu Năng thăm gia đình ông Rẫy, một trong những hộ gia đình vươn lên thoát nghèo từ dự án “Hỗ trợ bò sinh sản cho người nghèo” của Ủy ban MTTQVN tỉnh

Bên cạnh thực hiện các chính sách an sinh, từ năm 2016, MTTQ Việt Nam xã Bàu Năng phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã hướng dẫn hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện vay vốn để tăng gia sản xuất từ các chương trình vay vốn hộ nghèo, hỗ trợ bò giống. Các gia đình đã tận dụng nguồn vốn, vật nuôi được hỗ trợ có hiệu quả, cố gắng làm ăn, tích luỹ mua được đất, tăng đàn chăn nuôi, thuê đất sản xuất. Từ đó, các gia đình đã cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế và thoát nghèo. Thời điểm năm 2016, có trên 60 hộ nghèo và cận nghèo; hiện trên địa bàn xã còn 35 hộ, trong đó có 9 hộ nghèo vĩnh viễn.

Hộ ông Đặng Văn Rẫy, 64 tuổi, ngụ ấp Ninh An, xã Bàu Năng hiện tại có cuộc sống ổn định. Gia đình ông Rẫy chính thức thoát nghèo từ năm 2021. Ông Rẫy chia sẻ, hàng chục năm qua, gia đình ông sống cảnh khó khăn, là hộ nghèo tại địa phương. Những thành viên trong gia đình ông, mỗi người một nghề kiếm sống nhưng công việc rất bấp bênh. “Nhiều lúc muốn làm gì đó để kinh tế gia đình khá hơn, nhưng không có vốn đành thôi. Muốn mua con bò cũng không được”- ông Rẫy nói.

Năm 2016, gia đình ông Rẫy được xét nhận bò từ dự án bò dành cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Ông vẫn còn nhớ cảm giác vui mừng, nôn nao khi được nhận con bò. Từ cái chuồng nuôi bò cất tạm bợ, nay dãy chuồng nhà ông Rẫy đã rộng rãi hơn. Ông nói: “Gia đình tôi may mắn, con bò cái ban đầu năm nào cũng sinh sản, chúng tôi có thêm bò cái và phát triển đàn. Đến nay đã có gần chục con”.

Việc chăn nuôi gặp không ít khó khăn vào thời điểm dịch bệnh hoành hành, giá cả thất thường, có khi ông Rẫy ốm đau phải bán bò để trị bệnh. Giờ gia đình ông còn giữ lại 3 bò cái sinh sản; gia đình thuê đất trồng đồ hàng bông, rồi dành dụm mua được mảnh đất nhỏ.

Năm 2021, gia đình ông Rẫy chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo ở địa phương. Ông Rẫy chia sẻ: “Mình phải cố gắng làm việc chứ không phải sống mà chờ sự quan tâm, cho quà thì sẽ mãi nghèo mà thôi. Đến giờ, giàu thì không có nhưng mỗi khi ốm đau tôi có thể tự xoay xở mà không phải mượn ai. Không phải vay nợ, đó là điều tôi vui mừng”.

Trước đây, cuộc sống của vợ chồng chị Nguyễn Kim Huệ và anh Trương Minh Thành (ngụ ấp Ninh Hiệp) rất khó khăn, không nhà cửa, không có việc làm ổn định, phải ở đậu nhà người quen. Nhận thấy khó khăn của gia đình chị Huệ, năm 2016, MTTQVN xã phối hợp cùng Hội LHPN xã xét cho gia đình nhận một bò cái sinh sản do CLB Nữ từ thiện Tây Ninh hỗ trợ.

Chị Nguyễn Thị Kim Phụng – CT.UBMTTQVN xã Bàu Năng thăm gia đình anh Thành, hộ gia đình vươn lên thoát nghèo nhờ nuôi bò sinh sản do CLB Nữ từ thiện Tây Ninh hỗ trợ

Với con bò được hỗ trợ ban đầu, vợ chồng chị đã có thêm 5 bò con. Nhờ nuôi bò, vợ chồng chị Huệ mua được một mảnh đất nhỏ trồng thêm cỏ chăn nuôi bò. Bên cạnh hỗ trợ bò, MTTQVN xã vận động mạnh thường quân xây tặng vợ chồng chị Huệ căn nhà đại đoàn kết. Từ đó, gia đình chị dần qua khó khăn, chính thức thoát nghèo năm 2021.

Anh chị vẫn làm thuê kiếm sống nhưng đã không còn nỗi lo về đất ở, việc chăn nuôi bò cũng giúp anh chị an tâm về khoản nợ vay mua đất. Chị Huệ nói: “Mua được miếng đất, vợ chồng tôi mừng lắm vì bao nhiêu năm mình cũng có được tài sản trong tay, dù nhỏ thôi. Mỗi lần bán bò, tôi lại trả được một khoản tiền nên không lo lắng lắm. Nếu đợt dịch bệnh vừa qua không thiệt hại bò thì có lẽ giờ này chúng tôi đã hết nợ”.

Thoát nghèo, vợ chồng chị Huệ vẫn còn nhận sự quan tâm hỗ trợ từ MTTQVN xã. Chị Huệ xúc động nói: “Cuộc sống gia đình tôi đã đỡ hơn trước rất nhiều. Dù vẫn làm thuê kiếm sống nhưng đã ổn định. Mấy con bò được coi là vốn để dành, nếu kẹt thì cũng xoay xở được chứ không trắng tay như trước đây”.

Ngô Tuyết – Trương Huệ Mẫn (MTTQVN xã Bàu Năng)