NGƯỜI CÁN BỘ MẶT TRẬN NHIỆT TÌNH CÔNG TÁC, LÀM KINH TẾ GIỎI

Với sự ham học hỏi, ông Nguyễn Hữu Long, sinh năm 1963, Chủ tịch UBMTTQVN xã An Cơ, huyện Châu Thành không những hoàn thành tốt công việc xã hội của mình mà còn đưa kinh tế gia đình phát triển một cách bền vững. Mô hình trồng cây lan cắt cành của ông đã và đang trở thành gương cho nhiều hộ dân khác tại địa phương học tập.

Có lẽ, ông Nguyễn Hữu Long là một trong số không nhiều những cán bộ vừa làm tốt công tác Mặt trận, vừa có đầu óc làm kinh tế. Hơn 8 năm trên cương vị Chủ tịch MTTQ xã, ông được Mặt trận Trung ương, tỉnh, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen, giấy khen do có thành tích xuất sắc trong các công tác Mặt trận mà ông được giao phó. Ông còn được biểu dương là Chủ tịch Mặt trận xã tiêu biểu tại Hội nghị biểu dương Chủ tịch Mặt trận xã, phường, thị trấn, Trưởng Ban công tác Mặt trận tiêu biểu giai đoạn 2014 – 2017 của tỉnh.

Chie sẻ về những trải nghiệm trong công tác, ông Nguyễn Hữu Long cho rằng: muốn vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào tại địa phương, trước tiên bản thân phải gương mẫu, nói đi đôi với làm, có như vậy công việc mới đạt hiệu quả thực sự.

Với tinh thần đó, ông Nguyễn Hữu Long – Chủ tịch UBMTTQVN xã An Cơ, huyện Châu Thành luôn nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện cũng như hướng dẫn các Ban công tác Mặt trận vận động nhân dân tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Ông Long trao đổi công việc với các Ban công tác Mặt trận

Trên cương vị là chủ tịch UBMTTQVN xã An Cơ, ông Long đã đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động gắn với việc nâng cao chất lượng cuộc vận động « toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ». Điển hình là vận động nhân dân hiến đất sản xuất để làm đường giao thông liên xã, vận động Quỹ ‘Vì người nghèo’.

Xã An Cơ là vùng nông thôn của huyện Châu Thành, trên 70% hộ dân dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do là xã nông nghiệp nên việc vận chuyển hàng hóa của người dân là nhu cầu cấp thiết. Xã có 66 đường lô tổ với chiều dài 16km, trong đó có 7 tuyến đường hư hỏng nặng, cần được sửa chữa. Các tuyến đường trọng điểm liên tổ ở 4 ấp mặc dù đã được UBND huyện Châu Thành đầu tư nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, nhưng do chủ yếu nền đất nên qua mùa mưa là nền đường xuống cấp, hư hỏng nhiều. Hiểu được điều đó, ông Long cùng với Ban Thường trực UB.MTTQVN xã triển khai thực hiện mô hình “Phát huy vai trò Ban công tác Mặt trận, tổ dân cư tự quản trong công tác xây dựng, bảo dưỡng đường giao thông nông thôn”. Ông cùng với MTTQ xã, Ban CTMT các ấp đã vận động nhân dân đóng góp để nâng cấp, sửa chữa, bảo quản đường được 16.550m với số tiền là 236.050.000 đồng. Phong trào này rất được người dân đồng tình, vì mang lại lợi ích thiết thực, việc đi lại thuận lợi cho người dân để con em đi học, vận chuyển hàng hóa nông sản… các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, không còn trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư của nhà nước. Nhân dân đã tự giác đóng góp dặm vá, sửa chữa được 6.910m đường lô tổ với chi phí tiền mặt trên 500 triệu đồng và hàng chục ngày công lao động.

Bên cạnh đó, ông và Ban Thường trực UB.MTTQVN xã còn tham gia thực hiện hiệu quả nhiều mô hình khác như: Mô hình “họ đạo xã An Cơ tự phòng, tự quản về an ninh trật tự”, “Phát huy vai trò Ban thường trực UBMTTQVN xã, Ban công tác Mặt trận góp phần nâng cao chất lượng tổ chức tiếp xúc cử tri”, “Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trong các tôn giáo”, “Phát huy vai trò tổ dân cư tự quản trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHYT tự nguyện”…

Ông Trịnh Xuân Hà – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã An Cơ cho biết: Đối với vai trò của Mặt trận, đồng chí Long là người luôn nhiệt tình và trách nhiệm cao với công việc. Ông là người tiên phong, đi đầu trong các phong trào xây dựng nông thôn mới của xã, đặc biệt trong phong trào xây dựng, bảo dưỡng đường giao thông nông thôn đã tích cực vận động người dân hiến đất, đóng góp tiền, ngày công làm đường. Những việc làm của ông xứng đáng được tôn vinh, làm tấm gương sáng để mọi người học tập và noi theo”.

Trong thời gian qua, với sự nhiệt tình, nỗ lực của ông Nguyễn Hữu Long, các phong trào cuộc vận động của UBMTTQVN đã góp phần không nhỏ vào kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của xã An Cơ, nhiều chỉ tiêu về phát triển sản xuất, y tế, giáo dục hằng năm luôn đạt kế hoạch, tệ nạn xã hội dần được đẩy lùi, an ninh chính trị được đảm bảo, người dân có ý thức tốt trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch vững mạnh.

Người cán bộ Mặt trận ấp không chỉ tích cực trong công tác, ông còn là người làm kinh tế giỏi. Được hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ vốn ban đầu, ông mạnh dạn đầu tư trồng lan Mokara bán cắt cành và một số lan khác bán cây.

Ông Long chăm sóc vườn lan

Nói về cái “duyên” với nghề trồng lan, ông Long kể: “Một lần đến bà con ở huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh chơi, thấy người chú trồng lan Mokara bán có hiệu quả, tôi về trồng thử và cho kết quả tốt”. Ông bắt đầu trồng từ tháng 4 năm 2017 đến nay, chỉ sau hơn 8 tháng, lan đã có thể cắt cành bán.

Mô hình trồng lan của ông được xã ghi nhận và báo cáo về huyện. Với mô hình mới hiệu quả kinh tế, huyện hỗ trợ 20 triệu đồng để mua thêm cây giống và làm nhà lưới, gia đình vay đầu tư 50 triệu đồng. Ông còn được Trung tâm ứng dụng Khoa học – công nghệ thuộc Sở Khoa học – Công nghệ Tây Ninh hướng dẫn kỹ thuật trồng. Tháng 10 vừa qua, ông được UBND huyện đưa đi học tập kinh nghiệm về trồng lan và rau thủy canh tại huyện Củ Chi (TP.HCM) và tỉnh Đồng Tháp.

Hiện vườn lan nhà ông Long có diện tích nhà lưới là 130m2 với trên 1.000 cây lan, trong đó có 900 cây lan Mokara đang thu hoạch hoa, số lan còn lại là lan Đen rô và lan rừng. Hàng tháng, ông cắt cành lan bán thu nhập khoảng 3 triệu đồng (mỗi cành hoa bán được 60.000 đồng).

Vốn ít, làm ở quy mô nhỏ nên chưa đạt được kinh tế cao, nhưng cây lan Mokara đã đem đến thu nhập ổn định cho gia đình ông. Đây cũng là hướng đi tốt cho người nông dân.

Ông còn vận dụng việc trồng lan để họp mặt với người dân đến học tập kinh nghiệm, qua đó tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đặc biệt là vận động bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng mô hình trồng lan cải thiện kinh tế, tăng thu nhập. 

“Hiện nay đã có 9 hộ trong xã cùng tham gia trồng lan có quy mô vừa. Đây là bước đầu để hình thành hội quán cây lan đoàn kết, là địa điểm tập hợp nhân dân để tuyên truyền”, ông Long chia sẻ.

Bằng những nỗ lực trong công tác cũng như trong phát triển kinh tế gia đình, ông Nguyễn Hữu Long xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người cùng học tập noi theo.

Tiến Hưng