Bạn của người dân tộc

Một ngày trước lễ, nhiều người đang tụ họp tại Nhà văn hóa ấp Tầm Phô, xã Tân Đông, huyện Tân Châu để chuẩn bị cho lễ dâng cúng theo truyền thống đồng bào. Hòa vào niềm vui này, ông Nguyễn Văn Lực, Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp cũng tham gia với bà con.

Với bà con người dân tộc trên địa bàn xã, ông Lực như một người thân, đặc biệt là với người dân tại ấp Tầm Phô. Ông Ninh Phai, già làng-người có uy tín tại đây cho biết: “Nhiều năm qua, ông Lực đã quen với bà con, ông cũng có nhiều việc làm tốt được bà con tin tưởng như người thân vậy”. Theo ông Ninh Phai, chỉ những người đủ tình cảm, sự quen biết thì mới được bà con đón nhận như vậy.

Mấy mươi năm qua, ông Lực với nhiệm vụ của mình đã góp phần cùng chính quyền địa phương làm chuyển biến phong tục, tập quán cũng như đời sống cho đồng bào dân tộc Khmer theo hướng tốt hơn.

Theo ông Lực, thời năm 1978, ông đi bộ đội ở Campuchia, sau hơn một năm giải ngũ về sống tại xã Tân Đông cho đến nay. Ông Nguyễn Văn Lực từ năm 1980 đến nay đã trải qua các công việc như: Trưởng Ban nông nghiệp xã, quản lý trạm nước sạch tại ấp Tầm Phô và hơn hai năm qua ông là Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp. Cho đến giờ, ông Lực vẫn còn nhớ như in những ngày nơi này còn rất hoang sơ, vùng đồng bào người dân tộc cũng chưa đông đúc như bây giờ. Từ những tháng ngày đó, ông đã hay tìm đến vùng đồng bào dân tộc, nhờ chút vốn luyến ngôn ngữ ít ỏi học được từ lúc đi Campuchia về, ông tiếp tục lân la làm quen với người dân tộc. Tại những bữa trà vui, ngồi quán xá mà ông dần học và hiểu thêm ngôn ngữ của đồng bào dân tộc. Đến giờ, ông Lực nói tiếng dân tộc như ngôn ngữ chính của mình, ông cũng trở thành người phiên dịch giúp tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến đồng bào dân tộc.

Ông Lực cho biết, để nói được lưu loát ông đã không ngại sai và thường tiếp xúc với bà con để nhờ họ chỉnh sửa cho chuẩn. Song song với việc tiếp cận để học ngôn ngữ, ông Lực cũng dần tiếp xúc, hướng dẫn bà con nhiều kỹ năng mới như thay đổi kỹ thuật sản xuất, thói quen sinh hoạt, vận động cho trẻ đến trường. “Với tôi, việc quan trọng nhất giúp bà con thay đổi chính là dùng cái tâm và sự tận tình để hướng dẫn”, ông Lực chia sẻ.

Ông quan tâm các lĩnh vực về giáo dục, y tế và sản xuất, trong từng lĩnh vực ông có cách tiếp cận khác nhau. Ông kiên nhẫn đến từng nhà vận động các bậc phụ huynh cho con mình được đến trường. Song song đó là việc cùng chính quyền vận động hỗ trợ sách, tập, phương tiện giúp trẻ đến trường. Hiện nay, 100% trẻ em người dân tộc tại địa phương đến tuổi đều được đến trường học chữ. Việc giúp người dân tộc trong vùng thay đổi dần thói quen sinh hoạt, chuyển sang ăn uống vệ sinh hơn, ông cũng bỏ ra không ít công sức khi vào vùng đồng bào dân tộc thực hành các cách chế biến thực phẩm, cũng như đa dạng cách chế biến cho đồng bào làm theo dần thay đổi những thói quen chưa tốt, đảm bảo sức khỏe. Hay việc phối hợp chính quyền, các ngành tổ chức các buổi hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo cách “chỉ tận tay, thấy tận mắt” cho đồng bào cùng làm theo để thay đổi dần cách canh tác sản xuất tăng sản lượng. Và trong cách thức thực hiện nào, ông Lực cũng rất nhiệt tình, có những việc ông phải là người xung phong thực hiện hướng dẫn mọi ngườ làm theo.

Ông Lực trao đổi công việc với Bí thư chi bộ, Trưởng ấp

“Mấy mươi năm nay, mỗi ngày tôi đều vài bận ra vào trong xóm để gặp gỡ, vận động đồng bào. Riết cũng thành quen thuộc”, ông Lực bộc bạch. Và bây giờ người dân tộc trong ấp có thể đùa gọi ông Lực bằng những cái tên có phần thân quen hơn như ông Lực, hay Danh Lực. Ông Lực cũng thản nhiên đi công tác trong xóm và tiện đường ghé tạt nhà nào đó dùng cơm trưa như một người thân trong gia đình.

Hiện tại làm công tác Mặt trận ông Lực lại càng bận rộn hơn với nhiều việc làm mỗi ngày. Khi họp dân, khi giám sát các công trình dân sinh, họp dân, tham gia các dịp lễ, tết của đồng bào ít việc nào mà ông vắng mặt.

Song hành cùng đồng bào dân tộc tại địa phương ngót ngét đã 40 năm, nhìn thấy những sự đổi thay tốt đẹp, ông Lực cảm thấy rất vui lòng. Không giấu được niềm vui, ông nói: “So với những ngày tháng còn ít người, cuộc sống còn nghèo khó thì hiện nay mọi thứ đã phát triển cách xa rất nhiều rồi. Tôi vui mừng chính là hiện giờ tại ấp Tầm Phô nay hộ đồng bào dân tộc thuộc diện hộ nghèo đã không còn nữa, và số hộ cận nghèo cũng đang trên đà giảm xuống”.

Ông Võ Văn Sang, Chủ tịch UB.MTTQVN xã Tân Đông cho biết: “Ông Lực tuy tuổi lớn nhưng rất nhiệt tình trong công tác, các nhiệm vụ được giao ông đều hoàn thành tốt. Dù mới đảm nhiệm Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp từ năm 2018 đến nay, ông đã tạo thêm sự gắn kết trong đồng bào, công tác chăm lo cho đồng bào dân tộc được đảm bảo tốt mang lại hiệu quả nâng cao đời sống người dân tộc tại đại phương”.

Ngô Tuyết