VẤN ĐỀ GIÁ ĐIỆN VÀ MẤY CÁI BẬC THANG

Thời gian qua, rất nhiều người dân quan tâm đến vấn đề giá điện tăng cao bất thường và có nhiều phản ảnh, thắc mắc. Người dân thì nói “Ông Nhà đèn… chơi cha”, điện sản xuất ra tính đủ các chi phí vào, cộng với việc trích lập các quỹ theo quy định thì chỉ ra một giá thành, nhưng khi đem bán cho khách hàng, cho người dùng, thì lại phân ra nhiều bậc, nhiều giá; tại sao không tính một bậc, một giá cho tiện cả đôi đường, tránh nhiều điều tiếng và chính mấy cái bậc này và sự công khai, minh bạch “chưa thỏa đáng” lại là nguyên nhân chủ yếu của những thắc mắc của người dân.

Mặc dù hai phương án tính giá điện (cách tính một giá và bậc thang) mới đang được Bộ Công thương nghiên cứu nhưng đa số người dân hướng đến phương án tính điện một giá (ảnh minh họa).

Trước sự việc có quá nhiều phản ảnh, thắc mắc của người dân về chỉ số điện tăng cao, tiền lại còn tăng cao hơn “Ông Nhà đèn” đã có nhiều giải thích như: nào là vào mùa nắng nóng kéo dài người dân xài điện nhiều, nào là có tháng 31 ngày nên cũng là nguyên nhân điện tăng, tiền phải trả nhiều, nào là cách tính 6 bậc như hiện tại sẽ có lợi cho người nghèo, người sử dụng điện ít và khuyến khích mọi người tiết kiệm điện, còn nếu áp dụng một, giá người dùng ít sẽ phải trả tiền tăng, người dùng nhiều sẽ giảm được chi phí, mà người dùng ít là “số đông”.… và “Ông Nhà đèn” kêu gọi mọi người sử dụng tiết kiệm lại để đỡ hao điện. Còn người dân thì kêu la, thắc mắc đành rằng là tháng nắng nóng hoặc tháng có 31 ngày đương nhiên lượng điện sử dụng trong từng hộ gia đình sẽ tăng hơn và tiền hộ gia đình phải trả còn tăng cao nhiều hơn nữa, nhưng nhiều hơn gấp đôi, gấp rưỡi là chuyện khó giải thích cho thông, vì mỗi hộ gia đình cũng bao nhiêu con người đó, mỗi người đều làm công việc, sinh hoạt ngày này, tháng nọ hầu như không đổi, nhà ở phố thì ngày nào cũng sử dụng bao nhiêu thiết bị điện đó, nhà ở quê trống trãi, thoáng mát thì tháng lạnh, tháng mưa có thể sử dụng quạt mà không sử dụng mái điều hòa, vì vậy có thể đỡ tốn điện hơn. Hơn nữa, 6 cái bậc thang mà “Ông Nhà đèn” dùng để tính tiền hàng tháng, không phải vô tình mà có chủ ý, đã làm cho “thượng đế” phải khóc than, nếu nhìn vào sẽ thấy nó “sai sai” làm sao đấy. Với suy nghĩ cá nhân, tôi xin có mấy ý kiến sau:

Thứ nhất: cần xem xét lại “điện bậc thang”: Khoản 5, điêu 29, Luật Điện lực năm 2004 quy định: “Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện”. Như vậy, dù Điện lực Việt Nam và Bộ Công thương có cơ cấu 01 bậc hay 10 bậc đi nữa đều phải tính toán đến lợi ích của tất cả khách hàng. Được biết, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện được thiết kế theo bậc thang với 6 bậc, trên cơ sở mức giá bình quân 1.864,44 đồng/ kWh. Thiết nghĩ, cách tính bậc thang giá điện đang thực hiện có những bất cập: Đầu tiên, ta thấy bậc 1, ông Điện chỉ cho có 50kwh, từ bậc 2 đến bậc 5 chênh nhau là 100kwh, từ bậc 6 thì “thượng đế” cứ xài vô tư nhưng phải thanh toán là 2.927đồng/kwh, vấn đề đặt ra là tại sao bậc 1 chì có 50kwh, từ bậc 2 tới bậc 6 chênh nhau là 100kwh, còn bậc 6 thì thả cửa. Tại sao các bậc không như nhau?  Tại sao các bậc không chênh đều nhau 150kwh hoặc 200 kwh … Có quá nhiều cái người dân chưa hiểu.

Thứ hai, hiện nay đất nước phát triển, thu nhập người dân ngày càng cao, mức sống, chuẩn nghèo, hộ nghèo đã thay đổi… thực hiện công tác an sinh xã hội, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo, trong đó có hỗ trợ tiền điện, vì vậy vịn cớ “ông Nhà đèn”  còn phải chăm lo hộ nghèo nữa là hơi khập khiểng.

Thứ ba, chênh lệch số tiền trên mỗi kwh của bậc 1 so với giá bình quân cơ sở thấp hơn là 186,44 đồng, của bậc 2 thấp hơn là 130,44 đồng, bậc 3 cao hơn 149,56 đồng, bậc 4 cao hơn 671,56 đồng, bậc 5 cao hơn 969,56 đồng, bậc 6 cao hơn 1.062,56 đồng. Tại sao không lấy bậc 1 và 2 bằng giá cơ sở 1864,44 đồng mà phái lấy thấp hơn (nhưng thấp hơn không bao nhiêu) trong khi các bậc còn lại chênh giá cao hơn, bậc 5,6 rất cao. Phần lớn các hộ gia đình ở nước ta đều có sử dụng các thiết bị điện thông dụng như: đèn chiếu sáng, máy bơm nước (những nơi chưa có nước cấp thủy), quạt điện, nồi cơm điện, bàn ủi điện…

Trong thời đại ngày nay, tiêu dùng điện hộ gia đình, không có nghĩa là tiêu dùng đơn thuần mà tiêu dùng cho phát triển, mọi người làm việc, sản xuất, kinh doanh thông qua computer, thông qua mạng internet rất nhiều…; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thì được ưu tiên giá điện thấp, còn người làm việc, sản xuất, kinh doanh tại nhà thì trả giá điện cao, nên chăng lần này cần tính toán lại một cách tổng thể, toàn diện hơn, đối với hộ nghèo, hộ gia đình chính sách khó khăn. Nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ tiền điện một phần (Đến cuối năm 2019, tỷ lệ nghèo cả nước bình quân khoảng dưới 4%, tổng số hộ cả nước)[1]. Từ đó cho thấy nếu theo quan điểm phát triển, không có chuyện nếu áp dụng một giá người xài điện ít sẽ thiệt hơn người xài nhiều, còn nếu áp dụng điện bậc thang cũng cần nhìn theo quan điểm phát triển, cụ thể, hài hòa lợi ích của nhà điện, Nhà nước và người dân.

Việc tính toán áp dụng định mức điện bậc thang, điện một giá, trên cơ sở giá thành một kwh điện, cần phải đảm bảo sự hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước, Điện lực và người dân, trong điều kiện đất nước ta tiến vào thời kỳ công nghệ 4.0. Vì vậy cũng cần nhìn nhận điện tiêu dùng trong các hộ dân cũng là yếu tố của phát triển, giá phải trả cho điện cũng cần hợp lý với cái nhìn theo chiều hướng phát triển đi lên.

NGUYÊN KHÔI

[1] Website của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đăng ngày11/3/2020