Hiệu quả từ sáng kiến cải tiến hệ thống li tâm tách bã mì

Phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” được các cấp công đoàn tỉnh Tây Ninh thường xuyên phát động, duy trì, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, các cấp công đoàn xây dựng chương trình, nội dung thi đua phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm động viên đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động phát huy tính năng động, sáng tạo, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Đối với khu vực sản xuất – kinh doanh và dịch vụ: Từ phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” đã cụ thể hóa thành các phong trào “Nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm dịch vụ”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất”…

Tại Công ty TNHH MTV Định Khuê, có trụ sở đóng trên địa bàn ấp 2, xã Suối Dây, huyện Tân Châu, chuyên sản xuất tinh bột khoai mì, qua thực tiễn làm việc, chị Phan Thị Thùy Linh, sinh năm 1985, hiện là Phó Giám đốc Công ty phụ trách bộ phận kỹ thuật chia sẻ với chúng tôi quá trình đúc kết ứng dụng sáng kiến cải tiến hệ thống li tâm tách bã mì vào dây chuyền sản xuất của Công ty. Chị cho biết “Công ty chuyên sản xuất tinh bột khoai mì, trong quá trình hình thành và phát triển sản phẩm của Công ty chúng tôi đã có thương hiệu trên thị trường trong nước và Trung Quốc với nhãn hiệu Ba Đồng Tiền. Song, trong những năm gần đây do ảnh hưởng khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu thì ngành sản xuất tinh bột mì lại càng gặp nhiều khó khăn hơn”.

Đứng trước những khó khăn thách thức của thị trường, Công ty luôn xác định muốn Công ty phát triển bền vững thì phải mở rộng thị trường sang các nước Châu Âu, Châu Á khác như: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… Muốn mở rộng thị trường thì điều đầu tiên đòi hỏi phải có sản phẩm đạt theo tiêu chuẩn quốc tế, chi phí giá thành thấp. Do công tác tại bộ phận kỹ thuật sau một thời gian chị Linh cùng tập thể anh em kỹ thuật tìm tòi học hỏi đã tìm ra nguyên nhân, hạn chế của hệ thống li tâm tách bã mì, tạp chất. Trước đây, nhà máy sử dụng hệ thống li tâm đứng 16 máy, có khuyết điểm khi vận hành máy tách không hết tạp chất, chạy không đủ công suất, hao điện, phải vệ sinh thường xuyên, bình quân 1 ca chạy 12 tiếng phải vệ sinh 4 lần, mỗi lần vệ sinh là phải giảm nhiệt sẽ dẫn đến tỷ lệ bột hao hụt cao, hệ thống lưới phải thay thường xuyên, tốn 1 nhân công thường xuyên vệ sinh. Vòng tua chạy chậm không lấy hết được nước bột dẫn đến mất bột, xác mì ướt. Khi sấy xác lại hao Gas, số mô tơ phải chạy là 16 cái x 50 HP (công suất); 24 cái x 15 HP (công suất) vì vậy rất tốn điện. Sau khi nghiên cứu và hưởng ứng phát động phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” do công đoàn phối hợp Ban Giám đốc Công ty phát động, bản thân chị Linh đã mạnh dạn đề xuất giải pháp thay đổi hệ thống đứng thành hệ thống li tâm nằm và đã được Công ty thống nhất thay đổi.

Kể từ khi ứng dụng sáng kiến, thay đổi hệ thống đứng thành hệ thống li tâm nằm, hiệu quả đã mang lại rõ rệt, hệ thống mới chạy đủ công suất, vòng tua nhanh, lấy hết nước bột, tách tạp chất tốt. Số mô tơ chạy 4 cấp, mỗi cấp để lại 1 mô tơ dự phòng làm giảm hao điện, vệ sinh tự động giảm nhân công tăng hiệu quả việc sấy bột, giảm chi phí sấy xác mì do xác mì khô, không phải vệ sinh lưới thường xuyên. Tỷ lệ thu hồi bột cao, chất lượng bột đạt theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Lợi nhuận thu được sau khi sử dụng hệ thống li tâm nằm cụ thể sau 3 tháng thực hiện trong năm 2021, Công ty thống kê các hệ số sau đây đều giảm chi phí: Nhân công: 10 triệu x 3 tháng = 30 triệu; tiền điện giảm 150 KW x 78 ngày = 11.700 KW x 1.940 = 22.698.000đ; Chi phí xấy xác giảm 32.000.000đ; Thu hồi bột đạt: 115,2 % = 200kg/ngày x 78 ngày = 15.600 kg x 10.000 đ/kg = 156.000.000đ. Tổng cộng giảm chi phí 240.698.000 đồng, trong đó chất lượng bột đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, mở rộng được thị trường đem lại hiệu quả kinh tế ước tính trên 2 tỷ đồng.

Việc ứng dụng sáng kiến cải tiến hệ thống li tâm tách bã mì của chị Phan Thị Thùy Linh và tập thể bộ phận kỹ thuật đã giúp Công ty tiết kiệm được chi phí sản xuất và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sáng kiến đã được Ban Giám đốc và Công đoàn Công ty khen thưởng và được Liên đoàn Lao động huyện Tân Châu đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh Tây Ninh tặng Bằng khen.

Phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” đã động viên CNVCLĐ phát huy tính năng động, sáng tạo, nỗ lực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, đáp ứng sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thay đổi cách quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh thích ứng với cơ chế thị trường, mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc thiết bị và công nghệ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nghiên cứu cải tiến mẫu mã, bao bì, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Quốc tiến

(Bài viết của Liên đoàn Lao động tỉnh tham gia thi đua Khối Mặt trận – Các đoàn thể tỉnh)