Gương điển hình “học tập và làm theo Bác” của hội viên Nguyễn Văn Sáu

Phước Bình là một xã biên giới của thị xã Trảng Bàng với phần lớn diện tích đất sản xuất là đất trũng thấp và thường bị nhiễm phèn nặng,… Thời gian qua, công tác triển khai áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa được người dân quan tâm nhiều nên hiệu quả sản xuất đạt được còn thấp.

Là một hội viên nông dân, ông Nguyễn Văn Sáu, sinh năm 1969, ngụ ấp Bình Hoà, xã Phước Bình đã từng gắn bó với việc sản xuất chuyên canh cây lúa. Tuy nhiên, do phần lớn diện tích đất trũng và thường xuyên bị nhiễm phèn nên cây lúa phát triển kém. Mỗi năm, gia đình ông chỉ canh tác được 2 vụ lúa, nhưng năng suất và hiệu quả kinh tế đạt được rất bấp bênh.

Không chịu thua trước những bất lợi của tự nhiên, với quyết tâm chuyển đổi cây trồng, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, ông Sáu đã nghiên cứu tìm hiểu về những mô hình sản xuất mới trong và ngoài tỉnh nhằm áp dụng hiệu quả vào thực tế sản xuất của gia đình. Năm 2017, ông đã thử nghiệm chuyển đổi 10 ha đất trồng lúa không hiệu quả sang trồng cây “khóm Quuen”.

Trong năm đầu, do chưa có kinh nghiệm nên ông gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây khóm. Đến mùa mưa, hầu hết diện tích khóm bị ngập chết do địa phương chưa có đê bao chống lũ, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho gia đình. Tuy nhiên, với ý chí lao động cần cù, không chịu khuất phục trước khó khăn, cùng với sự tư vấn, hướng dẫn của các cấp Hội Nông dân, Trạm Khuyến nông thị xã Trảng Bàng và sự giúp đỡ của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ xây dựng đê bao chống lũ,…

Rút kinh nghiệm từ vụ trồng khóm trước, ông Sáu đã dành thời gian đi tham quan học tập kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn, các mô hình trình diễn,… Qua đó, ông đã đúc kết kinh nghiệm và thực hiện áp dụng, cải tiến quy trình phù hợp vào thực tế sản xuất gia đình. Năm 2018, ruộng khóm của ông đã phát triển tốt và cho năng suất khá cao, mang lại thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/ ha.

Từ thành công bước đầu, năm 2019 ông đã mạnh dạn đầu tư và thuê thêm đất để trồng khóm theo quy trình sản xuất hướng VietGap, kết hợp thả nuôi thêm các loại cá xen canh trong ruộng khóm để tăng thêm hiệu quả kinh tế. Hàng năm, sau khi trừ chi phí từ cây khóm và cá mang về cho ông lợi nhuận khoảng 3,7 tỷ đồng. Hiện nay, ông và gia đình đã đẩy mạnh phát triển sản xuất thêm các loại cây trồng khác với tổng diện tích lên đến 200 ha (bao gồm cả đất thuê và đất của gia đình). Trong đó, riêng diện tích trồng chuyên canh cây khóm là 60 ha.

Với tinh thần cần cù, chịu khó và ham học hỏi, ông Nguyễn Văn Sáu đã thành công trong chuyển đổi cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Sáu còn luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất,… cho nhiều hộ sản xuất trên địa bàn. Từ mô hình, ông cũng góp phần hỗ trợ và tạo việc làm thường xuyên cho 52 lao động có thu nhập ổn định và giúp đỡ cho 08 hộ nghèo về cây giống, kỹ thuật sản xuất,… tại địa phương. Qua đó, giúp nhiều hội viên vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Với nỗ lực học tập và làm theo tấm gương của Bác trong đời sống, sản xuất, ông Nguyễn Văn Sáu đã phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả thu nhập kinh tế gia đình, đồng thời gia đình ông còn tham gia nhiều hoạt động đóng góp cho công tác Hội, công tác xã hội nhân đạo tại địa phương… Hằng năm, gia đình ông đã ủng hộ cho các cấp chính quyền địa phương và tham gia ủng hộ, giúp đỡ hộ nghèo, xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương… với số tiền trên 150 triệu đồng.

Từ những đóng góp và thành tích đạt được, ông Nguyễn Văn Sáu đã nhiều lần được các cấp Hội và các cấp ủy chính quyền khen thưởng, biểu dương. Nhiều năm liền, gia đình ông đều đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh và được công nhận là gia đình văn hoá tiêu biểu tại địa phương.

Ban KTXH- TTHTND – Hội Nông dân tỉnh

(Bài viết tham gia thi đua Khối Mặt trận – Các đoàn thể tỉnh của Hội Nông dân tỉnh)