Ông Chàm Sá: Người dẫn dắt đồng bào dân tộc Chăm

Với vai trò Trưởng ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh Tây Ninh, những năm qua, ông Chàm Sá đã tích cực vận động dân tộc Chăm thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần ổn định đời sống, xã hội của đồng bào Chăm ở phường 1, TP Tây Ninh.

Mỗi khi lên Thánh đường làm lễ cho đồng bào Chăm ở phường 1, trước khi chính thức vào lễ, ông thường dành thời gian khoảng 15 phút để tuyên truyền những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, ông nhắc nhở các gia đình phải luôn giáo dục con em chấp hành tốt luật giao thông đường bộ, không đua xe lạng lách, không điều khiển xe quá tốc độ quy định để đảm bảo an toàn giao thông trong thôn xóm nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung.

Ông Chàm Sá cho biết, hiện nay, cộng đồng người Chăm ở phường 1 có 111 hộ với 376 nhân khẩu và đều theo đạo Hồi giáo Islam. Trong thời gian làm Trưởng ban Đại diện cộng đồng dân tộc Chăm của tỉnh, ông luôn giúp đỡ đồng bào dân tộc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước và truyền thống văn hóa dân tộc. Cụ thể, ông cùng với bà con dân tộc, tổ chức sinh hoạt cộng đồng theo đúng thời gian quy định và đoàn kết trong nội bộ và giữ gìn an ninh trật tự chính trị nơi mình sinh sống. Được sự quan tâm hướng dẫn vủa Mặt trận tổ quốc cấc cấp, sự hỗ trợ tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, trực tiếp là Đảng ủy, UBND, UBMTTQ phường 1, ông vận động cộng đồng đồng bào Chăm trong phường tham gia các nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xậy dựng đời sổng văn hóa”. Kết quả,trong năm 2019, có 93,7% hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa. Các loạitội phạm trong cộng đồng dân tộc được kéo giảm đáng kể và không có tôi phạm nghiêm trọng.

Ông Chàm Sá tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trước buổi lễ cho đồng bào Chăm ở phường 1

Khi được phân công phụ trách, quán lý Thánh đường hồi giáo, ông đã nỗ lực phấn đấu thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước và giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc. Hằng năm, ông đều cùng đồng bào dân tộc Chăm tổ chức sinh hoạt cộng đồng như lễ HaJi (lễ hành hương), lễ Roya Ramada (lễ kết thúc tháng án chay trong năm). Đặc biệt, trong những năm qua, ông còn vận động Hội trăng lưỡi liềm đỏ hỗ hợ kinh phí xây dựng được 27 căn nhà Đại đoàn kết cho bà con dân tộc trong khu phố 2 với số tiền hơn 900 triệu đồng. Ông Chàm Sá cho biết thêm, những năm qua, ông còn vận động tổ chức Hồi giáo Islam ở nước Malaisia hỗ trợ kinh phí khoan cả trăm giếng nước cho đồng bào dân tộc Chăm nhiều nơi trong tỉnh với chi phí 3 triệu đồng/giếng. Ông còn kịp thời phản ánh và đề xuất với lãnh đạo chính quyền địa phương các giải pháp điều chỉnh, khắc phục vướng mắc của bà con dân tộc. Ông luôn kêu gọi đồng bào dân tộc trong khu phố đoàn kết, tương thân tương ái hỗ trợ nhau về mặt tinh thần cũng như vật chất để nâng cao đời sống. Người đàn ông 70 tuổi này nhớ lại: “Thời bao cấp, bà con dân tộc ở đây khó khăn, hầu như nhà nào cũng mượn gạo ăn, những năm gần đây, đời sống bà con khá lên rất nhiều. Hiện nay, nhà nào cũng có xe gắn máy, ti vi, gạo mua bao bao để sẵn trong nhà. Nhiều con em đồng bào dân tộc được học hành tới nơi tới chốn, có công ăn việc làm đàng hoàng. Như gia đình ở gần đây có tới 5 đảng viên, trong đó có người làm giáo viên, hoặc công tác ở UBND phường 1. Đa số thanh niên làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, hoặc làm phụ hồ hoặc may gia công tại nhà”.

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Rê Hi Na, 38 tuổi. Hơn 10 năm nay, chị làm nghề may gia công cho một tiệm may ở TP Tây Ninh. Mỗi ngày, chị may được từ 3- 4 bộ quần áo. Mỗi bộ quần áo, chị được trả tiền công 35 ngàn đồng. Trung bình, mỗi ngày, chị kiếm được hơn 100 ngàn đồng. Chồng chị đi làm nghề thọc trứng kiến vàng đem bán cho những tiệm bán mồi câu cá, mỗi ngày cũng kiếm được cả trăm ngàn đồng, đủ tiền nuôi 3 người con. Hơn mười năm trước, gia đình chị không có nhà ở, phải che mái tôn bên vách nhà cha mẹ ruột để nương thân. Năm 2010, nhờ ông Chàm Sá vận động Hội trăng lưỡi liềm đỏ hỗ hợ kinh phí xây tặng một căn nhà Đại đoàn kết. từ đó đến nay, gia đình chị có nơi ở đàng hoàng. Hơn một năm nay, vợ chồng chị xây thêm một phòng ngủ, xây nhà bếp và thay lát mới lại toàn bộ nền nhà bằng gạch bông cho lớp gạch tàu đã cũ. Chị Na nhớ lại: “Trước đây cuộc sống gia đình em khó khăn lắm, nhờ được ông Chàm Sá quan tâm, giúp đỡ về nhà ở và tuyên truyền những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giáo dục về lối sống, đạo đức nên vợ chồng em cố gắng làm ăn, nhờ vậy, ngày nay gia đình em mới thoát nghèo, vươn lên”.

Nhận xét về ông Chàm Sá, chị Lê Thị Thảo Hiền- Phó Chủ tịch UBND phường 1, cho biết: “Ông Chàm Sá là người có uy tín, đạo đức, được đồng bào dân tộc Chăm trong tỉnh bầu chọn là Trưởng ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh Tây Ninh nhiều năm qua. Ông luôn tích cực chăm lo cho đồng bào dân tộc Chăm, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ông còn kết hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ phường 1 tuyên truyền những chính sách đối với phụ nữ dân tộc Chăm”. Chị Hiền cho biết thêm, năm 2018, phường 1 tổ chức ra mắt mô hình đồng bào Chăm giữ gìn an ninh trật tự, ông Chàm Sá được bầu chọn làm Phó Ban tổ chức của mô hình này. Từ đó đến nay tình hình an ninh trật tự trong cộng đồng người Chăm rất ổn định, buổi tối, không còn tình trạng thanh niên tụ tập, gây rối như những năm trước.

Với những đóng góp tích cực đối với đồng bào Chăm trong tỉnh, ông Chàm Sá từng được tỉnh bầu chọ dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ Nhất ở Hà Nội, năm 2015, ông được UBMTTQVN tỉnh tặng Bằng khen, vì có thành tích xuất sắc trong vận động đồng bào dân tộc Chăm thực hiện chương trình hành động của MTTQ tỉnh, năm 2016, ông được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc v.v…

Đại Dương