UBMTTQVN tỉnh: Tọa đàm về nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục pháp luật

Sáng 10.11, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tổ chức tọa đàm “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong tình hình hiện nay”. Đây là hoạt động hưởng ứng “Ngày pháp luật Việt Nam”. Ông Nguyễn Văn Nhiếm – Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh chủ trì buổi tọa đàm. Tham dự còn có đại diện Sở Tư pháp, Sở Thông tin – Truyền thông, các tổ chức chính trị – xã hội và Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các huyện, thành phố.

Ông Nguyễn Văn Nhiếm - Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, chủ trì phát biểu đề án

Ông Nguyễn Văn Nhiếm – Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, chủ trì phát biểu đề án

Trong thời gian qua, MTTQ và các ngành, các đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thường xuyên, hiệu quả thông qua các hội nghị triển khai, các lớp tập huấn nghiệp vụ, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, nhóm nòng cốt đã kịp thời chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Qua đó có nhiều sáng kiến, mô hình hay trong công tác tuyên truyền của các đơn vị, các địa phương như, phối hợp với công ty viễn thông Viettel tuyên truyền qua tin nhắn, mô hình tổ chức quán cà phê tuyên truyền, phiên tòa giả định của Tỉnh đoàn; Liên đoàn Lao động có mô hình hội thi tìm hiểu pháp luật, tư vấn pháp luật tại các khu nhà trọ công nhân tập trung; hệ thống Mặt trận cũng có nhiều cách làm hay, đó là việc xây dựng xây dựng các “nhóm cốt cán tuyên truyền” ở các ấp của MTTQ huyện Dương Minh Châu; thành lập nhóm tuyên truyền, đấu tranh trên facebook, hỗ trợ loa tuyên truyền di động ở các ấp của MTTQ huyện Gò Dầu…

 

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng thừa nhận, công tác tuyên truyền pháp luật hiện nay cũng còn nhiều hạn chế.

 

Đại biểu Sở Tư pháp cho rằng: Mặt trận, các ngành phới hợp thực hiện công tác tuyên truyền rất tốt, hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, nhưng qua đó chưa đáp ứng được yêu cầu đề; chất lượng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên chưa cao; còn nhiều đơn vị thực hiện mang tính hình thức, chưa thực chất.

Bà Nguyễn Thị Kim Hương - Trưởng phòng tuyên truyền (Sở Tư pháp) phát biểu ý kiến

Bà Nguyễn Thị Kim Hương – Trưởng phòng tuyên truyền (Sở Tư pháp) phát biểu ý kiến

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Hội Cựu chiến binh tỉnh nhận định: Công tác tuyên truyền có nhiều tiến bộ, các ngành, các đơn vị rất tích cực tham gia thực hiện, nhưng thực tế hiệu quả đạt được chưa cao, người dân tiếp nhận những nội dung về pháp luật còn ít.

 

Đại biểu Hội Nông dân tỉnh cũng cho rằng: Các ngành, các đơn vị triển khai thực hiện công tác tuyên truyền rất nhiều, nhưng tình trạng vi phạm pháp luật không giảm mà còn tăng hơn.

Ông Ngô Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh phát biểu ý kiến

Ông Ngô Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh phát biểu ý kiến

Phản ánh thức trạng hiểu biết về pháp luật còn hạn chế của người dân, đại biểu Sở Thông tin truyền thông trăn trở: Vấn đề an ninh mạng trong thời gian qua chưa được quan tâm nhiều, trong khi người dân sử dụng internet rất lớn nên dẫn đến một số trường hợp đáng tiếc xảy ra là vô tình sử dụng internet đăng nhập những trang mạng không được phép dẫn đến vi phạm pháp luật. Qua đó cũng đề nghị, MTTQ và các ngành tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về sử dụng internet đúng quy định pháp luật.

 

Đại biểu Tỉnh đoàn và MTTQ một số huyện quan tâm đến thực trạng khó khăn nhất trong công tác tuyên truyền hiện nay là kinh phí tuyên truyền còn hạn chế, thiếu tài liệu tuyên truyền; khó tiếp cận tuyên truyền cho đối tượng dễ vi phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Tấn Đức - Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông phát biểu ý kiến

Ông Nguyễn Tấn Đức – Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông phát biểu ý kiến

Đề cập đến giải pháp tuyên truyền, các đại biểu đưa ra rất nhiều giải pháp trên cơ sở những kinh nghiệm thực tế tuyên truyền của đơn vị mình.

 

Đại biểu của Liên đoàn Lao động đề nghị Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh nên in các “tình huống pháp luật” đã được xử lý thành tờ rơi phát cho công nhân; tổ chức tuyên truyền pháp luật trên các chuyến xe đưa rước công nhân.

 

MTTQ các huyện nêu ra gợi ý nên thông qua các buổi hòa giải để tuyên truyền cho người dân hiểu về pháp luật; phối hợp với các tổ chức tôn giáo, đề nghị chức sắc tôn giáo dưa nội dung tuyên truyền pháp luật vào các buổi sinh hoạt tôn giáo; tỉnh cần tăng cường tập huấn nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ tuyên truyền viên; tổ chức giám sát về thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở các địa phương.

Các đại biểu dự buổi tọa đàm

Các đại biểu dự buổi tọa đàm

Nhiều đại biểu cũng đề nghị ngành chức năng quan tâm tạo điều kiện về kinh phí để thực hiện công tác tuyên truyền ra dân được tốt hơn, cho tương xứng với tầm quan trọng của công tác này.

 

Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Nhiếm – Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh đề nghị các ngành, các đơn vị, các địa phương hướng dẫn, chỉ đạo công tác tuyên truyền cần lựa chọn các chủ đề gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tuyên truyền phải chú trọng vào đối tượng cần tuyên truyền, địa bàn, đặc biệt là tuyên truyền theo đợt cao điểm; Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật quân tâm hơn đến công tác khen thưởng động viên các đơn vị, địa phương làm tốt.

 

TH