MTTQ tỉnh Tây Ninh giám sát thực hiện Luật bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Gò Dầu

Thực hiện Chương trình  giám sát năm 2017 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thành lập Đoàn giám sát trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại huyện Gò Dầu do ông Nguyễn Văn Nhiếm, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm trưởng  đoàn, ông Lê Anh Tuấn, Trưởng ban Kinh Tế Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh phó đoàn, cùng đại diện Sở Tài nguyên và Môi Trường, Phòng cảnh sát môi trường, các chi cục trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật. Đoàn đã khảo sát ở xã Phước Trạch và xã Phước Đông huyện Gò Dầu, làm việc Ủy ban nhân dân huyện Gò Dầu về thực hiện trách nhiệm của Ủy ban nhân dân được quy định tại Điều 143 Luật Bảo vệ môi trường.

 

Qua khảo sát ở xã Phước Trạch và xã Phước Đông thể hiện, từ khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, nhận thức của Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị- xã hội đã có sự chuyển biến tích cực, các xã đã đề ra kế hoạch thực hiện bảo vệ môi trường hàng năm, cụ thể các quy định về bảo vệ môi trường thành qui ước, đưa các tiêu chí về bảo vệ môi trường vào đánh giá, sếp loại Khu dân cư và gia đình văn hóa. Nhiều mô hình được các tổ chức chính trị- xã hội vận động Nhân dân tham gia thực hiện đạt hiệu quả như thành lập “Tổ bảo vệ môi trường ở ấp” do Trưởng ấp làm tổ trưởng, Trưởng ban công tác Mặt trận làm tổ phó, đại diện các chi tổ hội làm thành viên; mô hình tổ phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni long, thu hom phế liệu; mô hình nông dân thu gom vỏ chai, bao thuốc bảo vệ thực vật; mỗi tổ chức chính trị- xã hội đăng ký phụ trách ít nhất 01 tuyến đường vận động nhân dân thu gom rác, phát quang cây và thông qua ý thức tự quản của Nhân dân để giữ tuyến đường xanh, sạch, đẹp; không còn tình trạng vứt rác, xả nước thải tràn lan ra đường như trước đây.

 

Ở xã Phước Trạch, công tác bảo vệ môi trường được thực hiện thuận lợi hơn so với xã Phước Đông vì địa bàn có 03 ấp, toàn xã có 2.108 hộ, 8.014 nhân khẩu. Trên địa bàn xã có 364 cơ sở sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, chế biến. Không có cơ sở chế biến quy mô lớn có nguy cơ gây ảnh hưởng môi trường. Đối với xã Phước Đông có 05 ấp, trên địa bàn có 615 cơ sở, có 29 công ty, xí nghiệp và Khu công nghiệp Phước Đông thu hút hàng chục ngàn lao động, nguy cơ gây ảnh hưởng môi trường rất cao, đòi hỏi Ủy ban nhân dân xã phải tăng cường công tác kiểm tra, tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân phấn đấu thực hiện tốt tiêu chí 17 xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

 

Tuy nhiên, những khó khăn hiện nay thể hiện ý thức của một số hộ gia đình và cơ sở sản xuất còn xem công tác bảo vệ môi trường là của Nhà nước, chưa thấy hết quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình và cá nhân trong bảo vệ môi trường; địa phương chưa giải quyết hiệu quả số mồ mả trong khu vực vườn nhà, nghĩa địa gia tộc, do việc vận động di dời về nghĩa trang tập trung, các hộ dân liên quan chưa tích cực thực hiện; kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường còn hạn chế ảnh hưởng đến việc địa phương triển khai các hoạt động và nhất là công tác tuyên truyền, vận động.

 

Đối với kết quả giám sát trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện Gò Dầu thể hiện, năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 đã kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường trên địa bàn; trên địa bàn huyện có 533 cơ sở sản xuất, chăn nuôi, chế biến, kinh doanh có liên quan đến môi trường. Trong đó, có 21 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý cấp tỉnh, 281 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của cấp huyện, 231 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của cấp xã. Thời gian qua, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo tổ chức 6 đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất 162 cơ sở, phát hiện lập biên bản vi phạm hành chính 8 cơ sở, ban hành quyết định xử phạt với số tiền trên 80 triệu đồng. Hiện nay trên địa bàn huyện có 02 điểm gây ô nhiễm môi trường và hoạt động thu gom rác gây bức xúc trong nhân dân, đó là bãi  rác tạm của huyện tại ấp Xóm Mới, xã Thanh Phước và trại chăn nuôi tại ấp Phước Hòa, xã Phước Thạnh; tình trạng thu gom rác trước đây do một số hộ kinh doanh tổ chức thu gom, sau đó UBND huyện lập đề án thu gom xử lý rác thải trên địa bàn huyện được UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức đấu thầu. Công ty TNHH môi trường Sài Thành trúng thầu nhưng không thực hiện được do các hộ dân thu gom rác trước đây ngăn cản nên UBND huyện đã thanh lý hợp đồng, dừng việc thực hiện gói thầu. Hiện nay việc thu gom rác thải trên địa bàn huyện vẫn do các hộ dân thực hiện, huyện sẽ tổ chức đấu thầu lại để lựa chọn đơn vị đủ năng lực và tư cách pháp nhân thu gom xử lý rác thải đúng qui định.

 

Qua giám sát, các thành viên đoàn giám sát đã đặt nhiều vấn đề xoay quanh trách  nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân cấp huyện được quy định rất cụ thể tại Điều 143 Luật Bảo vệ môi trường, trong đó lưu ý tình trạng cơ sở giết mổ trên địa bàn thời gian qua cơ quan chức năng cấp tỉnh đã phát hiện việc bơm nước vào động vật trước khi giết mổ, đề nghị Ủy ban nhân dân huyện tăng cường công tác chỉ đạo thanh tra, kiểm tra; hạn chế và khắc phục tình trạng vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi ven các trục lộ giao thông chính ở khu vực giáp ranh giữa các xã, thị trấn; quan tâm chỉ đạo thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt, có phương án phù hợp để vừa giải quyết việc làm của người lao động vừa đảm bảo cơ sở trúng thầu thực hiện thu gom rác trên địa bàn để tránh gây bức xúc trong nhân dân; tăng cường công tác tuyên truyền và tạo điều kiện để các tổ chức chính trị- xã hội thực hiện hiệu quả hơn nữa các chương trình, mô hình về bảo vệ môi trường.

 

                                                                           Đặng Xuân Lãnh