Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Sáng 29.10, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh quy định khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Tham dự Hội nghị có 36 đại biểu là lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội, đại diện các sở, ban, ngành tỉnh; thành viên Hội đồng tư vấn DCPL tỉnh và Chủ tịch MTTQ các huyện, thành phố. Hội nghị do đồng chí Hồ Đức Hải-Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị dự thảo Nghị quyết, có trách nhiệm giải trình các ý kiến phản biện xã hội; dự và làm việc có các đồng chí Võ Đức Trong, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ – Giám đốc Sở NNPTNT, đồng chí Nguyễn Văn Mấy – Phó giám đốc Sở và các đ/c lãnh đạo, chuyên viên Chi cục Chăn nuôi và Thú y.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày báo cáo về một số nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết nêu trên. Dự thảo Nghị quyết xác định Khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh gồm 03 khu vực: Khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; Phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đã được cắm mốc thuộc khu vực không được phép chăn nuôi theo Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012, Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014; Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn thuộc khu vực không được phép chăn nuôi quy mô trang trại, nuôi trồng thuỷ sản quy mô công nghiệp theo Luật Đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008. Đồng thời, đề xuất thời gian ngừng chăn nuôi trong khu dân cư hoặc di dời chuồng trại, vật nuôi đến địa điểm phù hợp là 05 năm kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực.

Để có cơ sở đưa ra đánh giá khách quan, sát thực tế, trước khi tổ chức Hội nghị phản biện xã hội, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh gửi dự thảo lấy ý kiến 25 vị Ủy viên Ủy ban MTTQVN tỉnh khóa X là lãnh đạo các Tổ chức chính trị-xã hội tỉnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố và các vị thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ – Pháp luật tỉnh; chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch số 13/KH-MTTQ-BTT ngày 09/10/2019 tổ chức lấy ý kiến trên 500 đại diện hộ gia đình và cơ sở chăn nuôi  gia súc, gia cầm trên địa bàn phường Ninh Sơn, Phường I (thành phố Tây Ninh), thị trấn Hoà Thành, xã Long Thành Bắc (huyện Châu Thành), thị trấn Châu thành, xã Thái Bình (huyện Châu Thành). Qua đó đã tổng hợp 12 lượt ý kiến bằn văn bản và 60 lượt ý kiến của người dân.

Theo đó, đa số ý kiến đồng tình việc cần thiết phải ban hành Nghị quyết vì phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước và xu thế hội nhập, nhằm hướng đến phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ môi trường, sức khoẻ cộng đồng. Tuy nhiên, qua tổng hợp, có những vấn đề còn băn khoăn như: Luật Chăn nuôi được ban hành, có hiệu lực từ 01/01/2020, đến nay chưa có Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ NNPTNT, do đó, cơ sở xây dựng Nghị quyết chưa đảm bảo; Nghị quyết chưa quy định rõ khu vực không được phép chăn nuôi; cần quy định cụ thể khu vực nào bị cấm toàn bộ, khu vực nào được phép chăn nuôi, quy định rõ số lượng, chủng loại, quy mô vật nuôi; nếu cấm toàn bộ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, kế sinh nhai của một bộ phận dân cư, nhất người dân là vùng nông thôn; quy hoạch, định hướng vật nuôi, khu vực chăn nuôi và các chính sách hỗ trợ di dời chăn nuôi ra ngoài khu dân cư như thế nào để tạo điều kiện cho nhân dân; tác động của một số chính sách trong chương trình giảm nghèo hiện nay thực hiện dự án hỗ trợ chăn nuôi (như bò sinh sản, nuôi gà thả vườn, nuôi dê, baba,.. ); khoảng cách chuồng trại chăn nuôi phải cách nơi ở tối thiểu 100m sẽ ảnh hưởng nhiều đến người dân.

Với những vấn đề nêu trên, MTTQ tỉnh đưa ra 03 ý kiến phản biện: Đề nghị HĐND tỉnh chuyển nội dung thông qua Nghị quyết thực hiện theo Điểm h, Khoản 1, Điều 80 Luật Chăn nuôi sang kỳ họp tiếp theo, việc quy định khu vực không được phép chăn nuôi phải gắn với chính sách di dời để đảm bảo tính đồng bộ, tính khả thi; Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cơ quan dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh đồng thời dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành các quy định cụ thể thực hiện Nghị quyết để lấy ý kiến rộng rãi hơn nữa trong các đối tượng chịu tác động; cơ quan dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh đảm bảo theo Điểm h, Khoản 1, Điều 80 Luật Chăn nuôi, dự thảo Nghị Quyết HĐND tỉnh theo hướng quy định khung, việc quy định nội dung cụ thể giao trách nhiệm UBND tỉnh.

Với tinh thần thẳng thắn trao đổi, góp ý xây dựng chính sách, trong Hội nghị có 06 lượt đại biểu tham gia phát biểu ý kiến, đa số đồng tình việc ban hành Nghị quyết và cần làm rõ một số nội dung. Bệnh cạnh đó, cùng có các ý kiến thể hiện quan điểm khác nhau.

Ông Ngô Đức Hà, Phó Chủ nhiệm HĐTV Dân chủ – Pháp luật tỉnh nhận định việc cần thiết ban hành quy định khu vực không được phép chăn nuôi; đồng tình với ý kiến phản biện của MTTQ tỉnh và đề nghị quan tâm  nghiên cứu, đảm bảo tính thống nhất giữa văn bản Trung ương và địa phương; cần bổ sung số liệu điều tra, cập nhật và đánh giá tình hình hoạt động chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi, quy mô, chủng loại vật nuôi và số hộ đang thực hiện chăn nuôi theo các chương trình, dự án do chính quyền và các tổ chức vận động; nghiên cứu, cụ thể hóa Nghị định số 43/2015 ngày 5/6/2015 về hành lang bảo vệ nguồn nước và quy định các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hôi sinh thái không được phép chăn nuôi và khoảng cách ly giữa khu vực được phép và khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đề người dân biết và thực hiện; kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan soạn dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh có đầy đủ các nôi dung được quy định tại điểm h, Khoản 1, Điều 80, Luật chăn nuôi 2018 trước khi trình HĐND tỉnh.

Đại biểu tham dự hội nghị

Bà Dương Thị Thu Hiền, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học – kỹ thuật tỉnh ý kiến đề nghị xem xét tính toàn diện, tổng thể khi xây dựng nghị quyết liên quan đến quy hoạch vùng chăn nuôi; trách nhiệm quản lý nhà nước và hệ thống giải pháp trong chăn nuôi, phản ánh tình trạng một số hộ nuôi chim Yến trong khu dân cư; đánh giá tác động của chăn nuôi đến môi trường và lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu sự tác động chính sách.

Ngoài ra, tình trạng người dân chăn nuôi theo tập quán, chăn nuôi nhỏ lẻ phục vụ cuộc sống nếu quy định khu vực không được phép chăn nuôi thì có cần xem xét, ban hành chế tài áp dụng nếu xảy ra vi phạm là nội dung được ông Nguyễn Trọng Tấn – Phó Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh đặt ra.

Tiếp thu những ý kiến được trình bày tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Mấy-Phó Giám đốc Sở NNPTNT giải trình các vấn đề: Đối với chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, qua điều tra thực tế, hiện nay chỉ có 05 trang trại chăn nuôi tại khu vực nội thành, 04 trang trại tại khu vực nội thị; phần lớn chăn nuôi tại khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư là chăn nuôi nhỏ lẻ; việc quy định thời gian 5 năm thực hiện di dời là hợp lý; vì vậy, tỉnh không cần thiết phải ban hành chính sách hỗ trợ di dời; giải trình làm rõ căn cứ xác định khu dân cư; làm rõ mật độ, quy mô chăn nuôi nông hộ. Đối với tình trạng nuôi chim Yến trong khu dân cư, hiện nay Sở NNPTNT đã dự thảo cho UBND tỉnh Chỉ thị về nuôi chim Yến, đã tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố bằng văn bản và trực tiếp; hiện đang tham mưu trình UBND tỉnh xem xét, sau khi UBND tỉnh ban hành Chỉ thị, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ ban hành Hướng dẫn tạm thời về nuôi, khai thác, sơ chế, chế biến tổ Yến. Các ý kiến khác của đại biểu được ông Võ Đức Trong-Giám đốc Sở NNPTNT tiếp thu, ghi nhận, giao Chi cục Chăn nuôi và Thú ý nghiên cứu, điểu chỉnh cho phù hợp trong dự thảo Nghị quyết.

Phát biểu hết thúc hội nghị, đồng chí Hồ Đức Hải – PCT MTTQ tỉnh đánh giá cao sự quan tâm, chủ động của Sở NNPTNT tham mưu nghị quyết HĐND tỉnh về quy định khu vực không được phép chăn nuôi; trân trọng những ý kiến xác thực của đại biểu tham dự Hội nghị. Qua đó, đề nghị sau hội nghị này, Sở NNPTNT tiếp tục xem xét, phối hợp với Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức lấy ý kiến của nhân dân; đồng thời, giao Ban DCPL tổng hợp, hoàn thiện báo cáo phản biện xã hội để gửi Sở NNPTNT nghiên cứu, xem xét việc trình dự thảo ra kỳ họp HĐND tỉnh.

Nguyễn Phượng