Trảng Bàng: Hoàn tất xây nhà cho hộ nghèo, cận nghèo

Với mong muốn người dân ai cũng có mái nhà khang trang, an cư để lạc nghiệp, huyện Trảng Bàng đã huy động toàn bộ nguồn lực trên địa bàn để có kinh phí xây nhà đại đoàn kết cho bà con. Đến nay, Trảng Bàng là huyện đầu tiên của tỉnh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu về nhà ở.

Năm 2018, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh giao chỉ tiêu cho Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” huyện Trảng Bàng 600 triệu đồng, và Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” các xã, thị trấn là 40 triệu đồng/xã, thị trấn.

“Sau khi có kế hoạch vận động Quỹ “Vì người nghèo” của huyện, Liên đoàn lao động huyện đề ra kế hoạch vận động trong khối công nhân viên chức, lao động của huyện. Còn Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” của huyện tiến hành gửi 45 Thư ngõ đến các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân và một số công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết các tỉnh để kêu gọi, vận động đóng góp cho Quỹ”, ông Nguyễn Nam Trẹt, Phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện Trảng Bàng cho biết.

Nhờ sự chung tay của cả tập thể, huyện Trảng Bàng đã vận động được trên 5,4 tỷ đồng, gấp 5 lần chỉ tiêu tỉnh giao (chỉ tiêu trên 1 tỷ đồng). Trong đó, cấp xã, thị trấn đã vận động được 4,6 tỷ đồng, vượt kế hoạch trên giao hơn 1000% (11 xã, thị trấn vận động 440 triệu đồng).

Với nguồn Quỹ vận động được, huyện đã tập trung vào xây dựng nhà đại đoàn kết cho người dân. Ngoài 78 căn do Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh hỗ trợ (hỗ trợ 100% cho 13 căn hộ nghèo và 60% cho 65 căn nhà cận nghèo), huyện Trảng Bàng còn vận động xây tặng 92 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ cận nghèo với tổng kinh phí trên 4,2 tỷ đồng.

Ông Trương Văn Tư (76 tuổi) là một trong những hộ cận nghèo vừa được Thị trấn Trảng Bàng xét trao nhà. Ông Tư cho biết, hiện ông đi bán vé số, mỗi ngày được chừng 100 tờ. Vợ ông mua bánh tráng về phơi sương, một tuần mang xuống chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) bỏ mối một lần, kiếm chút tiền lời trang trải cuộc sống. Thu nhập chỉ đủ lo cơm ngày hai bữa và khoản thuốc men cho đủ các loại bệnh tật của ông. Ông nói, chỉ cầu được vậy, để không phải nợ nần, chứ mong gì dư dả để cất được mái nhà lành lặn. Cứ nghĩ đời mình đến đó là hết, chẳng bao giờ được sống trong ngôi nhà gạch.

Ông Trương Văn Tư (áo thun) vẫn chưa hết mừng khi được MTTQ thị trấn Trảng Bàng vận động xây tặng nhà

Nhưng điều ông không tưởng lại thành sự thật, một món quà tặng mà ông chưa bao giờ dám nghĩ tới. “Tuổi tôi có vầy là mừng lắm rồi. Nếu không tôi có làm đến chết cũng không sao cất nổi. Hồi trước, cả nhà nhín nhút lắm mới cất được cái nhà mái tôn, vừng vách bồ xung quanh. Tới đó rồi thôi, làm nhiêu đủ ăn, càng già bệnh tật càng nhiều, có dành dụm thêm được gì nữa đâu. May nhờ địa phương xây nhà cho”, ông Tư chưa hết mừng, kể.

Ông bà Lê Văn Quét (Khu phố Lộc An, Thị trấn Trảng Bàng), vừa được trao tặng nhà vào đầu năm 2018. Niềm vui nhà mới với ông bà, không chỉ là có nơi ở khang trang, mà còn thoát đi nhiều nỗi lo canh cánh khác. Chỉ mái nhà xiêu vẹo cách nhà mới chừng 100m, nằm trên một ao nước mênh mông, ông Quét cho biết, đó là nơi ông bà đã sống hơn chục năm qua. “Mùa nắng thì không sao, nhưng cứ tới mùa mưa là bị ngập, phải mang ủng để đi lại. Nhiều khi ngập sâu quá, ủng cũng không có tác dụng. Bị ngập từ mùa mưa này qua mùa mưa kia, nên mấy cái chân cột bị mục hết. Hồi trước sợ mưa, mang ủng bất tiện nhưng còn đỡ, sau này cột mục, cứ có gió là đã sợ. Sợ gió mạnh quá làm gẫy cột, nhà sập rồi biết làm sao”, ông Quét nhớ lại tình cảnh cách đây hơn một năm.

Đúng lúc đó, địa phương đã tìm đến, hỗ trợ cho ông bà tiền để xây nhà. Nghe tin ông bà được tặng nhà, con cái, họ hàng người cho ông chút đỉnh, gom vào cũng được 20 triệu đồng, cộng với số tiền 40 triệu đồng của Mặt trận hỗ trợ, ông bà cất được căn nhà mới với 2 phòng ngủ, một gian phòng khách. “Mừng lắm cô ơi, giờ không lo ngập ngạp gì nữa, mưa gió cũng bình yên. Chứ trước, cứ tới mùa mưa là rầu lắm”, bà Quét cười tươi, nói.

Chị Hoàng đang đóng vạt tre gia công tại nhà

Cảnh nhà của vợ chồng chị Lê Thị Kim Hoàng (1985) và anh Mai Quốc Tuấn (1978) ở xã An Hoà càng khiến nhiều người chạnh lòng. Cách đây khoảng 15 năm, anh chị cưới nhau về với biết bao dự định cho một tương lai xán lạn. Dù không khá giả, nhưng anh vẫn tin, có nghề đóng giường tre, nếu đồng vợ đồng chồng thì cuộc sống cũng không quá khó khăn. Nhưng, vừa có được 2 mặt con, năm 35 tuổi, anh đổ bệnh. Căn bệnh loạn dưỡng cơ khiến anh đi lại khó khăn. Lúc đầu, anh Tuấn tuy không phụ việc nhà với chị được nhưng vẫn còn lo được cho bản thân, nhưng rồi sức khoẻ ngày một tuột dốc. Giờ đến chuyện vệ sinh cá nhân, anh cũng cần chị giúp. Suốt 6 năm nay, một mình chị vừa nuôi hai con nhỏ, rồi chăm sóc anh, lo toan kiếm kế sinh nhai. Nhưng, thử thách vẫn không dừng lại đó, gần đây anh Tuấn lại bị bệnh tai biến. Chị Hoàng lại càng vất vả hơn. Để có thể lo cho gia đình, từ 4 giờ sáng, chị Hoàng đã ra chợ mua hàng bông, cá thịt rồi chạy xe quanh xóm bán. Khoảng 11h trưa chị về tới nhà lo cơm nước cho các con đi học và tắm rửa cho anh. Chiều chị nhận gia công đóng vạt giường tre ở nhà. “Mỗi ngày đi bán tôi kiếm được khoảng 200 ngàn tiền lời, còn tiền đóng vạt giường không nhiều, nhưng cũng đủ lo tiền chợ mỗi ngày. Vừa có thêm thu nhập vừa ở nhà trông nom ảnh, rồi đưa rước con đi học”, chị Hoàng nói.

Làm quần quật cả ngày, vun vén khéo lắm chị Hoàng mới có thể cân đối được các khoản thu chi cho cả nhà. Vì vậy, khi được địa phương xét tặng xây cho căn nhà đại đoàn kết, chị Hoàng mừng đến rơi nước mắt. Có nhà mới, chị Hoàng trút được một gánh lo. Từ nay, anh cũng có được chỗ nằm thoải mái hơn, không phải chịu cảnh ọp ẹp như trước nữa.

Với những nỗ lực của huyện, đến nay, các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Trảng Bàng đều được hỗ trợ nhà ở. “Trong năm 2019 này, chúng tôi sẽ rà soát lại những hộ nghèo, cận nghèo đã được cất nhà trước đây nhưng hiện nay đang xuống cấp để nâng cấp, sửa chữa lại. Đảm bảo cho bà con trên địa bàn có nhà ở tươm tất, khang trang”, ông Nguyễn Nam Trẹt, Phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện Trảng Bàng cho biết.

N.D