Ngày 27.12 vừa qua, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Quyết định 217; 218 của Bộ Chính trị về việc ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Đoàn thể Chính trị - Xã hội”; “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Đoàn thể Chính trị - Xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền”. Tham dự hội nghị có ông Huỳnh Văn Quang - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, đại diện các Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh cùng đại diện Ban Thường trực MTTQ các huyện, thành phố, xã phường, thị trấn. Qua 3 năm triển khai Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã tập trung hướng dẫn, quán triệt và ban hành văn bản để triển khai thực hiện. Bước đầu đã góp phần nâng cao nhận thức của đoàn viên, hội viên, cán bộ Mặt trận các cấp. Từ đó, tạo sự thống nhất về nhận thức, phương pháp, cách thức triển khai thực hiện đối với cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Toàn cảnh hội nghị
Công tác giám sát: Cấp tỉnh giám sát được 04 cuộc, về công tác quản lý nhà nước đối với người nghiện chất ma túy tại Trung tâm Giáo dục, Lao động xã hội tỉnh; giám sát công tác quản lý nhà nước về hành nghề y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế cho người dân; công tác quản lý nhà nước đối với Hợp tác xã. Cấp huyện giám sát được 85 cuộc, cấp xã là 368 cuộc. Công tác phản biện, Mặt trận Tổ quốc tỉnh phản biện 02 nội dung: dự thảo đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” và "dự thảo Quy định các tiêu chí ưu tiên lựa chọn đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh"; Mặt trận Tổ quốc các huyện, thành phố phản biện 60 nội dung. Quy trình giám sát và phản biện được thực hiện chặt chẽ và đúng qui định, sau hội nghị có văn bản phản biện gửi đến UBND tỉnh và đơn vị dự thảo và được tiếp thu, đưa vào nội dung trình thông qua dự thảo. Bước đầu phản biện xã hội đã góp phần để cơ quan dự thảo bổ sung, điều chỉnh nội dung dự thảo phù hợp với quy định chung của pháp luật và có tính khả thi sau khi ban hành. các kiến nghị, ý kiến phản biện, ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã được các cơ quan Đảng, chính quyền tiếp thu, xem xét giải quyết góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân trong vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của cơ quan nhà nước. Về tổ chức đối thoại, bước đầu một số địa phương mới tổ chức thí điểm trong năm 2016 như: Huyện Dương Minh Châu; thành phố Tây Ninh tổ chức đối thoại với nhân dân xã Bình Minh và phường Ninh Sơn; huyện Tân Châu tổ chức đối thoại liên quan đến giải quyết bao chiếm sử dụng đất công với nhân dân xã Tân Hà, liên quan đến giải tỏa, đền bù thực hiện quy hoạch khu Trung tâm văn hóa thể thao huyện và xây dựng ki ốt khu vực chợ Tân Châu với nhân dân thị trấn. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh, việc thực hiện Quyết định 217, 218 vẫn còn những hạn chế, hoạt động giám sát, phản biện chưa được nhiều, một số nơi kiến nghị của Mặt trận cơ sở và các tổ chức chính trị- xã hội còn chung chung; công tác góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền còn chưa rõ nét, việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân còn lúng túng. Cũng trong hội nghị này, Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổng kết Đề án 02-1133 về "Tiếp tục xây dựng và đây mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư giai đoạn 2013 - 2016" và sơ kết 01 năm thực hiện Đề án 01 về "Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam". Đề án 02-1133 là sự kế tiếp của Đề án 02-212 về phổ biến, giáo dục pháp luật tại cộng đồng dân cư giai đoạn 2008 - 2012 do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Cả hai đề án đều nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền thông qua việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động. Qua thời gian thực hiện đã xây dựng và nhân rộng được 566 nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật ở các ấp (có ấp thành lập 02 nhóm nòng cốt), từng bước đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền đạt được một số kết quả khả quan. Phát biểu kết luận hội nghị, ông Huỳnh Văn Quang - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh nhấn mạnh: Mặt trận Tổ quốc các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, phối hợp thực hiện công tác đối thoại; rà soát đánh giá và có sự hướng dẫn kịp thời hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; trong công tác tuyên truyền cần tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án 02-1133 và Đề án 01. Tại hội nghị, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã tặng bằng khen cho 24 tập thể và 18 cá nhân có thành tích trong các hoạt động Dân chủ - Pháp luật và Tuyên giáo.
TH
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đồng chí VÕ ĐỨC TRONG Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh
|