An Bình là một trong 2 xã của huyện Châu Thành được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2015. Những ngày này về xã nông thôn mới An Bình, điều dễ nhận thấy đó là sự đổi thay của bộ mặt nông thôn với những con đường được cứng hóa thoáng đãng, các khu dân cư xanh, sạch, đẹp.
Xác định công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể xã An Bình đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cải thiện và bảo vệ môi trường. Xã An Bình đã cụ thể hoá tiêu chí môi trường thành những việc làm cụ thể, Ban chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới của xã tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường; triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường gắn các phong trào thi đua của đơn vị mình. Mặt trận tổ quốc xã triển khai thực hiện “Khu dân cư đảm bảo vệ sinh môi trường” tại 04/04 ấp, đưa vào Quy ước khu dân cư về bảo vệ môi trường. Ban vận động các ấp đã phối hợp với Mặt trận tổ quốc xã và các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền về tác hại của việc ô nhiễm môi trường, hướng dẫn xử lý, phòng ngừa, ngăn chặn các mầm mống gây ô nhiễm môi trường của các hộ gia đình, cộng đồng dân cư; vận động các hộ gia đình thường xuyên làm vệ sinh xung quanh nhà, không vứt bỏ rác thải ra lòng, lề đường hoặc các nơi công cộng khác; không xả nước thải bừa bãi, không thả rông súc vật ra đường; tổ chức các buổi ra quân làm tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm; khơi thông cống rãnh, phát hoang các đoạn đường giao thông, tiêu hủy các bãi rác tự phát trên địa bàn dân cư, tham gia vào các tổ hòa giải để giải quyết các vấn đề phát sinh về môi trường. Qua đó, từng hộ gia đình có sự thay đổi nhận thức và hành vi, thực hiện ngày càng tốt hơn việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại địa phương. Các dân tự phân loại rác thải, những loại rác hữu cơ được dùng để ủ phân, làm phân bón trồng rau màu; những loại rác không ủ phân được thì có hố chôn tại hộ gia đình, hoặc mang đi tiêu huỷ, tránh tình trạng vứt rác bừa bãi.
Trong chăn nuôi heo, nhiều hộ dân áp dụng mô hình dùng phân heo để làm túi ủ biogas tạo chất đốt, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, vừa tiết kiệm chi phí sinh hoạt hằng ngày. Ngoài ra, người dân còn thường xuyên tham gia dọn dẹp vệ sinh xung quanh khu vực nhà ở và các khu vực đông dân cư, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra. Vận động nhân dân trồng cây xanh làm hàng rào, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Bên cạnh công tác tuyên truyền, UBND xã đã phát huy nội lực, thực hiện phần việc dễ làm, ít tốn kém, tranh thủ nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, giúp nhân dân đầu tư khoan giếng nước hợp vệ sinh để phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Ngoài ra xã còn vận động hộ gia đình xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh và hố rác tự hoại. Thường xuyên tổ chức kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu vi phạm Luật bảo vệ môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường khi có ý kiến phản ảnh từ nhân dân.
Với những nỗ lực chung của các cấp, các ngành và nhân dân trong xã đã giúp cho xã An Bình sớm đạt tiêu chí số 17 về môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tiêu chí môi trường theo bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, vẫn còn một sô hộ có thói quen vứt rác bừa bãi; vệ sinh môi trường xung quanh khu vực nhà ở chưa bảo đảm; xã cũng chưa có tuyến thu gom rác, nên cách xử lý rác thải chủ yếu vẫn là vận động các hộ tự xử lý rác thải tại gia đình. Trong thời gian tới, xã An Bình tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, đồng thời xã cũng có những giải pháp cụ thể để thực hiện công tác này được tốt hơn.
Ban thường trực UBMTTQ xã An Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đồng chí VÕ ĐỨC TRONG Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh
|