Tân Đông là một trong những xã biên giới của huyện Tân Châu. Xã hiện có khá đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Xã Tân Đông có 6 ấp, trong đó ấp Kà ốt quy tụ đông đồng bào dân tộc Khmer, chiếm đến 2/3 dân số. Đa số người dân sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp. Những năm về trước, đồng bào dân tộc của ấp khó khăn về mọi mặt, từ nhà ở, đất sản xuất, phương tiện sản xuất, vốn, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, thêm vào đó là tập quán sinh hoạt còn lạc hậu, trình độ dân trí thấp nên tỷ lệ hộ nghèo cao. Được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc huyện Tân Châu cũng như xã Tân Đông, trong những năm qua đời sống của đồng bào dân tộc Khơme ấp Kà ốt, xã Tân Đông đã có nhiều khởi sắc.
Hàng năm, Ban vận động ấp tiến hành khảo sát thực trạng ấp, thực hiện tốt nội dung của phong trào “TDĐKXDĐSVH” ở ấp. Trong những năm qua ấp đã thành lập được 01 tổ hoà giải gồm 09 thành viên và xây dựng được 01 “Nhóm nòng cốt” gồm 7 thành viên. Thường xuyên tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống ma tuý, HIV, AIDS, mại dâm, An toàn giao thông và các tệ nạn khác như trộm cắp, cờ bạc, gây rối trật tự nơi xóm ấp. Qua công tác tuyên truyền đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, Ban vận động ấp phối hợp Công an xã Tân Đông xây dựng củng cố được 01 đội tuần tra nhân dân gồm 08 thành viên, thường xuyên tuần tra để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn ấp.
Ban vận động ấp thường xuyên tổ chức họp dân, gặp gỡ bà con dân tộc trong ấp, động viên gia đình chăm lo làm ăn phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái, luôn sống đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành các quy định, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá, ấp văn hoá, xây dựng nông thôn mới do địa phương và các ngành, các cấp phát động.
Trong quá trình phát triển nông thôn, từ nhiều năm nay, bằng nhiều nguồn vốn của các chương trình, dự án được đầu tư, kết cấu hạ tầng được quan tâm, bước đầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống. Nhà nước đầu tư làm đường, kéo điện, xây dựng trạm cấp nước sạch, cho vay vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ trâu bò để bà con chăn nuôi... Nhờ đó, bộ mặt nông thôn nơi đây cũng đã đổi thay từng ngày. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, sản xuất nông nghiệp có bước phát triển. Các chương trình phát triển kinh tế - xã hội được triển khai tích cực đã đem lại kết quả quan trọng góp phần xoá đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, MTTQ và các đoàn thể trong ấp vận động bà con bỏ nhiều tập quán lạc hậu; vận động giúp nhau về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất để giúp các hộ khó khăn thoát nghèo, vận động các gia đình thi đua phát triển từ hộ nghèo thành hộ khá, hộ khá thành hộ giàu. Qua đó bà con ngày càng nâng cao nhận thức, từng bước cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc, hộ nghèo trong ấp giảm dần theo từng năm. Khoảng năm 2005, ấp có 22 hộ nghèo, đến năm 2010 giảm xuống còn 18 hộ nghèo 12,67%, cận nghèo 02 hộ chiếm tỷ lệ 1,4% và đến cuối năm 2015 còn 3 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 1,85%).
Ấp hiện có 01 trường tiểu học, 01 nhà văn hóa là nơi sinh hoạt hội họp, liên hoan văn hóa văn nghệ của nhân dân trong ấp. Đến nay đa số bà con trong ấp nhà nào cũng có xe gắn máy, trên 90% hộ gia đình có tivi, 90% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 98% nhân dân sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh, 90% số hộ đã có công trình vệ sinh. Đã từng bước xóa nhà tạm, nhà dột nát; các cháu trong độ tuổi đi học được miễn học phí và được tặng sách, vở đến trường, những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn được hỗ trợ xe đạp đến trường. Đường thôn ấp được mở rộng, có nhiều hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang cây mì và cây cao su, phát triển kinh tế gia đình vươn lên khá giàu.
Điều đặc biệt trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở ấp Kà ốt là các cặp vợ chồng trẻ đã bỏ hủ tục sinh nhiều con. Ngày nay, mỗi cặp vợ chồng người dân tộc Khmer chỉ có từ một đến hai con, chấm dứt thời mỗi hộ bảy, tám, thậm chí cả chục con như trước. Việc sinh đẻ có kế hoạch đã góp phần nâng dần đời sống của bà con nơi đây; bà con đã bỏ dần những hủ tục lạc hậu, không còn tình trạng chăn nuôi gia súc gần nơi ở, nền văn hóa bản sắc của người Khơme luôn được bảo tồn và phát huy. Trong những năm qua, ấp vận động nhân dân và các đơn vị tài trợ trong và ngoài tỉnh xây dựng chùa Kà Ốt, đến năm 2009 đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng thuần túy của bà con. Ấp Kà ốt đã đạt được danh hiệu ấp văn hoá và giữ vững danh hiệu ấp văn hoá 14 năm liền.
Ông Cao Văn Xây, Trưởng ấp Kà ốt, chia sẻ, với cương vị là Trưởng ấp, tôi cùng với già làng và Ban CTMT thường xuyên vận động bà con hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động của địa phương, đoàn kết giúp nhau trồng trọt, chăn nuôi, giữ gìn môi trường sạch đẹp và không quên gìn giữ nét văn hóa của dân tộc mình.
TH
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đồng chí VÕ ĐỨC TRONG Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh
|