Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh, một chặng đường lịch sử
[caption id="attachment_14223" align="aligncenter" width="573"] Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Tây Ninh chụp ảnh lưu niệm tại bia tưởng niệm di tích Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam[/caption]
Trong những năm qua, vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (ngày 18 tháng 11), khắp nơi trong tỉnh tưng bừng tổ chức các hoạt động chào mừng. Từ năm 2007 đến nay, Mặt trận kỷ niệm dưới hình thức tổ chức "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư”. Trong ngày đó, nhân dân các khu dân cư đồng loạt tổ chức Ngày hội, cùng nhau ôn lại truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc, truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam; tôn vinh những gương điển hình tiên tiến trong các phong trào; đồng thời, có nhiều hoạt động văn hoá truyền thống, đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái... Qua đó càng tăng cường khối đại đoàn kết ở cộng đồng khu dân cư.
88 năm trước, cùng với sự ra đời Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930) do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, ở Tây Ninh, đã sớm hình thành Mặt trận Việt Minh và tiếp sau đó là Mặt trận Liên Việt, công khai hiệu triệu toàn thể dân tỉnh nhà khởi nghĩa giành chính quyền và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kế thừa thành tích của Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt, ngày 19/12/1960, tại vùng giải phóng xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên), đại biểu các giai cấp, các đảng phái, các tôn giáo, các dân tộc toàn miền Nam đã họp Đại hội để thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Từ năm 1977, sau khi Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam quyết định thống nhất 3 tổ chức Mặt trận ở 2 miền và lấy tên chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hệ thống tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh đã hình thành đến cấp xã. Tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh đã động viên, huy động sức mạnh vật chất và tinh thần các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, ra sức hàn gắn những vết thương chiến tranh, vượt qua khó khăn, thách thức, góp phần to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tỉnh nhà, giữ vững biên giới Tây Nam, góp phần bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ quốc.
Sau chiến tranh biên giới Tây Nam, hệ thống Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh tập trung vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước để góp phần xây dựng tỉnh nhà phát triển.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, hơn 80 năm qua, Mặt trận Dân tộc thống nhất (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) tỉnh Tây Ninh đã vận động tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân để cùng nhua lập nhiều chiến công oanh liệt trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong các cuộc kháng chiến đó, Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Tây Ninh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và tổ chức nhiều phong trào quần chúng đấu tranh cách mạng có hiệu quả, cao trào là Đồng Khởi-Tua Hai và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tự lực giải phóng Tây Ninh. Khi chưa giành được chính quyền, có lúc, có nơi Mặt trận các cấp còn làm một phần chức năng của chính quyền cách mạng. Trong thời kỳ Đảng lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh là tổ chức giữ mối quan hệ mật thiết giữa các cấp ủy Đảng với nhân dân, là cơ sở chính trị và là chỗ dựa của chính quyền nhân dân, đồng thời là tổ chức đóng vai trò giám sát và phản biện xã hội đối với chính quyền, vận động nhân dân trong tỉnh vượt qua mọi khó khăn thử thách. Trong thời kỳ cùng cả nước xây dựng và bảo vệ tổ quốc, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh là tổ chức giữ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, vận động nhân dân trong tỉnh vượt qua khó khăn thử thách, tăng cường đoàn kết, huy động mọi tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo chung sức tạo ra nhiều thành tích quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trong kháng chiến, Tây Ninh có vùng giải phóng rộng lớn và nhiều căn cứ lõm, với khẩu hiệu toàn dân đánh thắng giặc xâm lược và tay sai, Mặt trận hoạt động cả trong vùng giải phóng và vùng bị tạm chiếm, cấp uỷ và Mặt trận các cấp xem việc xây dựng “căn cứ trong dân” cũng quan trọng như việc xây dựng căn cứ trong vùng giải phóng. Dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ, Mặt trận và các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ, thống nhất nội dung, kế hoạch tuyên truyền, vận động toàn dân thành một khối đoàn kết vững chắc đánh thắng mọi kẻ thù, tô thắm truyền thống quê hương trung dũng kiên cường. Ngày nay, trong bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp, các thế lực thù địch hàng ngày, hàng giờ tác động vào đời sống xã hội nước ta, việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc lại càng vô cùng cần thiết và cấp bách.
Trải qua 88 năm xây dựng và phát triển, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Dưới ngọn cờ Mặt trận, các tầng lớp nhân dân, quần chúng có đạo và đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh luôn đoàn kết, tin tưởng, tích cực ủng hộ các chủ trương, đường lối của Đảng và chấp hành tốt pháp luật Nhà nước, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tỉnh nhà. Với những thành tích đạt được, từ năm 1989 đến nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba.
Sự lớn mạnh của Mặt trận và thành quả công tác Mặt trận tỉnh nhà có sự đóng góp công sức, trí tuệ, xương máu của các thế hệ cán bộ Mặt trận, của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, Mặt trận luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động cho phù hợp với từng thời kỳ, từng đối tượng trên cơ sở tất cả vì lợi ích của nhân dân, tất cả vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực tiễn cho thấy, từ khi Mặt trận, đoàn thể lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội để phát động, vận động thì được đông đảo quần chúng hưởng ứng vì mục tiêu cụ thể. Mặt trận luôn coi trọng việc xây dựng các mô hình tốt, cách làm hay để phong trào có sức sống, sức bền và luôn tươi mới. Đồng thời nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án nhằm giải quyết các vấn đề thiết than của nhân dân.
Mặt trận đã đoàn kết, tập hợp lực lượng không chỉ bằng công tác tuyên truyền, phát triển tổ chức, mà còn thông qua nhiều phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, nhiều cuộc vận động thiết thực, có sức lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân, hướng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và chăm lo cải thiện đời sống nhân dân. Nổi bật là các cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", nay là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", vận động Quỹ "Vì người nghèo", cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"...
Mặt trận đã tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ trực tiếp trong các công việc ở địa phương, đồng thời góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tích cực tuyên truyền, vận động thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, lắng nghe, tập hợp những kiến nghị và nguyện vọng của nhân dân để phản ánh với Đảng và Nhà nước, nhất là các vấn đề quan trọng về phát huy dân chủ, phát triển kinh tế, văn hóa, chăm lo đời sống nhân dân,... góp phần quan trọng, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Mặt trận cũng đã chú trọng đổi mới phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở. Các Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư là lực lượng nòng cốt trong công tác vận động nhân dân và là mối liên kết hiệu quả trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Vai trò chủ động của Mặt trận trong việc xây dựng quy chế, chương trình phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên đã giúp cấp ủy và chính quyền các cấp rút ra được nhiều kinh nghiệm tốt trong lãnh đạo và chỉ đạo, phát huy tính sáng tạo của các tầng lớp nhân dân xây dựng các mô hình nhân dân tự quản, giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa, khuyến học, chăm sóc những người có hoàn cảnh khó khăn,... Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh đã trở thành mái nhà chung để mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh, các dân tộc, tôn giáo, lứa tuổi và kiều bào ta ở nước ngoài phát huy lòng yêu nước, ý chí, trí tuệ và khả năng của mình để xây dựng, bảo vệ đất nước, chăm lo cho cuộc sống của người dân, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước.
Chuẩn bị Đại hội lần thứ X, nhiệm kỳ 2019 - 2024, để thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình, Mặt trận các cấp đã tập trung giải quyết khâu cán bộ theo hướng nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách; mở rộng cơ cấu Uỷ ban Mặt trận các cấp; sử dụng có hiệu quả đội ngũ cộng tác viên, tranh thủ tối đa các chuyên gia trên từng lĩnh vực; nâng cao tính chủ động, sáng tạo của cán bộ Mặt trận, luôn hoạt động theo phong cách “trọng dân, gần dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; phát huy dân chủ, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, góp phần tăng cường phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; triển khai nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đổi mới công tác thông tin tuyên truyền những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến nhân dân; quan tâm tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân kịp thời phản ánh với Đảng, Nhà nước... nhằm góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Tiến Hưng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đồng chí VÕ ĐỨC TRONG Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh
|