Sơ kết thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh năm 2017

Mới đây, ông Huỳnh Văn Quang – Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Tây Ninh chủ trì hội nghị sơ kết công tác thực hiện năm 2017.

 

Năm 2017, để tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc vận động theo tinh thần Thông báo kết luận số 264-TB/TW, ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị (khóa X) trong năm 2016, Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Chiến lược hành động quốc gia “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến năm 2020, trọng tâm là các nội dung: Truyền thông, quảng bá hàng hóa thương hiệu Việt; xúc tiến thương mại; hỗ trợ xây dựng thương hiệu Việt; hỗ trợ đổi mới, ứng dụng khoa học-công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn, tham gia bình ổn giá… Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo tỉnh và Ban Chỉ đạo 06 huyện, thành phố với cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động luôn kịp thời; đối với các huyện không có Ban Chỉ đạo (BCĐ), Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện trực tiếp tham mưu cho cấp huyện, thành ủy chỉ đạo thực hiện và phối hợp với chính quyền tuyên truyền, vận động cũng như kiểm tra, giám sát thực hiện Cuộc vận động ở địa phương mình.

Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Chiến lược hành động quốc gia “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến năm 2020, bao gồm các nội dung như: Truyền thông, quảng bá hàng hóa thương hiệu Việt; xúc tiến thương mại; hỗ trợ xây dựng thương hiệu Việt; hỗ trợ đổi mới, ứng dụng khoa học-công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn, tham gia bình ổn giá…

 

Trong công tác tuyên truyền, với vai trò là Thường trực Ban Chỉ đạo, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức tuyên truyền trong các tầng lớp Nhân dân được 2.677 cuộc với 48.620 lượt người dự, in cấp phát 108 băng ron tuyên truyền ở các chợ, nơi công cộng, đưa các nội dung tuyên truyền về người Việt ưu tiên dùng hàng Việt trên Trang thông tin điện tử (website) và Bản tin Công tác Mặt trận của MTTQ tỉnh; các tổ chức chính trị – xã hội cũng tăng cường tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân và tạo thói quen trong tiêu dùng hàng Việt.

 

Các hoạt động thương mại được Sở Công thương, thành viên nòng cốt của Ban Chỉ đạo, phối hợp với các ngành liên quan thực hiện đạt kết quả tốt. Thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Công Thương được UBND tỉnh giao chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH MTV Nam Trạng xây dựng thí điểm mô hình về Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” thuộc chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất trong nước giới thiệu sản phẩm tiếp cận với thị trường và cung cấp những mặt hàng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng được Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí là 80 triệu đồng. Thông qua các Điểm bán hàng Việt, các doanh nghiệp cũng như thương nhân phân phối hàng Việt sẽ góp phần thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

 

Bên cạnh đó, thực hiện kế hoạch bình ổn thị trường của UBND tỉnh, có 09 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn với 21 cửa hàng và 41 điểm bán hàng bình ổn. Tổng doanh thu bán hàng bình ổn của các doanh nghiệp là 78.236.155.101 đồng.

 

Đối với hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm BSA) tổ chức 03 Phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”. Để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, lựa chọn và mua sắm hàng hóa thương hiệu Việt Nam, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thực hiện các chuyến bán hàng lưu động đến người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, như: Siêu thị Co.op Mart Tây Ninh tổ chức thực hiện được 29 chuyến bán hàng lưu động tại các xã, vùng sâu, vùng xa với tổng doanh thu đạt 746 triệu đồng; siêu thị Co.op Mart Trảng Bàng tổ chức thực hiện được 24 chuyến bán hàng lưu động tại các xã, vùng sâu, vùng xa với tổng doanh thu đạt 218 triệu đồng; công ty TNHH XNK TM CN DV Hùng Duy hàng ngày tổ chức 60 chuyến xe bán hàng lưu động với tổng doanh thu là 3,5 tỷ đồng/ngày, trong đó có 30 chuyến xe bán hàng lưu động đến các vùng sâu, vùng xa với tổng doanh thu là 1,1 tỷ đồng/ngày. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã kết hợp các chương trình khuyến mãi, giảm giá cho khách hàng, người dân thuận tiện mua sắm với giá cả hợp lý, nhất là nhân dân vùng sâu, vùng xa mua được giá giảm từ 5 đến 10% so với giá thị trường.

 

Các ngành chức năng thành viên Ban Chỉ đạo cũng đã có nhiều nỗ lực tăng cường công tác quản lý thị trường, đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn góc, lưu hành trên thị trường để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sản xuất trong nước.

Ông Huỳnh Văn Quang – Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, Trưởng Ban Vận động Quỹ vì người nghèo tỉnh phát biểu kết luận hội nghị

Có thể thấy rằng, từ khi thực hiện Cuộc vận động, mức tiêu thụ hàng Việt ngày càng tăng cao, người dân đã ý thức hơn trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng là hàng Việt.

 

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh hệ thống kênh phân phối hàng Việt chủ yếu là kênh bán lẻ truyền thống. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cung ứng đươc tổ chức với quy mô nhỏ và vừa, có sản lượng hàng hóa không ổn định để đáp ứng yêu cầu dài hạn; công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế.

 

Phát biểu kết luận, ông Huỳnh Văn Quang đề nghị các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân ý thức hơn trong việc lựa chọn hàng Việt cho tiêu dùng; MTTQ các huyện phối hợp với ngành chức năng tăng cường giám sát, phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng; cố gắng vận động thêm nhiều doanh nghiệp tham gia đưa hàng Việt về nông thôn.

 

Bình Nguyên