MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT TRƯNG CẦU Ý DÂN

Luật trưng cầu ý dân, được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25/11/2015; Luật gồm 8 Chương, 52Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Luật trưng cầu ý dân đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước; đồng thời, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta. Luật Trưng cầu ý dân gồm một số nội dung chính sau:

 

1. Trưng cầu ý dân là việc Nhà nước tổ chức để cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tê-xã hội có ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước và những vấn đề quan trọng khác của đất nước.
Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất là một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân

 

2. Nguyên tắc trưng cầu ý dân
Việc trưng cầu ý dân phải bảo đảm để Nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội; Thực hiện nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín và phải được tiến hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

 

3. Người có quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân
Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trừ những trường hợp quy không được ghi tên, bị xóa tên trong danh sách cử tri.

 

4. Các trường hợp không tổ chức trưng cầu ý dân
Không tổ chức lại việc trưng cầu ý dân về nội dung đã được trưng cầu ý dân trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày kết quả trưng cầu ý dân được công bố; Không tổ chức trưng cầu ý dân trong thời gian ban bố tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày bãi bỏ tình trạng chiến tranh, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước.

 

5. Giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân;  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và Nhân dân giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân theo quy định của pháp luật.

 

6. Về hiệu lực, của kết quả trưng cầu ý dân
Theo quy định của Luật, kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố. Mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh kết quả trưng cầu ý dân
Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất ba phần tư tổng số cử tri  cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành; đối với trưng cầu ý dân về Hiến pháp phải được hai phần ba số phiếu hợp lệ tán thành. Căn cứ vào kết quả trưng cầu ý dân, Quốc hội quyết định các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện kết quả trưng cầu ý dân.

 

7. Về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức trong tổ chức trưng cầu ý dân
Hiến pháp năm 2013 đã quy định Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân, Ủy ban thường vụ Quốc hội chịu trách nhiệm tổ chức trưng cầu ý dân, hơn nữa, trưng cầu ý dân là hoạt động không thường xuyên, do đó, để phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, đồng thời để các cơ quan phụ trách tổ chức trưng cầu ý dân được tổ chức gọn nhẹ, hợp lý, việc tổ chức trưng cầu ý dân sẽ do Ủy ban thường vụ Quốc hội tự mình trực tiếp thực hiện và chỉ đạo việc tổ chức trưng cầu ý dân trên toàn quốc, Chính phủ là cơ quan phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội trong tổ chức trưng cầu ý dân, việc tổ chức trưng cầu ý dân ở địa phương sẽ giao cho Ủy ban Nhân dân các cấp thực hiện.

 

8. Về xác định và công bố kết quả trưng cầu ý dân (Điều 48)
Sau khi nhận và kiểm tra báo cáo kết quả trưng cầu ý dân của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và giải quyết những khiếu nại, tố cáo (nếu có), Ủy ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết xác định kết quả trưng cầu ý dân trong cả nước.
Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội xác định kết quả trưng cầu ý dân phải được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân; trường hợp bỏ phiếu lại thì thời hạn công bố kết quả trưng cầu ý dân chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày bỏ phiếu lại./.