Khảo sát thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” 9 tháng năm 2017

Trong 02 ngày 3 và 4.10, Ban Chỉ đạo “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh khảo sát kết quả thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” 9 tháng năm 2017 tại các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Tân Châu và Dương Minh Châu.

Hội chợ hàng Việt về nông thôn được tổ chức hàng năm tại các huyện (Ảnh minh họa)

Hội chợ hàng Việt về nông thôn được tổ chức hàng năm tại các huyện (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo, các huyện đều chủ động tham mưu với Huyện ủy ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện, xây dựng Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo, quy định trách nhiệm các thành viên trong Quy chế làm việc; phối hợp các cơ quan Nhà nước và các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, lồng ghép trong các buổi họp dân, sinh hoạt Ban công tác Mặt trận, tổ DCTQ, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, … gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động thường xuyên của Mặt trận. Kết quả tuyên truyền trực tiếp được 3.466 cuộc, có 121.320 người dự, tuyên truyền thông qua đài truyền thanh huyện, cụm truyền thanh xã (phường, thị trấn), ấp (khu phố) được hơn 10.200 phút.

 

Qua tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện cuộc vận động “Người người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhận thức của người dân có nhiều chuyển biến tích cực, ý thực về sử dụng hàng Việt Nam ngày càng được nâng lên; người dân cũng cảnh giác hơn về các loại hàng ngoại phập tốt về mẫu mã nhưng kém về chất lượng.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo các huyện còn phối hợp Ban chỉ đạo liên ngành huyện kiểm tra, giám sát 5 cuộc/452 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các huyện, phát hiện 113 cơ sở vi phạm, đề xuất hình thức xử lý lập biên bản nhắc nhở và thu hủy tại chỗ các sản phẩm hết hạn sử dụng, hàng kém chất lượng, hàng giả… Đồng thời, vận động, hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt về nông thôn, phối hợp cùng Phòng Kinh tế – Hạ tầng, các doanh nghiệp như Coop mart, cơ điện Minh Khoa, bia Sài Gòn… tổ chức 05 đợt bán các sản phẩm hàng Việt về kim khí, điện máy, điện tử, hàng tiêu dùng cho nhân dân các địa phương vùng sâu, vùng xa; trong đó nổi bật là đơn vị Dương Minh Châu vận động doanh nghiệp trợ giá giảm 10% các loại hàng hóa trong đợt bán hàng tại địa bàn huyện.

 

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện của các Ban Chỉ đạo cũng còn những hạn chế nhất định. Có 3/4 đơn vị được khảo sát chưa tham mưu được với cấp ủy bố trí kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo cũng như kinh phí tổ chức tuyên truyền thực hiện cuộc vận động; sự phối hợp của các ngành chưa thật chặt chẽ và thống nhất nên việc triển khai, tổ chức thực hiện kết hợp các hình thức như, hội chợ triển lãm, bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn kết hợp với tuyên truyền chưa nhiều, chưa sâu rộng, còn phụ thuộc vào sự phân phối của cấp trên; một số hàng Việt mẫu mã đẹp nhưng chất lượng không cao nên người tiêu dùng chưa ưa chuộng.

 

Qua khảo sát, đoàn đề nghị các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; Mặt trận Tổ quốc phối hợp phòng Kinh tế – Hạ tầng và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tổ chức nhiều phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại các xã nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, Thường trực Ban Chỉ đạo tham mưu với cấp ủy bố trí kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý các cơ sở kinh doanh buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.

 

Ban Phong trào