Các đại biểu phát biểu tại hội nghị.
Hội nghị do ông Võ Văn Sớm- Chủ nhiệm UBKT Tỉnh uỷ chủ trì. Tham dự có đại diện Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, đại diện Thường trực Huyện uỷ, Thành uỷ và Đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ, Uỷ viên UBKT Tỉnh uỷ.
Khai mạc hội nghị, ông Võ Văn Sớm nhấn mạnh, việc xây dựng và thực hiện Đề án góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
Thời gian qua, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn những hạn chế, “một số đảng viên suy thoái đạo đức, lối sống, sa sút ý chí phấn đấu, bỏ sinh hoạt Đảng, xin ra khỏi Đảng, hoặc bị xử lý kỷ luật còn nhiều”. Trong 3 năm (2016 - 2018), tổ chức Đảng bị kỷ luật tăng 142,86%; đảng viên bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ, xoá tên và xin ra khỏi Đảng tăng 47,95%.
Phân tích nguyên nhân của hạn chế nêu trên, ban soạn thảo Đề án chỉ ra 7 vấn đề cần quan tâm: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng có lúc, có nơi chưa được chú trọng; Cấp uỷ các cấp chưa có giải pháp cụ thể phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cấp uỷ viên trong việc giám sát hoạt động của tổ chức Đảng cấp dưới và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên thuộc phạm vi lãnh đạo, phụ trách; Việc hỗ trợ, giúp đỡ đảng viên có hoàn cảnh khó khăn thiếu các giải pháp cụ thể, hiệu quả, chưa tạo điều kiện về việc làm cho đảng viên trẻ, nhất là đảng viên xuất ngũ; Công tác phát triển đảng viên có lúc, có nơi chưa chú trọng đến chất lượng nguồn kết nạp và chiều hướng sau kết nạp.
Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát chưa được chú trọng về nội dung xây dựng, tổ chức thực hiện quy chế làm việc, việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, việc thực hiện chức trách nhiệm vụ; Chưa có giải pháp về kiểm điểm, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cấp uỷ, người đứng đầu chi bộ, đảng bộ ở những nơi có tình trạng đảng viên ra khỏi Đảng tăng cao do thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm trong công tác kết nạp, quản lý và giáo dục đảng viên.
Bên cạnh đó, chưa đánh giá việc tổ chức thực hiện các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, tổ chức Đảng để có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; Vẫn còn một bộ phận đảng viên chưa làm tròn vai trò, trách nhiệm của người đảng viên, ý thức chấp hành kém, lập trường tư tưởng không vững vàng, phai nhạt lý tưởng, giảm sút sức chiến đấu, không còn tha thiết với Đảng.
Trên cơ sở các nguyên nhân hạn chế được phân tích, các đại biểu đồng tình và thống nhất việc xây dựng, thực hiện Đề án “Hạn chế tình trạng đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật và đảng viên bị xoá tên, xin ra khỏi Đảng trong Đảng bộ tỉnh Tây Ninh” là cần thiết. Vấn đề được hội nghị quan tâm thảo luận là chất lượng kết nạp đảng viên, nhất là khi có liên quan đến chỉ tiêu kết nạp đảng viên, trong đó có chỉ tiêu quy định 2% đảng viên nhập ngũ.
Có đại biểu cho rằng không nên đưa chỉ tiêu kết nạp đảng viên vào bảng điểm mà nên đưa chỉ tiêu để phấn đấu, nhưng cũng có ý kiến đề nghị bỏ hẳn chỉ tiêu kết nạp đảng viên, các tổ chức Đảng khảo sát nắm nguồn và đăng ký số lượng kết nạp đảng viên hằng năm. Các đại biểu cũng quan tâm về việc hỗ trợ vốn để đảng viên nghèo phát triển kinh tế- nhất là tạo việc làm cho đảng viên xuất ngũ.
Đề án cũng đã xác định mục tiêu trong 3 năm đầu nhiệm kỳ 2020-2025, kéo giảm 50% tỷ lệ tăng so cùng kỳ đối với tỷ lệ tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật, đảng viên bị xoá tên, xin ra khỏi Đảng. Các giải pháp thực hiện đề án được giao cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị; Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Văn phòng Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ các Huyện uỷ, Thành uỷ.
Đề án sẽ được triển khai thực hiện từ năm 2020 và sơ kết 3 năm vào năm 2023.
Nguồn báo Tây Ninh online