3.526 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội

Thứ hai - 21/10/2019 14:58

3.526 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội

3.526 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội

 

 
Ngày 21/10, tại phiên khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã trình bày trước Quốc hội các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân gửi tới kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV. Ban Biên tập trân trọng đăng toàn văn nội dung của Báo cáo.
 

BÁO CÁO

Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân

(Tại kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV)

Từ sau kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.526 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước thông qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên. Thay mặt Đoàn Chủ tịch, tôi xin trình bày trước Quốc hội các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân gửi tới kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV như sau:

I. VỀ TÂM TƯ, NGUYỆN VỌNG CHUNG CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN

Cử tri, Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội của đất nước thời gian qua. Kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng tiếp tục duy trì ở mức cao, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, thu ngân sách nhà nước tăng cao, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tốt, số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm; đời sống Nhân dân tiếp tục được nâng cao; việc chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng được chú trọng; chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đạt được kết quả tích cực; công tác dân tộc được quan tâm hơn; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia được giữ vững; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được mở rộng; vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Những kết quả đó tạo động lực mới, khí thế mới cho việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019 và các năm tiếp theo.

Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam trình bày Báo cáo ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân gửi tới kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV

 

Cử tri, Nhân dân phấn khởi, tin tưởng và đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chuyển biến mạnh mẽ và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật; hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình có bước tiến rõ rệt, nâng cao tính dân chủ và phản ánh sát thực hơn ý chí, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, điều hành sâu sát và tập trung giải quyết nhiều vấn đề Nhân dân quan tâm, bức xúc. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đã có nhiều nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vấn đề cử tri, Nhân dân băn khoăn, lo lắng như: tác động của chiến tranh thương mại giữa một số nước lớn; những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam; quan liêu, tham nhũng, lãng phí mới được ngăn chặn ở mức độ nhất định; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương chưa triệt để gây bức xúc trong Nhân dân; biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng Sông Cửu Long; tình trạng sạt, lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng; đời sống người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; sự phân hóa giàu - nghèo trong xã hội ngày càng gia tăng …

II. NHỮNG Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN

1.     Về kinh tế - xã hội

Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện giải ngân vốn đầu tư công nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn thấp; nhiều công trình, dự án lớn đã được phê duyệt nhưng nhiều năm chưa triển khai thực hiện hoặc chậm tiến độ, chất lượng chưa bảo đảm, gây lãng phí, thất thoát và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với những dự án trọng điểm, cấp bách, đồng thời bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát; xử lý nghiêm tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn đối với người dân và doanh nghiệp; minh bạch hóa tối đa các dự án đầu tư công; thực hiện phân cấp, giao quyền, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu. Đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát các dự án đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông.

Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, bệnh dịch tả đã lan rộng và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, số lượng lợn bị tiêu hủy lớn, làm thiệt hại và gây khó khăn nguồn cung cho thị trường; một số địa phương tiêu hủy không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường; việc triển khai chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại chưa đồng bộ, kịp thời. Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tăng cường phòng, chống dịch, giám sát chặt chẽ việc xử lý, tiêu hủy lợn bệnh; đồng thời, sớm xem xét cơ cấu lại ngành chăn nuôi để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. 

Công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại thời gian qua được tăng cường. Tuy nhiên, cử tri, Nhân dân lo lắng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng. Đề nghị Bộ Công thương, các bộ, ngành có liên quan, các địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh vi phạm.

Cử tri, Nhân dân ghi nhận Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường công tác quản lý giáo dục tại các địa phương, cơ sở; chấn chỉnh những lệch chuẩn về đạo đức, lối sống của một bộ phận giáo viên, công chức, viên chức trong ngành; phòng, chống bạo lực học đường. Việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 nhìn chung đã bảo đảm nghiêm túc, khách quan, an toàn. Chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh đó, cử tri, Nhân dân lo lắng, bức xúc trước một số vụ việc do bất cẩn, thiếu trách nhiệm của giáo viên, quản lý, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục dẫn đến tai nạn, rủi ro cho học sinh; còn tồn tại những “lỗ hổng” trong việc quản lý các cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục ngoài công lập. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương rà soát, bổ sung các quy định về quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục; triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học.

Du lịch Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, lượng khách quốc tế tăng, nhiều điểm du lịch đã phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy giao lưu văn hóa, tạo việc làm, phát triển kinh tế ở địa phương. Tuy nhiên, cử tri, Nhân dân phản ánh về tình trạng ở một số nơi phát triển du lịch chưa bền vững, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường và đời sống của người dân; tình trạng “chèo kéo” khách du lịch vẫn diễn ra ở một số địa phương. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương có giải pháp kịp thời chấn chỉnh tình trạng này, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.  

2.     Về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Công tác bảo vệ môi trường trong thời gian vừa qua đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng như toàn xã hội hết sức quan tâm và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, cử tri, Nhân dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục. Mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh gây nguy hại đến sức khỏe Nhân dân. Tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại các đô thị rất chậm; việc xử lý của chính quyền địa phương đối với sự cố môi trường, nhất là đối với các vụ cháy, nổ còn lúng túng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra ngoài trung tâm thành phố; ngăn chặn kịp thời các nguồn gây ô nhiễm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xả chất thải trực tiếp ra môi trường; thông tin kịp thời về tình hình, mức độ ô nhiễm môi trường để Nhân dân chủ động phòng tránh. 

Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, xử lý và ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Tuy nhiên, cử tri, Nhân dân phản ánh về một số quy định về đất đai còn bất cập, thủ tục rườm rà; chậm giải quyết việc chuyển đổi quyền sử dụng đất; thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo, kéo dài; một số cán bộ bao che cho chủ đầu tư thực hiện dự án sai quy định, không bảo đảm chất lượng, một số “dự án treo” kéo dài nhiều năm. Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, không phép, chặt phá rừng vẫn tiếp tục diễn ra nhưng việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý hoặc tiếp tay cho vi phạm chưa thực sự quyết liệt và hiệu quả. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng, các địa phương quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản, xử lý nghiêm các vi phạm; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý lĩnh vực đất đai; thực hiện công khai, minh bạch các dự án đầu tư bất động sản, kịp thời rà soát, xử lý đối với các dự án đã giao nhưng không thực hiện hoặc sử dụng không đúng mục đích; sửa đổi, bổ sung những bất cập trong Luật đất đai.

3.     Về an ninh trật tự, an toàn xã hội

Cử tri, Nhân dân ghi nhận việc lực lượng Công an đã chủ động, tích cực đấu tranh phòng ngừa tội phạm, điều tra, xử lý kịp thời những vụ án, hành vi vi phạm pháp luật gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ với hành động liều lĩnh, manh động. Tình trạng bạo hành phụ nữ, xâm hại và lạm dụng tình dục trẻ em vẫn xảy ra; tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, cầm đồ, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật gây lo lắng, bất an trong Nhân dân; nhiều vụ việc lừa đảo thủ đoạn tinh vi với số lượng hàng ngàn tỷ đồng, hàng ngàn người là nạn nhân; tội phạm sử dụng công nghệ cao, đánh bạc, tội phạm về ma túy với số lượng rất lớn có chiều hướng gia tăng, đặc biệt có sự tham gia của người nước ngoài và có dấu hiệu cấu kết của đường dây tội phạm xuyên quốc gia. Đề nghị Bộ Công an, các ngành chức năng, các địa phương có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm, tăng cường quản lý người nước ngoài tại Việt Nam, xử lý nghiêm đối tượng phạm tội.

Cử tri, Nhân dân ở một số nơi phản ánh về sự thiếu trách nhiệm và năng lực quản lý yếu kém của cơ quan chức năng, chính quyền một số địa phương dẫn đến tình trạng sai phạm xảy ra trong triển khai các dự án khu đô thị, chung cư; việc tranh chấp về quyền lợi giữa người dân và chủ đầu tư tại nhiều khu đô thị, chung cư kéo dài, ảnh hưởng đến trật tự xã hội và uy tín của cơ quan, chính quyền các cấp. Đề nghị các cơ quan chức năng cần phải làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm cán bộ có liên quan đến sai phạm, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan chức năng nơi có công trình, dự án sai phạm. Đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý nhà chung cư, khắc phục những bất cập, bảo đảm công bằng về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, chủ đầu tư.

4.     Về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã và đang quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm, được cử tri, Nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, công tác phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, lãng phí chưa kịp thời, việc xử lý tham nhũng, lãng phí ở một số nơi chuyển biến chưa mạnh, nhất là ở địa phương, cơ sở; tình trạng nhũng nhiễu, “tham nhũng vặt” chưa được ngăn chặn có hiệu quả; còn để xảy ra tình trạng người vi phạm trốn ra nước ngoài trước khi áp dụng biện pháp ngăn chặn; việc xử lý, thu hồi tài sản bị tham nhũng mặc dù đã được quan tâm hơn nhưng hiệu quả chưa cao; công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức cần được đẩy mạnh hơn nữa. Đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là những vụ án lớn mà Nhân dân quan tâm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, hạn chế hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức.

5.     Một số vấn đề khác

Cùng với những vấn đề nêu trên, cử tri, Nhân dân còn phản ánh và băn khoăn, lo lắng về: địa vị pháp lý của người Việt Nam ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ còn gặp nhiều khó khăn; công tác quản lý người nước ngoài nhập cư, cư trú, làm việc ở Việt Nam và quản lý người Việt Nam đi làm việc, học tập, lao động ở nước ngoài chưa chặt chẽ; giá dịch vụ y tế tăng cao, chất lượng khám, chữa bệnh ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số còn phân tán, thiếu nguồn lực; giảm nghèo chưa thực sự bền vững; giải quyết chính sách đối với người có công với cách mạng còn tồn đọng; triển khai sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã một số nơi còn khó khăn, vướng mắc; tình trạng ngư dân hưởng ứng chủ trương đóng tầu vỏ sắt theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ gặp nhiều khó khăn thậm chí đối mặt với nguy cơ vỡ nợ; tiếp công dân, đối thoại của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương với người dân ở một số nơi chưa được thực hiện nghiêm túc…

III. KIẾN NGHỊ CỦA ĐOÀN CHỦ TỊCH ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

Tại kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch đã phản ánh, kiến nghị 12 vấn đề cử tri, Nhân dân quan tâm và có 6 kiến nghị gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có liên quan, chính quyền các cấp. Đoàn Chủ tịch ghi nhận việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp khắc phục những vướng mắc, hạn chế thuộc lĩnh vực quản lý của mình. Tuy nhiên, còn một số nội dung cử tri, Nhân dân và Đoàn Chủ tịch đã kiến nghị tại nhiều kỳ họp Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, đề nghị các bộ, ngành, chính quyền địa phương khẩn trương giải quyết.

Tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch kiến nghị 5 vấn đề sau:

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, địa phương ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu; triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân đã ban hành; gắn việc triển khai các dự án trọng điểm quốc gia với phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, tạo việc làm và ổn định đời sống người dân bị ảnh hưởng khi triển khai các dự án.

Thứ hai, đề nghị các bộ, ngành, các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ, thực hiện minh bạch các dự án. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật về quản lý đầu tư, tháo gỡ kịp thời rào cản, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư công; xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị, cá nhân sai phạm.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ, Bộ Công an, các bộ, ngành, địa phương đặc biệt chú trọng việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy. Đề nghị chính quyền các địa phương đề cao hơn nữa trách nhiệm trong việc quản lý người nước ngoài nhập cư, cư trú bất hợp pháp, mua bán đất đai, nhà ở tại những địa bàn nhạy cảm về quốc phòng, an ninh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam.

Thứ tư, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan, các địa phương, trước hết là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương có giải pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt; có kế hoạch, lộ trình cụ thể và kiên quyết di dời các cơ sở trong nội thành tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường, dành quỹ đất xây dựng các công trình công cộng để phục vụ đời sống của người dân, giảm tải giao thông và bảo vệ môi trường.

Thứ năm, đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hơn nữa thể chế về quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên, chú trọng phát huy và tạo điều kiện để Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên giám sát công tác cán bộ; tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm.

Trên đây là ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân cả nước và các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi đến kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV. Trân trọng đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, thực hiện và thông báo cho Đoàn Chủ tịch, cử tri và Nhân dân cả nước biết để giám sát theo quy định của Hiến pháp và pháp luật./. 

 

Nguồn website MTTQVN

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Công bố Danh sách trúng cử đại biểu HĐND tỉnh Tây Ninh khóa X nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Đồng chí 

VÕ ĐỨC TRONG

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh

 

Xem thêm
THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay73
  • Tháng hiện tại42,416
  • Tổng lượt truy cập470,254
Văn bản mới

64/MTTQ-BTT

V/v Lấy ý kiến góp ý dự thảo Quy chế hoạt động của Ủy ban, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh nhiệm kỳ 2024-2029

lượt xem: 53 | lượt tải:23

3539/MTTQ-BTT

Công văn hướng dẫn công tác hiệp thương của ban Công tác Mặt trận dự kiến danh sách người ứng cử Trưởng ấp, khu phố

lượt xem: 172 | lượt tải:93

272/QĐ-BTT-MTTQ

Quyết định về việc công bố công khai quyết toán ngân sách năm 2023 của cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh

lượt xem: 66 | lượt tải:47

52/HD-MTTQ-BTT

Hướng dẫn bầu Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng

lượt xem: 286 | lượt tải:161

04/QC-VKS-MTTQ

Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh với Ban Thường trực UỶ ban MTTQVN tỉnh Tây Ninh

lượt xem: 73 | lượt tải:33
Thư viện ảnh
pcd-2.jpg phuoc-dong-nha-tro-3-00-768x432.jpg
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây