Phát biểu điều hành Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết: Mục tiêu của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã là nhằm tổ chức các đơn vị cho phù hợp với thực tiễn, xu thế phát triển của đất nước, để các đơn vị hành chính và bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát huy mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, tinh giản biên chế, thực hiện chính sách tiền lương mới vào năm 2021.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, để có kết quả như hôm nay là một quá trình dài làm công tác vận động nhân dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ. Thời gian qua, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành của Chính phủ thường xuyên đôn đốc, xuống tận nơi đồng hành cùng các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, bởi có rất nhiều trở ngại, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở những đơn vị hành chính nằm trong diện phải sáp nhập, chứ không phải là khó khăn từ phía người dân. "Chúng ta đang làm công tác "quan vận" chứ không phải dân vận", Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Theo ông Trần Anh Tuấn, thực tế cho thấy, nhân dân, cử tri rất ủng hộ vì việc này góp phần làm tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương, tinh giản biên chế, giảm bớt gánh nặng ngân sách chi cho bộ máy chính quyền. Khó khăn nhất hiện nay là cần xử lý đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư như thế nào cho hợp lý.
Tại Hội nghị, các đại biểu đề xuất sớm có hướng dẫn về chế độ chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã; hướng dẫn việc quản lý, sử dụng tài sản công (cơ sở vật chất, trang thiết bị ở trụ sở các xã, huyện) sau sáp nhập; có hướng dẫn nhanh, kịp thời việc cấp đổi giấy tờ cho người dân thuộc các địa phương phải thực hiện sắp xếp…
Các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản đồng tình với ý kiến của Thường trực Ủy ban. Một số ý kiến băn khoăn về việc nhiều đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp vẫn chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định, có nguy cơ phải tiếp tục sắp xếp và điều này gây xáo trộn hoạt động của chính quyền địa phương, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Một số đại biểu cũng lưu ý, khi sáp nhập đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính ở đô thị chưa rõ phương án, giải pháp đầu tư, phát triển đô thị trong tương lai để các đô thị mới được thành lập đạt tiêu chí đề ra. Các đại biểu khác lại băn khoăn về việc chọn tên gọi của một số đơn vị hành chính mới thành lập.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ sớm họp để quyết định các nội dung nêu trên nhằm tạo điều kiện cho các địa phương sắp xếp, ổn định bộ máy, hướng tới đại hội Đảng bộ các cấp trong năm 2020; đề nghị Chính phủ và các địa phương có ý kiến giải trình bằng văn bản về các nội dung mà Ủy ban Pháp luật nêu ra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Ủy ban Pháp luật nhất trí đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành cho mỗi tỉnh có một Nghị quyết riêng về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; xác định thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết là ngày 1/1/2020 để các cơ quan, tổ chức và địa phương có thời gian cho công tác chuẩn bị, kiện toàn tổ chức, thay đổi con dấu và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới được thành lập.
Về các nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với các nội dung trình của Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh; đề nghị Chính phủ chỉ đạo địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về các đề xuất của địa phương, bảo đảm đúng quy định của pháp luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nguồn TTXVN