Ngày 18.10, Đoàn giám sát của Uỷ ban MTTQ VN tỉnh do ông Hồ Đức Hải - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh làm trưởng đoàn giám sát Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc thực hiện pháp luật quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo kết quả rà soát năm 2018, tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh là 72.253ha; trong đó, rừng đặc dụng 31.650,38ha (chiếm 43,8%); rừng phòng hộ 30.174,56ha (chiếm 41,8%); rừng sản xuất 10.428,49ha (chiếm 14,4%); diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp có rừng là 68.673 ha, đạt 95%. Toàn bộ diện tích rừng được giao cho các Ban quản lý khu rừng, UBND các huyện và các tổ chức quản lý, sử dụng. Rừng tự nhiên và rừng trồng thuộc các Ban quản lý rừng hầu hết được giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân tổ chức quản lý, bảo vệ, chăm sóc với diện tích khoảng 58.000 ha/năm; rừng được bảo vệ và phát triển ổn định về số lượng và chất lượng, độ che phủ rừng tiếp tục tăng từ 16,1% (năm 2016) đến 16,3% (năm 2019); tình trạng chặt phá rừng, khai thác trái phép lâm sản ngày càng được kéo giảm. Kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm từ 2018 đến tháng 9/2019, đã phát hiện, ngăn chặn 206 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong đó: 14 vụ phá rừng; cháy rừng 06 vụ; khai thác rừng trái phép 57 vụ; vận chuyển, mua bán lâm sản 80 vụ; Quy định về sử dụng đất lâm nghiệp 17 vụ; Vi phạm về chế biến gỗ và lâm sản 03 vụ; vi phạm khác 29 vụ.
Công tác tuyên truyền pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm thực hiện với nhiều hình thức như: trên báo, đài, tuyên truyền trong tổ dân cư tự quản; biên soạn, cấp phát tài liệu... góp phần tạo sự chuyển biến về ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, Sở triển khai thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2017-2020, tập trung vào nhiệm vụ chính là bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên; phát triển và nâng cao năng suất, chất lượng rừng; nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm lâm nghiệp.
Hoạt động giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng thực hiện đúng quy định. Rừng đặc dụng và rừng phòng hộ được giao cho các chủ rừng là các Ban quản lý rừng và UBND các huyện trên địa bàn tỉnh. Riêng đối với rừng sản xuất, thực hiện theo Quyết định số 1555/QĐ-UBND ngày 22/7/2019 của UBND tỉnh sẽ triển khai giao, cho thuê rừng và đất rừng sản xuất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích phát triển lâm nghiệp bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, trong đó hướng đến mục tiêu cụ thể là nâng cao giá rị gia tăng sản phẩm và dịch vụ môi trường rừng, tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm từ 4-4,5%.
Thời gian qua, thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh gắn với định hướng, chính sách phát triển kinh tế, xã hội địa phương được kiểm tra, giám sát chặt chẽ đúng theo quy định của pháp luật, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên. Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ năm 2018 đến 6 tháng 2019, tỉnh có 4 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng trên 40ha rừng (Dự án tạo quỹ đất giải quyết cho đồng bào nghèo có đời sống khó khăn, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên; Dự án đường tuần tra biên giới tỉnh Tây Ninh; Dự án xây dựng Trạm kiểm soát Biên phòng Cây Cầy/Đồn Biên phòng Tống Lê Chân; Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông). Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện Nghị quyết HĐND chuyển đổi hơn 12ha đất có rừng thực hiện các dự án: Đường ra cột mốc quốc giới thuộc 03 đồn Biên phòng Tống Lê Chân, Suối Lam, Tân Hà; khu dân cư tổ 7, ấp Con Trăn; các công trình đường dây điện 110kV, 220kv Tân Hưng - Xi măng Tây Ninh, 220kV Bình Long - Tây Ninh và Đồn Biên phòng Suối Lam).
Tuy nhiên, trong công tác quản lý rừng hiện nay cũng còn khó khăn, hạn chế như: việc trang bị công cụ phòng cháy chữa cháy rừng, kinh phí giao thực hiện dự án nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy không kịp thời; nguy cơ cháy rừng cao, nhất là khu vực rừng gần khu dân cư, giáp biên giới Campuchia; ranh mốc nông lâm một số nơi chưa được phân định rõ ràng làm cho công tác giải quyết lấn chiếm sử dụng đất rừng, đất trồng cây nông nghiệp trái phép không đảm bảo tiến độ đề ra, ảnh hưởng việc thực hiện chỉ tiêu trồng rừng không đạt so với kế hoạch (chỉ đạt 63%). Việc thực hiện di dời hộ dân lấn chiếm đất lâm nghiệp theo quyết định 1573/QĐ-UBND thời gian giải quyết kéo dài, đến nay mới giải quyết được 14/687 trường hợp, đạt 25% diện tích cần thu hồi; vấn đề thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trùng trên đất quy hoạch lâm nghiệp, trồng cây sai mục đích giải quyết được 10/58 trường hợp, tỷ lệ hơn 17% diện tích đất.
[caption id="attachment_19878" align="aligncenter" width="655"] Ông Hồ Đức Hải - Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với UBND huyện Tân Biên[/caption]Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến của thành viên đoàn giám sát đã được ông Mang Văn Thới, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm giải trình làm rõ. Đồng thời, ông Tạ Văn Đáo - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhấn mạnh một số nguyên nhân chủ quan, khách quan; đề ra các nhóm giải pháp để khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý rừng, qua đó kiến nghị bộ, ngành trung ương một số nội dung liên quan đến sửa đổi Luật, văn bản hướng dẫn thực hiện trong công tác quản lý rừng, đất lâm nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hồ Đức Hải - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh đánh giá cao kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ hoạt động tuyên truyền đến triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật. Qua các ý kiến trao đổi tại hội nghị, ông Hồ Đức Hải đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần quan tâm, nhắc nhở UBND các huyện, xã chủ động thực hiện đồng bộ trách nhiệm quản lý nhà nước; thường xuyên tổ chức tập huấn, kiểm tra và phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp; phối hợp với Sở Tài nguyên-Môi trường phân định, cắm mốc ranh đất quy hoạch lâm nghiệp; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các trường hợp lấn chiếm, trồng cây sai quy định và thu hồi Giấy chứng nhận QSDĐ cấp trùng trên đất quy hoạch lâm nghiệp. Đối với những nội dung kiến nghị của sở, đoàn giám sát sẽ nghiên cứu, xem xét để đưa vào báo cáo.
Trước đó, từ ngày 15/10 -17/10, đoàn đã tiến hành khảo sát đối với UBND các xã Suối Ngô, Tân Thành (Tân Châu), Hoà Hiệp, Tân Lập (Tân Biên), Hoà Hội, Hoà Thạnh (Châu Thành) và UBND các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành về công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp.
Nguyễn Phượng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đồng chí VÕ ĐỨC TRONG Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh
|