ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 71 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM
* Bối cảnh lịch sử và diễn biến - Đầu năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn cuối. Hồng quân Xô Viết liên tiếp giành thắng lợi quyết định trên chiến trường châu Âu, giải phóng một loạt nước và tiến thẳng vào sào huyệt phát xít Đức tại Béc-lin. Ngày 8/8/1945, Hồng quân Liên Xô tiến công như vũ bão vào quân đội Nhật. Ngày 9/5/1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Chính thức ngày 14/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. - Ở trong nước, đến năm 1945, phong trào cách mạng dâng cao. Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa, thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho thích hợp. Tháng 3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4/1945, Trung ương triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức các Uỷ ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam. - Tháng 8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; đề ra ba nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: tập trung, thống nhất, kịp thời. Ngày 13/8/1945, Uỷ ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”. - Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) lịch sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” ra đời (nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Ngày 2/9/1945 trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Từ đó, Trung ương lấy ngày 2/9 hàng năm là Ngày Quốc khánh của nước ta.
* Ý nghĩa lịch sử - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. - Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; là sự thể nghiệm thành công đầu tiên chủ nghĩa Mác-Lênin tại một nước thuộc địa ở châu Á. - Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước bị chủ nghĩa đế quốc thực dân áp bức, thống trị. Nó khẳng định rằng, trong điều kiện trào lưu của cách mạng vô sản, cuộc cách mạng do một đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo không chỉ có thể thành công ở một nước tư bản kém phát triển, nơi mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc mà còn có thể thành công ở ngay một nước thuộc địa nửa phong kiến lạc hậu để đưa cả dân tộc đó đi lên theo con đường của chủ nghĩa xã hội. * Phát huy thành quả trong 71 năm qua, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. 71 năm qua, kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đến nay, cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn, nhiều bước ngoặt và vượt qua nhiều thử thách lớn, giành thắng lợi vĩ đại, đưa đất nước phát triển. Việt Nam đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn nhiều. Trước mắt, cần thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm sau đây: - Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. - Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. - Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động. Thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn lực, nhất là nguồn lực chất lượng cao; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ), cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; gắn công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công. - Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế. - Thu hút và phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, sức sáng tạo của nhân dân; chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. - Xây dựng nền văn hoá Việt Nam và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Coi trọng phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh. Giải quyết tốt những vấn đề xã hội bức xúc; tăng cường quản lý phát triển xã hội; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội. Cùng với cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm 1945 mãi mãi đi vào lịch sử, là ngày độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam sau ngót một thế kỷ đô hộ của thực dân Pháp, ghi nhận chiến công của dân tộc Việt Nam, trở thành một dân tộc tiên phong trong sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa trên thế giới. Kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9 trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức thi đua lập thành tích chào mừng các sự kiện chính trị trọng đại và to lớn tiêu biểu của đất nước, như: Đại hội Đảng các cấp, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Từ đó, chúng ta càng hiểu rõ hơn giá trị của tinh thần Cách mạng Tháng Tám 1945, nhận thức đầy đủ trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá của Cách mạng Tháng Tám, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 71 năm qua vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đồng chí VÕ ĐỨC TRONG Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh
|