Nhân chuyến về thăm quê ở Trảng Bàng, gặp lại bà con họ hàng, mấy đứa em cùng nhau huyên thuyên đủ thứ, trong những câu chuyện đó, có đứa e thắc mắc về chế độ bảo hiểm hỏi tôi. Có đứa cháu làm công nhân định rút bảo hiểm xã hội của nó đóng từ khi đi làm đến nay đã gần 19 năm, vì nó nghe nói sắp tới cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ “chốt” nếu ai không rút coi như mất, nhưng ý định đó đã bị vợ nó cản lại và nói: Thôi để chờ anh tư (là tôi) về hỏi kỹ coi như thế nào rồi tính cũng không muộn. Vì vậy khi gặp tôi, tụi nó liền tập trung vào chủ đề này. Tôi hỏi: Mấy đứa nói cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ “chốt” là sao, anh chưa hiểu? Vợ của thằng bé Anh liền nói: Hổm rày công nhân các công ty nói rùm beng là tới đây ai đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm thì bên cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ “chốt”, nếu ai không rút coi như sẽ bị “chốt” luôn, không được rút một lần. Có đứa còn nói sống nay, chết mai, có biết được về hưu để lĩnh hàng tháng không, bây giờ nếu không lãnh rũi chết coi như mất luôn. Mấy đưa khác cũng “nhau nhau” những nội dung tương tự như thế. Lúc đầu còn mù mờ, nhưng nghe tụi nó nói, cùng liên hệ lại các thông tin mấy bữa nay báo chí liên tục đưa tin về việc nhiều công nhân lao động ở một số tỉnh, thành tập trung đi rút bảo hiểm xã hội một lần, tôi mới hiểu ra, trên địa bàn tinh Tây Ninh cũng đang có manh nha về tình trạng trên và trước các thông tin công nhân lao động tự đồn thổi, “hù” nhau trong khi các cơ quan chưa nắm bắt để tuyên truyền, giải thích.
Thời gian gần đây báo chí thông tin: Theo thống kê của BHXH Việt Nam cho hay, trong ba tháng đầu năm nay có gần 209.000 lao động chọn rút BHXH một lần (tăng 1% so với cùng kỳ). Trong đó, riêng TP.HCM có hơn 37.000 người nộp hồ sơ nhận trợ cấp một lần, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ[1].
Tuy nhiên, theo tôi có một nguyên nhân quan trọng khiến người lao động đổ xô đi rút bảo hiểm xã hội một lần, đó là người lao động chưa hiểu hết được các chính sách, các quy định về quyền, lợi ích của các chính sách, quy định này mang lại cho mình, sợ rằng mình sẽ thiệt thòi. Thông tin truyền miệng, dư luận ngoài luồng thì mạnh mẽ, liên tục, còn thông tin chính thống thì ít ỏi và không kịp thời. Có người bảo rằng muốn biết gì thì vào Google gõ là có ngay hoặc điện thoại đến cơ quan chúc năng hỏi thì được trả lời liền, có khó gì đâu. Nhưng thử hỏi mấy người rảnh và rành để vào Google, vì ngoài Luật thì còn Nghị định, thông tư…; thật mỏi mệt nếu không phải là người làm chuyên môn, người am hiểu pháp luật, còn điện thoại hỏi trong giờ hành chánh thì tâm lý người lao động rất ngại.
Thật ra, các vấn đề mấy đứa em tôi chưa hiểu và thắc mắc liên quan đến chế độ hưu của người lao động thôi. Tôi nói với tụi nó, khi Nhà nước ban hành luật gì thì trong đó việc bảo vệ quyền và lợi ích người dân được đặt lên hàng đầu, quan trọng nhất, chế độ bảo hiểm xã hội cũng vậy. Việc đưa ra các quy định trên là để bảo đảm quyền lợi trước mắt cũng như lâu dài cho người dân nói chung, công nhân lao động nói riêng.
Về chế độ hưu, tại các K1,2, Điều 56, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, quy định:
Ngoài ra, tùy theo trường hợp mà nghỉ hưu trước tuổi được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội nhiều hay ít, nếu đã đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội rồi sau này muốn về hưu sớm, trước tuổi quy định thì vẫn được chế độ hưu hàng tháng tuy ít một chút, nhưng vẫn có lợi nhiều, giả sử 50 tuổi về hưu, vì về trước tuổi và lương không cao, khi về hưu tiền lương chỉ được 3 triệu đồng tháng, như vậy mỗi năm cũng được 36 triệu đồng, bình quân tuổi thọ người dân bây giờ trên 70 tuổi, nếu sống đén 70 tuổi, tức là thêm 20 năm nữa mấy đứa cũng có 720 triệu đồng, quan trọng là hàng tháng mấy đứa có tiền bỏ túi, rồi làm công việc lặt vặt kiếm thêm. Còn nếu bây giờ lãnh một lần, do thời gian đóng bảo hiểm xã hội ít, lương làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội không cao, do đó rút một lần chỉ cao lắm một, hai trăm triệu. Lĩnh về một thời gian sẽ hết, lúc đó lớn tuổi rồi thu nhập không có, bảo hiểm y tế phải tự đóng, cuộc sống sẽ khó khăn chồng chất. Việc đồn thổi không đúng sự thật dễ làm cho người ta nghe theo mà có hại cho bản thân và gia đình.
Do đó không nên rút mà phải đóng tiếp cho đủ năm đóng bảo hiểm xã hội, đảm bảo điều kiện hưởng chế độ hưu theo quy định. Mặt khác, việc đóng bảo hiểm xã hội, trong đó doanh nghiệp đóng gần 2/3 tương đương 20%, còn công nhân chỉ đóng có khoảng 1/3 tương đương 10,5% trên tổng tiền lương, thu nhập phải đóng bảo hiểm xã hội mà thôi.
Qua sự việc trên cho thấy, công tác an sinh xã hội cho người dân nói chung, công nhân lao động nói riêng sẽ khó đạt mục tiêu, nếu mọi người không tự giác tham gia một cách tích cực, trong khi Đảng, Nhà nước ta luôn coi chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là trụ cột của công tác an sinh xã hội của đất nước. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng như ngành lao động-thương binh và xã hội, ngành bảo hiểm xã hội, Liên đoàn Lao động cần quan tâm có các giải pháp tuyên truyền kịp thời, tháo gỡ những gút mắc của người lao động đang gặp phải, vừa bảo đảm chính sách an sinh xã hội, vừa bảo đảm quyền lợi cho người lao động trước mắt cũng như lâu dài./.
Nguyễn văn Nhiếm
[1] Vietnamnet online, ngày 16/4/2022
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
![]() | Đồng chí VÕ ĐỨC TRONG Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh
|