Trong dịp dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư năm 2018 tại xã Bình Thạnh, tôi ấn tượng với một gương điển hình báo cáo trước Ngày hội, với dáng người thể hiện sự chân chất của người nông dân, ông không báo dông dài bằng văn bản, ông chỉ kể lại những việc mình từng tham gia đóng góp cho cộng đồng. Đó là ông Ngô Hùng, ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng, là một người Hoa.
Bà Lê Thị Hải Yến - Chủ tịch UBMTTQVN xã cho biết: Hơn chục năm trước, cánh đồng Cây Cám thuộc xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa. Khi mùa mưa đến, nước không thoát kịp, gây ngập úng cả khu dân cư ấp Bình Hòa. Để giải quyết những khó khăn này chỉ có cách mở tuyến kênh đi qua cánh đồng, nhưng phải cần có sự chung tay của những hộ dân có đất nơi đây.
Là một người dân tộc hoa ngụ tại ấp Bình Hòa có gần 2 ha đất nằm ở khu vực kênh đi qua, khi được địa phương đến vận động, gia đình ông là một trong những hộ đầu tiên đồng ý hiến đất cho xã mở kênh.
“Con kênh cắt ngang qua đất tôi khoảng 10m chiều ngang, dài 40m, tính ra khoảng 400m2. Khi được địa phương vận động, gia đình đồng ý ngay, vì có kênh thì làm lúa mới được. Nay một năm ruộng làm được 3 vụ, năng suất khoảng 6 tấn/ ha, con kênh mở ra hiệu quả lắm. Rồi cũng nhờ con kênh nên mùa mưa, nước trên khu dân cư đây thoát được, không còn bị cảnh ngập lê thê như xưa nữa”, ông Ngô Hùng tâm sự.
[caption id="attachment_14561" align="aligncenter" width="497"]
Ông Hùng trên con đường được mở trên phần đất của gia đình[/caption]
Con kênh dài gần 2 km chạy qua 3 xã cánh Tây huyện Trảng Bàng là Bình Thạnh, Phước Lưu và Phước Chỉ đã mang nước về phục vụ tưới tiêu cho cả cánh đồng. Những vụ mùa bội thu mang đến cho người dân nhiều niềm vui.
Nhưng, cùng với đó là sự vất vả trong khâu vận chuyển. Lúa làm quanh năm, đi lại nhiều nhưng bờ kênh nhỏ, việc chở phân bón, lúa thóc không hề đơn giản, nhất là vào mùa mưa, đường đã nhỏ lại thêm lầy, khiến chi phí đầu tư tăng cao.
Một lần nữa, để tháo gỡ khó khăn cho bà con, năm 2018, xã Bình Thạnh lên kế hoạch mở rộng đường cặp kênh tưới nước ở cánh đồng Cây Cám. Và một lần nữa, gia đình tôi không do dự, cho địa phương mở rộng thêm vào đất lúa của mình 3m để nới rộng mặt đê.
Ông Ngô Hùng chia sẻ: "Trước đây khi không có đường, xe máy cày phải chạy dưới ruộng để chở lúa về. Nhưng xe đi nhiều, cày nát ruộng, nhiều người không cho xe đi qua. Do đó, khi mở được con đường này sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Cả những hộ làm ruộng thuộc khu vực Phước Lưu, Phước Chỉ cũng chủ yếu vận chuyển lên đường này cho gần và dễ đi hơn”.
Không chỉ hiến đất, gia đình ông còn là một mạnh thường quân nhiệt tình ở địa phương trong công tác an sinh xã hội, đặc biệt chăm lo cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Là Trưởng Ban đại diện phụ huynh học sinh của Trường THCS Bình Thạnh từ khi con ông còn học trong trường, đến nay các con ông đều đã trưởng thành, có việc làm ổn định, gia đình vẫn được nhà trường và các phụ huynh tín nhiệm bầu làm Trưởng ban vì trong nhiều năm qua, ông cùng Ban đại diện phối hợp cùng với Hội Khuyến học của nhà trường vận động mạnh thường quân gửi tặng các em nhiều phần quà, từ sách vở đến quần áo. Với những em nhà xa, có nguy cơ bỏ học do không có điều kiện đi lại, ông vận động tặng trên 10 chiếc xe đạp để làm phương tiện, giúp các em đi lại đỡ vất vả hơn.
Vừa qua, trong công tác đối ngoại của xã, gia đình ông cũng đã ủng hộ địa phương 1.000 quyển tập để trao tặng cho các em học sinh khó khăn phía nước bạn Campuchia.
Với tôi trẻ em dù ở đâu cũng cần được đến trường, được học tập đầy đủ.
Tiến Hưng