Trong dịp dự “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc" xã Bình Thạnh năm 2018, nhân kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi gặp ông Hồng Văn Quan, giáo viên Trường Trung học cơ sở xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng. Ông là một trong những gương điển hình được Mặt trận Tổ quốc xã chọn báo cáo tại Ngày hội. Tôi ấn tượng với cách trình bày của ông, bởi ông không cầm văn bản soạn sẵn để đọc nhưng phát biểu rất mạch lạc, chi tiết những việc mình làm được, qua đó cho thấy cái tâm, sự nhiệt tình, tích cực vì cộng đồng của ông. Điều ông làm không phải là gì to tát nhưng mang lại ý nghĩa thiết thực đối với cộng đồng và đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Đó là bảo vệ môi trường.
Mở đầu cho phần phát biểu của mình, ông nêu lên thực trạng về rác thải làm mọi người phải suy nghĩ. Ông cho rằng: Ở những nơi công cộng vẫn còn không ít người thiếu ý thức khi vứt rác bừa bãi, một chai nước ngọt, một ly nhựa chứa nước uống, sau khi dùng thì nghiễm nhiên vứt bỏ ngay trên đường mà không thấy ngượng. Đối lập với hành vi phản cảm đó, vẫn còn có những hình ảnh đáng được trân quý.
Ông Quan say sưa kể câu chuyện về người bạn cũ, vốn cũng là giáo viên công tác tại trường Trung học cơ sở Bình Thạnh trước đây, nay về sinh sống tại huyện Hòa Thành. Trong một lần về thăm lại Bình Thạnh, dự buổi họp mặt truyền thống do các em học sinh cũ tổ chức, khi đi trên chuyến xe buýt, cô có mua một bịt nước uống do khát, dùng xong cô vẫn giữ chặt trên tay, đến khi xuống xe buýt và bắt xe ôm về đến trườn,g cô vẫn cầm trên tay bịt nước đó. Khi ra chào đón cô, sau lời chào hỏi, ông có nói đùa với cô giáo: “bộ ở đây không có nước uống hay sao mà cô phải đem nước từ tận Hòa Thành xuống vậy”, cô trả lời một cách hồn nhiên: “sao bạn lại nghĩ xấu cho tôi, bởi vì ngồi trên xe chạy suốt, nên tôi không thể bỏ vào thùng rác được”.
Với 38 năm đứng lớp, tuy ông không dạy môn giáo dục công dân, nhưng ông thường hay nhắc nhở học sinh về ý thức trách nhiệm cả với bản thân và với cộng đồng.
Ông Quan chia sẻ những việc mà bản thân ông đã làm như để tâm tình, bộc bạch về những trăn trở của ông đối với vấn đề vệ sinh môi trường. Đó là khoảng thời gian hơn một năm trước, trên đoạn đường từ trước cổng UBND xã Bình Thạnh vào chợ, có một đống rác thải sinh hoạt, do một số người dân trong ấp Bình Hòa và Bình Thuận lợi dụng lúc đi chợ và trong đêm tối không ai thấy, vứt bỏ. Cứ khoảng 7 ngày thì đống rác đó lại to lên, bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Vì thế, những ngày trời nắng có một người dân nhà gần đống rác ra đốt, nhưng chỉ cháy tròm trèm, không hủy hết được. Đến mùa mưa, ô nhiễm từ đống rác càng trầm trọng hơn.
[caption id="attachment_15938" align="aligncenter" width="427"] Mỗi ngày ông Quan đều ghé qua chợ quét dọn rác[/caption]Khi đó, Ủy ban nhân dân xã cũng có nhiều biện pháp khắc phục như: tuyên truyền vận động bỏ rác đúng nơi quy định trong chợ để xe rác lấy, nhưng không thành công; rồi đặt biển báo khu vực cấm đổ rác, nhưng càng cấm thì rác càng nhiều, và cứ khoảng sau một thời gian, khi ô nhiễm trở nên nặng và làm mất vẽ mỹ quan đoạn đường vào chợ, Ủy ban nhân dân xã tổ chức cho lực lượng dân quân, xã đội thuê xe dọn đem đi đỗ nơi bãi rác của địa phương. Thế nhưng, vừa dọn sạch sẽ xong thì sáng hôm sau, lại xuất hiện những bịt rác to đùng tại đó. Không thể để tình trạng như thế tái diễn, Ủy ban nhân dân xã cử người trực khoảng thời gian trong ngày người dân thường hay dứt rác, kết quả là bắt được người bỏ rác, rồi nhắc nhở, cảnh cáo, nhưng rồi cũng không có chuyển biến.
Trước thực trạng đó, là người dân sống tại địa phương, ông Quan cũng có nhiều trăn trở, nghĩ rằng mình phải tìm cách nào đó để góp phần khắc phục tình trạng trên, và ông bắt đầu thực hiện. Cứ vào khoảng 3 giờ 30 phút sáng mỗi ngày, ông thức dậy và canh chừng cứ thấy xe nào đi ngang qua đống rác thì chiếu đèn pin nơi khu vực đống rác, kết quả cũng hạn chế được việc vứt rác bừa bãi của người dân, nhưng kết quả vẫn chưa cao, vẫn còn người dân thiếu ý thức khi biết có người canh chừng, chạy xe vòng ra phía sau đường dãy nhà trước Ủy ban nhân dân xã chờ khoảng 5 phút sau vòng lại bỏ bịt rác xuống. Hơn nữa, do tuổi cao, sức khỏe yếu, có đêm ông ngủ quên không canh được thì đâu lại vào đó.
Qua lần "thử nghiệm" thất bại đó, ông tiếp tục tìm giải pháp khác. Ông đặt một cái bảng với dòng chữ “Xin đừng bỏ rác nơi đây, khổ con lắm bà con ơi” và để ngay đống rác, do tính hiếu kì, thấy lạ nên khi đi ngang qua nhiều người cũng ghé mắt nhìn. Kết hợp với việc đó, hàng đêm thay vì rọi đèn cảnh cáo như mọi khi, ông thức trực tại bãi rác, cứ thấy ai vứt rác thì nhặt đem đi bỏ vào đống rác tập kết mỗi ngày ở chợ. Những ngày đầu vẫn còn có khoảng 5 đến 7 bịt rác to vứt tại đó, ông vẫn kiên nhẫn với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, có bao nhiêu dọn bấy nhiêu.
"Nhiều khi mới dọn xong thì 5 - 10 phút sau quay lại, rác còn nhiều hơn lúc chưa dọn. Nhiều người nghĩ tôi điên, dở hơi, làm chuyện bao đồng..., nhưng tôi vẫn mặc kệ. Có ngày trước khi đi làm hoặc trên đường về, cứ thấy có bịt rác nào thì tôi dọn bịt rác đó", ông Quan tâm sự.
Có lẽ việc làm của ông đã “đánh thức” được ý thức trách nhiệm của nhiều người khi họ nhìn thấy, nhất là những người đã vứt rác trước đây nên khoảng hơn nửa năm trở lại đây đống rác cũng tự biến mất.
Kết thúc câu chuyện, ông Quan cười, nói vui: "việc làm của tôi lâu ngày như trở thành mặc định và hôm nào tôi không làm thì cảm thấy thiếu thiếu một điều gì đó trong cuộc sống".
Bà Nguyễn Thị Hải Yến - Chủ tịch UBMTTQVN xã Bình Thạnh cho biết: "Vì trụ sở UBND xã gần chợ nên sáng nào cũng thấy chú ra quét dọn đống rác, đi đâu thấy rác là chú nhặt. Chú còn tham gia hoạt động tổ tự quản rất nhiệt tình".
Câu chuyện của ông Quan giúp cho những ai sống thờ ơ, vô trách nhiệm với cộng đồng, thiếu ý thức bảo vệ môi trường sống có lúc phải suy nghĩ lại và hành động đúng.
Bình Nguyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đồng chí VÕ ĐỨC TRONG Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh
|