Chặng đường 3 năm không dài cũng không quá ngắn, để trong mỗi chúng ta nhìn lại và đúc kết được nhiều điều. Năm 2017, từ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, tôi đã được chuyển công tác qua Mặt trận và đó cũng là cơ duyên đưa tôi đến với những mãnh đời bất hạnh, tiếp xúc, gặp gỡ nhiều hoàn cảnh thương tâm, người già neo đơn, khó khăn, bệnh tật.... Mỗi khi bắt gặp một hoàn cảnh là tôi lại trăn trở “Làm sao để chăm lo chu đáo cho họ; làm sao để cho họ có mái nhà che mưa che nắng; làm sao để cho họ có buổi cơm đầm ấm, có tiếng cười giòn tan trong buổi cơm gia đình...”. Cũng chính vậy, mỗi lần đồng hành giúp đỡ cho họ vượt qua là mỗi lần để lại trong tôi nhiều cảm xúc.
Đó là mẹ con anh Lê Thanh Hồng, sinh năm 1968, thuộc diện hộ cận nghèo, ngụ khu phố Long Trung. Anh ở cùng mẹ già 87 tuổi với căn nhà được che bằng vách bồ, mái thiếc. Hàng ngày, anh rong ruỗi khắp tuyến đường bán từng tờ vé số để đảm bảo cho buổi cơm hàng ngày. Còn tôi khi sắp xếp được công việc là chạy ngay đến bên bà, biếu bà ít bánh, sữa, một cái mền, cái gối cho bà để có thêm sự sẻ chia, thêm phần ấm áp. Tuổi trẻ của bà cũng oanh liệt lắm, giai đoạn thời chiến tranh, với những đêm trốn dưới hầm nghe tiếng bom rơi, những lần trốn chạy giữa vùng lửa khói. Thật sự rất cảm phục và rất vui khi một cụ bà ngoài 80 mà vẫn còn nhớ dai dẳng như in, kể không xót một chi tiết về thời tuổi trẻ. Và cứ mỗi lần như vậy, khi tôi đến chỉ cần nghe tiếng nói của tôi là bà nhận biết ngay: “Út đến thăm bà hả, mai mốt đến chơi với bà không được mua gì hết, đến nghe bà kể chuyện là bà vui rồi”. Có lẽ do cuộc sống mưu sinh, anh Hồng phải đi bán vé số suốt ngày nên bà cảm thấy cô đơn vì không có ai trò chuyện. Trong thời gian đó, được sự kết nối của UBND thị xã Hòa Thành, tôi có điều kiện để liên hệ nhóm của Ca sĩ-Diễn viên điện ảnh Trí Quang hỗ trợ 50.000.000 đồng để xây cho hai mẹ con bà một căn nhà đại đoàn kết, giá trị căn nhà không nhiều đối với một số người có điều kiện, nhưng đối với gia đình bà là cả một tài sản lớn. Ngày tổ chức lễ bàn giao nhà, hai mẹ con bà vui mừng rưng rưng nước mắt, đó là những giọt nước mắt hạnh phúc.
Trường hợp thứ hai là ông Nguyễn Văn Đực, sinh năm 1942, hộ nghèo neo đơn, ngụ khu phố Long Kim. Cũng thật xót xa khi lần đầu đến gặp ông, với thân hình gầy gò, da dẻ đen xạm, đầu tóc rối bù, quần áo củ rách, sống trong một căn nhà nằm trên lộ 4m, vách đất, mái che bằng thiếc, phía trước là cỏ, rác, hàng chục cần xé bằng cây chất thành đống, bên trong bao gồm tất cả các loại phế liệu (bọc mũ, chai mũ, vỏ xe...), kể cả những con gián, con chuột, phía sau là những vũng nước đen, đang bốc mùi hôi thối. Hàng ngày, ông đi bộ nhiều quãng đường lượm lặt những mảnh vỡ phế liệu để mưu sinh. Có lẽ, nếu có ai đó vô tình gặp ông trên đường, một số người sẽ phải tránh xa vì sự đen đúa của nhiều ngày không tắm. Thỉnh thoảng tôi đến thăm ông và nghe ông chia sẻ về cuộc đời mình. Tôi hỏi ông “Sao ông không lấy vợ, để có người bầu bạn”, ông trả lời “Mình nghèo có ai mà lấy, mà nếu lấy thì cũng khổ cho người ta”.
Vậy đó, ông cụ đã sống một mình trong thời gian dài tại ngôi nhà đó. Tôi cũng đã từng nghĩ, tại sao những anh chị công tác trước tôi lại để xót trường hợp này. Có lẽ đây cũng là trăn trở của chính quyền địa phương, cũng chỉ do ông ở trên lộ 4m, theo quy định là không được xây nhà kiên cố. Tuy nhiên, đúng thời điểm đó được sự kết nối của Chương trình “Từ trái tim đến trái tim” của Đài Truyền hình tỉnh Tây Ninh, sự chung tay của nhóm thiện nguyện, cũng đã hoàn tất căn nhà tạm cho ông, cũng được xây gạch, láng nền xi măng, mái nhà bằng thiếc, căn nhà được dọn dẹp sạch sẽ, khang trang hơn. Ngày nhận căn nhà, cũng với những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt của người đàn ông khắc khổ đã không khỏi khiến mọi người tham dự phải đồng cảm theo.
Tiếp tục với chặng đường của mình đang đi, cuối năm 2019 thời gian mà người người, nhà nhà chuẩn bị cho gia đình đón cái Tết đoàn viên ấm áp. Đảng bộ, chính quyền các cấp cũng tập trung chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách bằng những nhu yếu phẩm, cấp phát đầy đủ các chế độ được hưởng. Ngay lúc đó, đập vào mắt tôi là gương mặt của một bà cụ, dáng người nhỏ nhắn, đang loay hoay với phần quà của mình. Tôi vội đến gần và hỏi “Bà đi với ai, có ai chở bà về không”, bà nói “Bà đâu có xe, cũng không có ai chở, bà đi bộ lên đây”. Và đó là lần đầu tôi đưa bà về đến nhà, suốt chặng đường về nhà bà cũng huyên thuyên nói về hoàn cảnh gia đình bà. Bà tên là Nguyễn Thị Kỵ, sinh năm 1937, hộ nghèo, ngụ khu phố Long Trung, sống cùng con trai bệnh tâm thần, lúc tỉnh thì anh còn đi làm hồ, lúc bệnh thì trốn trong nhà vệ sinh, không làm gì cả. Khi đến nhà, tôi quan sát xung quanh từ trước ra sau nhà, dường như cái chung của gia đình hộ nghèo, luôn xem tất cả những vật dụng không có giá trị là tài sản vô giá đối với họ, trong nhà bà cũng chứa rất nhiều vật dụng đã qua sử dụng (tivi củ, nồi cơm điện củ, cây gỗ dài ngắn đủ loại). Tuy nhiên, tổng thể ngôi nhà của bà cũng tạm ổn hơn những trường hợp trước, nhưng cũng cần phải tu bổ thêm cho căn nhà khang trang, sạch sẽ hơn.Tìm hiểu thêm về cuộc sống của bà, hàng ngày, bà đi bộ đến các điểm từ thiện tặng rau củ miễn phí để xin về làm cơm cho hai mẹ con cùng ăn. Tôi nghĩ, đó là “cái duyên” để tôi gặp bà, tuy tuổi bà đã cao nhưng trí nhớ rất minh mẫn, cuộc sống không đủ đầy như những người khác nhưng lúc nào cũng bắt gặp nụ cười với tiếng nói líu lo. Cứ mỗi lần gặp tôi, bà huyên thuyên “cô chủ tịch”, Tôi cảm ơn “cô chủ tịch”, chúc “Cô chủ tịch” được nhiều phúc đức... Mỗi khi có điều kiện chăm lo cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tôi đều nhớ đến những người mà tôi đã từng tiếp xúc. Ban Từ thiện Chùa Thiền Lâm-Gò Kén sửa lại căn nhà cho bà. Ngày nhận bàn giao nhà, bà không giống như những hộ trước, bà không khóc, bà luôn cười và luôn nói lời cảm ơn, cảm ơn “cô chủ tịch”.
[caption id="attachment_25194" align="aligncenter" width="675"]Mỗi một hoàn cảnh mà tôi tiếp xúc đều để lại trong lòng tôi nhiều trăn trở, liệu đến khi tuổi già sức yếu hơn nữa, hay khi họ gặp sự cố bất ngờ, một mình biết xoay sở làm sao, phải chăng việc giúp sức, giúp của không chỉ dừng lại như vậy thôi. Như trường hợp của bà Nguyễn Thị Nói, sinh năm 1944, ngụ khu phố Long Thành, thuộc hộ nghèo bền vững. Gia đình bà chỉ có hai mẹ con, dáng người gầy guộc, nhỏ nhắn, con trai tật nguyền, 48 tuổi, tay chân khiều khào, lưng gù cao, đi đứng không vững, thường xuyên đau nhức vì bệnh xương khớp. Hai mẹ con bà sống trong căn nhà cấp 4 đang xuống cấp, nương tựa nhau bằng sự giúp đỡ của những người hàng xóm thân thuộc, thỉnh thoảng tôi cùng vài chị em làm công tác thiện nguyện đến thăm hỏi, hỗ trợ thêm nhu yếu phẩm, chăm sóc sức khỏe, đo huyết áp và hỗ trợ thêm một số loại thuốc bổ thông dụng... Trong lòng tôi cũng đang ấp ủ ý tưởng sẽ tiếp tục tìm nguồn vận động để sửa lại căn nhà cho Mẹ con bà, tuy nhiên thời gian gần đây anh Sơn con bà trở bệnh nặng hơn, trút hơi thở sau cùng tại nhà do xương khớp đau nhức, vết thương trên chân anh bị thoái rửa, lở loét. Mẹ già phải khóc tiễn con trai. Tâm sự với tôi trong ngày tang lễ, bà đau khổ: “Hồi đó ba nó mất, hai mẹ con nương tựa nhau mà sống, bây giờ đến lượt nó, không biết bà sẽ nương tựa vào ai”. Rồi sau này trái gió trở trời, một mình bà biết nhờ ai trong căn nhà hiu quạnh.
Liệu sự quan tâm, giúp đỡ của tôi và một vài cá nhân có tấm lòng thiện nguyện chỉ phần nào xoa đi những bất hạnh, mất mát trong cuộc đời họ. Mong rằng những ông cụ, bà cụ có hoàn cảnh neo đơn sẽ luôn nhận được sự sẻ chia của cộng đồng xã hội để mỗi ngày trong cuộc đời của họ có thêm niềm vẻ, bước tiếp quãng đời còn lại.
Thiên Lý - MTTQVN phường LTT
(Bài tham gia dự thi tìm hiễu về lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
![]() | Đồng chí VÕ ĐỨC TRONG Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh
|