Tại xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, đã 15 năm qua có một bếp ăn tình thương vẫn duy trì đều đặn, đó là bếp ăn do bà Huỳnh Thị Gái, 64 tuổi, ngụ ấp Thuận An làm tổ trưởng. Bếp ăn, mỗi tháng hai lần, nấu và cung cấp khoảng 200 suất cơm miễn phí cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế thị xã Trảng Bàng. Dù chỉ là những bữa cơm chay đạm bạc nhưng luôn chứa đựng tấm lòng, sự sẻ chia của những người mang đến.
[caption id="attachment_38329" align="aligncenter" width="381"] Chị Huỳnh Thị Gái, chuẩn bị suất ăn chay cung cấp miễn phí cho trung tâm Y tế thị xã Trảng Bàng[/caption]Với vẻ chân phương và mộc mạc, bà Gái chia sẻ về quá trình hơn 15 năm duy trì bếp ăn với những bữa cơm tình thương cho bệnh nhân, người có hoàn cảnh khó khăn. Bà Gái đến với việc nấu cơm từ thiện trong một dịp tình cờ. Bà nói: “Một người bạn đã rủ tôi tham gia bếp nấu ăn từ thiện vì nó vui lắm. Ham vui nên tôi tham gia và gắn bó đến giờ”. Và quả thật, khi đến với bếp, bà không ngại cực nhọc, hễ việc nông nhàn là lại đến bếp nấu cơm. “Lúc đầu tôi tham gia nhiều nhóm nấu cơm, đi nhiều nơi trong xã để nấu những bữa cơm từ thiện cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Dương Minh Châu hay thị xã Trảng Bàng”.
Tham gia các nhóm gần hai năm, bà Gái được hỗ trợ lập một nhóm riêng tại địa bàn ấp Thuận An. Đến nay, bếp ăn từ thiện của bà đã duy trì hơn 15 năm với hơn 20 thành viên cùng tham gia. Bà Gái nhớ những ngày đầu cảnh nhà dẫu chật chội nhưng mỗi buổi nấu cơm luôn đông người rất vui và ấm áp. Những bữa ăn đầu tiên khi “ra riêng” nhóm bà chưa có nhiều kinh nghiệm nên cơm bị sống hoặc khét xảy ra không ít lần. Dần dà, bà Gái cũng lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm để những bữa cơm “hoàn hảo” hơn. Bà hào hứng nói: “Thay vì nấu cơm từng nồi như trước, tôi học được cách hấp cơm sẽ cho ra cơm mềm và tránh hao hụt vì bị khét, cháy”. Những nguyên liệu để nấu ăn, bà Gái tỉ mỉ tìm hiểu và chọn lựa, phải là hoa quả tươi mới. Bà Gái nói: “Món chay cần hoa quả tươi mới có đủ độ ngon, ngọt. Có những loại quả tôi sẽ không dùng vì nó không thích hợp với người bệnh”. Nhờ cái tâm đó mà những phần cơm của nhóm bà Gái luôn được mọi người đón nhận. Theo bà Gái, khi đến ngày giao cơm, nhìn cảnh mọi người nhận và phụ giúp chia cơm với không khí vui vẻ, rộn ràng là niềm vui, động lực cho nhóm bà duy trì việc làm tốt này. Bà nói: “Việc làm của nhóm được mọi người quan tâm, có lần lãnh đạo bệnh viện ủng hộ đóng góp tiền để nấu bữa ăn, chúng tôi như được tiếp thêm động lực từ những sẻ chia đó”.
Qua 15 năm, bếp ăn trải qua những khó khăn như thiếu nhân lực, thiếu chi phí nấu ăn nhưng vẫn được duy trì từ sự nỗ lực của bà Gái và những thành viên của bếp. Bà Gái nói: “Dù khó khăn thật nhưng tôi chưa bao giờ có ý định bỏ nhóm, bỏ bếp nấu cơm từ thiện này. Nếu không nấu được nhiều thì mình nấu ít lại”.
Xuất thân là nông dân, quanh năm sống nhờ ruộng đồng, nhiều năm liền bà Gái phải đi làm thuê tận Bến Củi, Cầu Khởi để có tiền chi tiêu. 5 tháng nay, do tuổi tác, bà đã nghỉ làm thuê mở quán bán món chay ăn sáng tại nhà. Có thể nói, gia đình kinh tế chỉ đủ ăn nhưng tình thương, sự hào phóng là điều không thể thiếu ở người phụ nữ này. Khi tham gia làm từ thiện bà mới ngoài 40. Tranh thủ lúc nông nhàn bà đi nấu cơm từ thiện. Khi mang bếp về nhà, bà cũng tranh thủ việc nhà để cho thuận tiện mà không nề hà cực nhọc. Làm nông quen vất vả, những ngày nấu cơm từ thiện bà Gái phải tất bật chuẩn bị từ chiều hôm trước, mua sắm rau quả về sơ chế. Rồi từ 12 giờ đêm bà lại lui cui một mình đứng bếp, hết nhóm lửa hấp cơm lại nấu canh, kho đậu để trời sáng các chị em lại đến cùng chia ra từng phần cho kịp. Cứ vậy, hơn chục năm nay, bà vẫn duy trì việc làm với niềm vui riêng.
Không chỉ tạo niềm vui cho riêng mình, bà Gái còn lan toả tình thương, niềm vui làm việc tốt cùng các con mình. Các con bà Gái hiện đã có gia đình, mỗi người có việc làm riêng nhưng rảnh rỗi họ lại phụ giúp bà khi cần thiết. Có hôm các chị em trong nhóm bận, bà Gái lại huy động các con cùng mình làm việc. Ấy vậy mà vui, vì bà đã cùng lan toả việc tốt với các thành viên trong gia đình. Bà Gái chia sẻ: “Tôi vui vì các con cùng đồng lòng làm việc tốt, có ý nghĩa giúp cho mọi người”. Những ngày mới dời bếp tình thương về tại nhà bà, mỗi lần phát cơm phải nhờ xe từ nhóm khác đến hỗ trợ hoặc thuê xe. Vậy là con trai bà Gái tình nguyện hốt một chân hụi cùng một người khác trong nhóm góp tiền mua một chiếc xe 16 chỗ cũ làm phương tiện vận chuyển cơm. Chiếc xe khi đó chi phí mua, sửa chữa cũng hơn 40 triệu đồng. Sau đó, hễ khi rảnh rỗi việc nhà, anh lái xe đưa cơm cùng nhóm. Đó cũng là một cách để anh ủng hộ việc làm ý nghĩa của mẹ mình.
Ban đầu, ý định lập nhóm là phát cơm miễn phí cho những bệnh nhân đang điều trị tại các trung tâm y tế, nhưng khi đến nơi, bà Gái nhận thấy không chỉ bệnh nhân mà cả người lao động tự do cũng cần những phần cơm miễn phí để giảm chi phí mỗi ngày. Vậy là bà đề xuất nhóm nấu tăng thêm vài chục suất cơm để dành cho những đối tượng này. Những ngày “ế” cơm vì bệnh nhân vắng, thì dọc đường sẽ chia hết cho những người cần. Bà Gái nói: “Cơm miễn phí nên cứ ai cần thì mình cho đi, như chia sẻ phần nào với họ. Niềm vui chỉ đơn giản như vậy thôi mà”.
Đã qua hơn 15 năm, mọi hoạt động đã nhuần nhuyễn thành thói quen nhưng với bà Gái, mỗi bữa cơm cho đi vẫn nguyên vẹn cảm xúc cũ, đầy hào hứng và niềm vui của những ngày đầu. Bà chia sẻ rằng mình may mắn khi vẫn còn sức khoẻ để được nấu những bữa cơm cho người cần và bà sẽ tiếp tục làm cho đến khi sức khoẻ không cho phép nữa mới thôi. Những chuyến đi với người phụ nữ nông dân này là những bài học cuộc sống. Vì khi đó, bà được nhìn nhận, được thấu cảm thêm với những hoàn cảnh khó khăn để thêm yêu thương, thêm tình thân thiết với những người bạn trong nhóm. Bà luôn mỉm cười khi nói rằng cứ cho đi điều tốt sẽ nhận lại những niềm vui.
Vi Xuân - Trần Thanh Lâu (MTTQVN xã Truông Mít)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đồng chí VÕ ĐỨC TRONG Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh
|