Lịch sử MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh 1930-2010

Thứ ba - 05/03/2019 10:17
Lịch sử MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh 1930-2010

 

CHƯƠNG MỞ ĐU

TÂY NINH-VÙNG ĐẤT-CON NGƯỜI

 

  1. I. ĐA LÝ, ĐA GII HÀNH CHÍNH TÂY NINH QUA CÁC THI K LCH S

Giữa thế kỷ XVII, Tây Ninh còn là vùng đất hoang vu rừng rậm và nhiều thú dữ. Gần nữa thế kỷ Trịnh - Nguyễn phân tranh (1627-1672), làm cho đời sống nhân dân vô cùng khốn khổ. Nhiều người phải bỏ làng quê tìm đến các vùng đất mới, xa lánh mọi thảm họa, bất công của xã hội đương thời. Tây Ninh là một trong những nơi đoàn người tìm đến để khai hoang lập ấp, làm ăn sinh sống.

Năm 1658, nhiều người Việt đến vùng đất Tây Ninh làm ăn sinh sống, khai hoang lập ấp. Năm 1698, Chúa Nguyễn Phúc Chu cử Lễ thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam ổn định tình hình và thiết lập bộ máy hành chính các cấp. Nguyễn Hữu Cảnh lập đất Nông Nại thành phủ Gia Định phân làm hai huyện: huyện Phước Long trên vùng đất Đồng Nai, có lỵ sổ là dinh Trấn Biên; huyện Tân Bình trên vùng đất Sài Gòn, có lỵ sở là dinh Phiên Trấn [1].

Vùng đất Tây Ninh lúc bấy giờ có hai đạo Quang Phong và Quang Hóa thuộc huyện Phước Long. Năm 1779, hai đạo Quang Phong và Quang Hóa thuộc huyện Tân Bình.

Năm 1836, vua Minh Mạng định lại tổ chức hành chính, thành lập tỉnh Gia Định, gồm ba phủ: Tân Bình, Tân An và Tây Ninh. Như vậy, tên gọi Tây Ninh chính thức xuất hiện với tư cách là một đơn vị hành chánh.

Phủ Tây Ninh có hai huyện: Tân Ninh và Quang Hóa.

Huyện Tân Ninh cai quản 3 tổng, 24 làng, huyện lỵ tại vùng thị xã Tây Ninh ngày nay. Huyện Quang Hóa cai quản 4 tổng, 32 làng, huyện lỵ tại làng Cẩm Giang.

Năm 1858, thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, Tây Ninh bị chiếm năm 1861 và được sáp nhập về Sài Gòn. Thực dân Pháp đặt hai đoàn quân sự cai trị ở Trảng Bàng và Tây Ninh. Năm 1868, hai ty hành chính được thành lập thay thế cho hai đoàn quân sự. Ngày 5-01-1876, Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định phân chia Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chánh lớn; mỗi khu vực hành chánh lớn lại được chia thành các tiểu khu hành chánh. Tỉnh Gia Định được chia thành 4 tiểu khu: Gia Định,Tây Ninh, Tân An, Chợ Lớn. Tiểu khu Tây Ninh thuộc khu vực hành chánh Sài Gòn.

Ngày 20-12-1899, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ra nghị định đổi tiểu khu hành chánh thành tỉnh. Nội dung nghị định có hiệu lực từ ngày 01-01-1900. Toàn Nam Kỳ có 20 tỉnh, như vậy đơn vị hành chánh tỉnh Tây Ninh có từ ngày 1-1-1900.  

Dưới sự cai trị của thực dân Pháp, tỉnh Tây Ninh được chia ra hai quận:

+ Quận Thái Bình có 7 tổng, 34 làng:

- Tổng Hoà Ninh có 7 làng: Đông Tác, Hoà Hiệp, Hoà Hội, Hảo Đước, Ninh Thạnh, Thái Bình, Thanh Điền.

- Tổng Hàm Ninh Thượng có 4 làng: Đôn Thuận, Hiệp Ninh, Lộc Ninh, Phước Hội.

- Tổng Giai Hoá có 6 làng: Ninh Điền, Long Chữ, Long Giang, Long Khánh, Long Thuận, Tiên Thuận.

- Tổng  Khăng Xuyên có 8 làng: Cà Khup, Chra Sre, Đây Xoài, Đốt Bô, Prey Chêt, Praha Miệt, Phum Xoài, Tapăng Roben.

- Tổng Băng Chrum có 2 làng: Băng Chrum Srey, Prey Têch.

- Tổng Tabel Yul có 3 làng: Tà rôt, Tapangprây, Tapăngprôsốc.

- Tổng Chơn Bà Đen có 4 làng: Cà Nhum, Khedol, Rùng Thùng, Am Pil.

Đến năm 1942, quận Thái Bình đổi tên là quận Châu Thành.

+ Quận Trảng Bàng có 3 tổng, 16 làng.

- Tổng Hàm Ninh Hạ có 6 làng: An Tịnh, An Hoà, Gia Lộc, Gia Bình, Lộc Hưng, Phước Chỉ.

- Tổng Mỹ Ninh có 5 làng: An Thạnh, Lợi Thuận, Phước Thạnh, Phước Lưu, Thanh Phước. 

- Tổng Triêm Hoá có 5 làng: Cẩm Giang, Hiệp Thạnh, Phước Trạch, Thạnh Đức, Trường Hoà.

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 và trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, chính quyền cách mạng thành lập thêm huyện Khăng Xuyên (1949), gồm 3 xã: Khăng Xuyên Nam, Khăng Xuyên Trung, Khăng Xuyên Bắc. Tháng 5.1951, Trung ương Cục miền Nam ([2]) bố trí lại chiến trường Nam bộ, lấy sông Tiền làm ranh giới phân chia thành hai Phân liên khu miền Tây và Phân liên khu miền Đông, đồng thời quyết định sáp nhập một số tỉnh. Trong đó, Tây Ninh cùng hai huyện Hóc Môn, Gò Vấp (tỉnh Gia Định) và hai huyện Đức Hoà Thành, Trung Huyện (tỉnh Chợ Lớn) sáp nhập thành tỉnh Gia Định-Ninh. Sau đó, Tỉnh uỷ Gia Định-Ninh quyết định thành lâp huyện căn cứ Dương Minh Châu, gồm 5 xã: Ninh Thạnh, Thạnh Bình, Chơn Bà Đen, Định Thành và Phước Ninh.

Trên cơ sở sáp nhập tỉnh, huyện Khăng Xuyên sáp nhập vào huyện Châu Thành. Các xã của huyện Châu Thành sáp nhập thành liên xã: 3 xã Hảo Đước, Hoà Hội, Trí Bình thành xã Đước Hoà Bình; 3 xã Long Giang, Long Chữ, Long Khánh thành xã Tam Long. Sau đó, sáp nhập  thêm 2 xã Ninh Điền và Khăng Xuyên Nam vào xã Tam Long thành xã Long Xuyên Điền; xã Phước Hội và xã Lộc Ninh thành xã Phước Ninh.

Huyện Trảng Bàng sáp nhập hai xã Đôn Thuận và Thuận Lợi thành xã Đôn Thuận Lợi; hai xã Phước Trạch và Hiệp Thạnh thành xã Hiệp Phước; 2 xã Thạnh Đức và Cẩm Giang thành xã Thạnh Giang.

Sau khi ký kết Hiệp định Genève (7.1954) lập lại hoà bình ở Đông Dương, tháng 10-1954 tỉnh Tây Ninh được tách từ tỉnh Gia Định-Ninh và trở lại ranh giới như hiện nay. Thị xã Tây Ninh được thành lập trên phần đất của xã Thái Hiệp Thạnh (bao gồm phần thị tứ nhất của 3 xã Thái Bình, Hiệp Ninh và Ninh Thạnh). Thành lập huyện Toà Thánh (nay là huyện Hoà Thành) gồm các xã: Hiệp Ninh, Long Thành, Ninh Thạnh và Trường Hoà.

Sau chiến thắng Tua Hai năm 1960, ta thành lập tỉnh căn cứ lấy bí số là C.1000 gồm các huyện Châu Thành, Dương Minh Châu, C105 (Tân Biên ngày nay), do đồng chí Hoàng Minh Đạo làm Bí thư. Song, tỉnh C.1000 chỉ tồn tại vài tháng rồi giải thể. Năm 1961, thành lập huyện Bến Cầu với 8 xã: Long Thuận, An Thạnh, Tiên Thuận, Lợi Thuận, Long Khánh, Long Giang, Long Chữ và Rừng Nhum. Cũng trong năm 1961, huyện Gò Dầu được tách ra khỏi huyện Trảng Bàng, huyện Gò Dầu có 6 xã: Thanh Phước, Phước Thạnh, Hiệp Thạnh, Phước Trạch, Thạnh Đức, Cẩm Giang. Cuối năm 1963, huyện Gò Dầu thành lập thêm 2 xã mới là Bàu Đồn, Suối Bà Tươi và thị trấn Gò Dầu.

Tháng 10-1967, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Trung ương Cục miền Nam quyết định thành lập 6 phân khu để tạo mũi nhọn đánh vào Sài Gòn- sào huyệt của địch, theo đó huyện Trảng Bàng được nhập về Phân khu I. Năm 1972, huyện Trảng Bàng được trả về Tây Ninh.

Về phía ngụy quyền, năm 1948, chúng thành lập quận Gò Dầu Hạ. Năm 1954 đến 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn giữ ranh giới hành chính cũ của tỉnh Tây Ninh. Từ năm 1956 trở đi, ngụy quyền đã nhiều lần thay đổi ranh giới các quận, xã. Năm 1956, sáp nhập ấp Phước Mỹ (xã Phước Chỉ) về tỉnh Long An. Năm 1958, chia quận Châu Thành làm 2 quận: Phước Ninh và Phú Khương. Năm 1961, đổi tên quận Trảng Bàng thành quận Phú Đức. Năm 1963, sáp nhập xã Bến Củi (quận Khiêm Hanh) vào quận Tri Tâm tỉnh Bình Dương. Năm 1963, để tăng cường tuyến phòng thủ phía tây bắc Sài Gòn, ngụy quyền Sài Gòn thành lập tỉnh Hậu Nghĩa gồm 4 quận: Đức Hoà, Đức Huệ (tỉnh Long An), Củ Chi (tỉnh Gia Định) và Phú Đức (tức huyện Trảng Bàng, Tây Ninh)([3]). Lúc này, tỉnh Tây Ninh còn 4 quận: Phú Khương, Phước Ninh, Hiếu Thiện và Khiêm Hanh, với 8 tổng, 46 xã.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, do nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Tây Ninh đã nhiều lần sắp xếp lại địa giới hành chính huyện, xã cho phù hợp với tình hình mới, gồm 7 huyện và một thị xã. Đến năm 1989, thành lập huyện mới Tân Châu trên phần đất của hai huyện Tân Biên và Dương Minh Châu. Hiện nay, Tây Ninh có 8 huyện và một thị xã với 5 phường, 8 thị trấn và 82 xã.

Tỉnh Tây Ninh thuộc miền Đông Nam Bộ, diện tích tự nhiên 4.035,45km2. Phía Bắc và Tây giáp vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 240km, phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh 32km và tỉnh Long An 13,5km, phía Đông giáp hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước 123km.

Tây Ninh có địa hình tương đối bằng phẳng có ngọn núi Bà Đen cao 986m, là ngọn núi cao nhất Nam Bộ. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khu vực núi Bà Đen là địa điểm tốt để cho các cơ sở cách mạng hoạt động, khi bị lộ hoặc bị kẻ thù khủng bố, các cơ sở cách mạng tạm rút về đây ẩn náu chờ thời cơ. Năm 1964, đế quốc Mỹ lợi dụng đỉnh cao núi Bà Đen đã đặt trạm viễn thông nhằm khống chế cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn, miền Đông Nam bộ và Đông Campuchia. Nơi đây đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt giữa lực lượng cách mạng và địch để giành giật lẫn nhau từng triền núi, hang đá.

Tây Ninh có hai sông lớn chảy qua, ở phía Tây của tỉnh là sông Vàm Cỏ Đông dài 220km bắt nguồn từ Vương quốc Campuchia băng qua những cánh rừng biên giới chảy vào đất Tây Ninh (dài 180km), xuống tỉnh Long An và đổ ra biển Đông. Dòng sông này rất thuận lợi cho giao thông đường thuỷ. Trong chiến tranh, sông Vàm Cỏ Đông từng là mồ chôn giặc ngoại xâm, là chứng tích ghi dấu bao chiến công oai hùng của quân và dân Tây Ninh. Ở phía Đông có sông Sài Gòn bắt nguồn từ Vương quốc Camphuchia dài 250km chảy qua Tây Ninh theo hướng Bắc Nam. Hiện nay, sông Sài Gòn là nguồn cung cấp nước dồi dào cho hồ Dầu Tiếng, một công trình thuỷ lợi lớn của cả nước.   

  1. NHÂN VĂN VÀ XÃ HỘI

Năm 1921, dân số Tây Ninh có khoảng 200.000 người, năm 1942: 260.000 người, năm 1969 có 335.301 người, năm 1972 có 392.540 người. Sau ngày giải phóng 30-4-1975, dân số có khảng 578.000 người. Theo tổng điều tra dân số, năm 2005 dân số Tây Ninh là 1.027.904 người.

Tây Ninh có 20 dân tộc, đa số là người Kinh, kế đến là dân tộc Khmer, Chăm… Các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa, Tà Mun đã định cư lâu đời ở Tây Ninh, còn các dân tộc khác mới vào lập nghiệp, định cư sau 30-4-1975.

Dân tộc Kinh sống ở Tây Ninh là những người có nguồn gốc từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và một số tỉnh từ miền Bắc vào cửa sông Cần Giờ theo đường sông lên Tây Ninh trao đổi hàng hoá với người địa phương rồi dần dần trụ lại đây sinh sống. Dân tộc Kinh phát triển ngày càng đông, yêu cầu mở rộng địa bàn sản xuất ngày càng trở nên cấp bách, do đó họ tiến dần đến vùng Trảng Bàng, Gò Dầu và tận chân núi Bà Đen để khai khẩn đất đai lập xóm làng, hình thành nên những vùng cư dân người Kinh đầu tiên ở Tây Ninh. Trước và trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dân tộc Kinh sống chan hoà với các dân tộc anh em trong quá trình sản xuất, chinh phục thiên nhiên, trừ thú dữ và chống giặc ngoại xâm, chống mọi chính sách gây chia rẽ dân tộc của kẻ thù và luôn thể hiện truyền thống yêu nước, đoàn kết trong công cuộc giải phóng đất nước. Dân tộc Khmer sống quây quần với nhau ở từng phum, sóc. Họ sống chủ yếu dựa vào hái lượm, đốt nương, tỉa rẫy. Thời Pháp thuộc, người Khmer sống tập trung ở 4 tổng: Chơn Bà Đen, Taben duyn (Tabel Yul), Băng-chơ-rum và Khăng Xuyên với 15 làng. Qua hai cuộc kháng chiến, chiến tranh tàn phá ác liệt, người Khmer phải di chuyển nhiều nơi, không sống theo từng phum, sóc riêng biệt mà sống chung với người Kinh, phần lớn họ sống ở những vùng rừng và nông thôn hẻo lánh. Dân tộc Chăm đã cùng với người Kinh vùng Trung Trung Bộ đi dần về phía Nam. Sau đó, định cư ở hai nơi là Châu Đốc và Tây Ninh. Tại Tây Ninh, dân tộc Chăm sống tập trung ở 2 xóm: xóm Chăm Đông Tác (nay thuộc ấp Thái Vĩnh Đông, Phường I, thị xã Tây Ninh) và xóm Chăm Tạo Tác (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu). Dân tộc Chăm theo đạo Hồi (Islam).

Đồng bào các dân tộc với phong cách sống hào hùng đã đổ ra bao công sức và xương máu để xây dựng và giữ gìn mảnh đất Tây Ninh.

Tây Ninh có 05 tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Hồi giáo, Tin Lành. Số lượng tín đồ đông nhất là ở các tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Cao Đài.

Đạo Phật du nhập vào Tây Ninh cùng với cư dân người Việt, gắn liền với quá trình khai hoang lập ấp, làm ăn sinh sống. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, một số chùa phật cũng là nơi ẩn náu để hoạt động cách mạng của những người yêu nước và cán bộ, đảng viên Cộng sản; cho nên, đạo Phật gần gũi với nhân dân địa phương.

Công giáo ở Tây Ninh với cơ sở đầu tiên là họ đạo Tha La (xã An Hòa, huyện Trảng Bàng) do một số linh mục([4]) trốn chạy lệnh cấm đạo của triều đình Huế lập ra. Năm 1861, thực dân Pháp đánh chiếm Tây Ninh, họ đạo Tha La phát triển mạnh, đã cử nhiều linh mục([5]) lên thành lập họ đạo ở thị xã Tây Ninh và sau đó tiếp tục đi nhiều nơi trong tỉnh để thành lập các họ đạo khác. Nhìn chung, đại bộ phận tín đồ Công giáo là người Việt Nam yêu nước, họ cùng sống, cùng khổ trong xã hội thuộc địa của thực dân Pháp, đều chịu nhiều áp bức bóc lột và căm thù giặc ngoại xâm. Cho nên, đa số tín đồ đã cùng với quần chúng địa phương vượt qua khó khăn, tìm mọi cách giúp đỡ cán bộ, ủng hộ cách mạng, góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc. 

Đạo Cao Đài ra đời năm 1926, do một số quan lại, địa chủ khởi xướng thành lập và được thực dân Pháp cho phép. Trong hai cuộc chiến tranh xâm lược, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều có âm mưu, thủ đoạn lợi dụng khối quần chúng tín đồ Cao Đài để chống phá cách mạng. Tuy có thủ đoạn khác nhau, nhưng âm mưu cơ bản của chúng là mua chuộc, lợi dụng, lôi kéo, rúng ép, khống chế, kìm giữ để nắm khối quần chúng tín đồ phục vụ âm mưu xâm lược của chúng. Trước tình hình đó, chính sách đối với đạo Cao Đài được Đảng ta quan tâm thực hiện từ năm 1952 và được xem là bước ngoặc đánh dấu sự hình thành chính sách Cao Đài vận của Đảng. Chính sách Cao Đài vận là nhiệm vụ quan trọng đối với phong trào cách mạng ở Tây Ninh đã được Đảng bộ Tây Ninh chú trọng thực hiện trong những năm còn lại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Mùa xuân 1975, với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta giành thắng lợi hoàn toàn, tỉnh Tây Ninh được giải phóng. Quần chúng tín đồ sôi nổi tham gia các phong trào cách mạng, góp phần đắc lực ổn định trật tự trị an trong vùng Toà Thánh. Quần chúng tín đồ Cao Đài lên án, tố cáo những hoạt động lợi dụng đạo chống phá cách mạng để chính quyền kịp thời trấn áp, trừng trị.

Thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước có những quan điểm, chính sách đổi mới đối với tôn giáo, trong đó có đạo Cao Đài, cho nên hoạt động của đạo Cao Đài có nhiều khởi sắc. Quyền tự do tín ngưỡng được đảm bảo hơn bao giờ hết.

Tây Ninh có biên giới giáp với Vương quốc Campuchia, là khu căn cứ địa của cả Nam Bộ, vừa kháng chiến chống giặc ngoại xâm giải phóng Tổ quốc, vừa làm nghĩa vụ quốc tế với cách mạng Campuchia. Hai nước cùng hỗ trợ nhau kháng chiến chống kẻ thù chung. Từ ngày hai nước được hoàn toàn giải phóng, mỗi nước xây dựng đất nước theo con đường do Đảng mỗi nước đã chọn, Tây Ninh đã thực hiện theo đường lối đối ngoại của Đảng ta là độc lập, chủ quyền và đoàn kết hữu nghị. Nhưng từ tháng 5-1975, về phía Campuchia, do có sự xúi giục của bên ngoài, tập đoàn Pôn-pốt đã tiến hành cuộc diệt chủng dân tộc họ và lấn chiếm biên giới Tây Nam của Tổ quốc ta. Tháng 9-1977, chúng đã mở cuộc chiến tranh xâm lược đất nước ta trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, trong đó có đoạn biên giới Tây Ninh.    

Cùng với đặc điểm của vùng biên giới, Tây Ninh còn là tỉnh căn cứ địa cách mạng của Phân Liên khu uỷ miền Đông, Xứ uỷ, sau là Trung ương Cục miền Nam. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, địch đã mở nhiều  cuộc càn quét lớn đánh vào đây nhằm huỷ diệt cơ quan đầu não lãnh đạo cách mạng miền Nam, 60/73 xã bị tàn phá hoàn toàn bởi chiến tranh. Do đó, nhiệm vụ cách mạng của Tây Ninh hết sức nặng nề, vừa chiến đấu diệt địch, vừa bảo vệ căn cứ địa cách mạng của Trung ương Cục miền Nam.

Tây Ninh là tỉnh nghèo, trước giải phóng công nghiệp của tỉnh không đáng kể, ngoài một số cơ sở tiểu thủ công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Tây Ninh có hai quốc lộ 22A và 22B và một số tỉnh lộ, trong chiến tranh bị tàn phá nặng nề, các trục lộ của tỉnh, liên tỉnh bị gián đoạn hoàn toàn. Bước vào giai đoạn mới, Tây Ninh là tỉnh nông nghiệp, xuất phát điểm rất thấp so với các tỉnh miền Đông Nam bộ. Với những khó khăn đó, Đảng bộ và quân dân Tây Ninh đã nỗ lực rất lớn để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Ngày nay dù còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Tây Ninh được xếp vào vùng kinh tế trọng điểm của các tỉnh phía Nam.

III. KINH TẾ-XÃ HỘI TÂY NINH DƯỚI SỰ CAI TRỊ CỦA THỰC DÂN PHÁP

Song song với việc hành quân đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân Tây Ninh, thực dân Pháp lần lượt thiết lập bộ máy cai trị. Chúng đặt toà Tham biện ở Trảng Bàng và Tây Ninh; đưa bọn địa chủ phong kiến phản động vào bộ máy tề ngụy tay sai từ tỉnh, quận xuống tổng, xã.

Sau khi thiết lập bộ máy cai trị, thực dân Pháp bắt tay vào việc vơ vét khai thác tài nguyên của Tây Ninh. Nguồn lợi thiên nhiên chủ yếu của Tây Ninh lúc bấy giờ là lâm sản. Diện tích rừng chiếm phân nửa diện tích đất toàn tỉnh, hầu hết là rừng già. Khai thác gỗ ở đây rất dễ vì địa hình bằng phẳng, tiện lợi cho việc vận chuyển. Thực dân Pháp thấy rõ nguồn lợi kinh tế nói trên, đã thiết lập ngay bộ máy kiểm lâm đồ sộ và chặt chẽ. Ở tỉnh có Sở Kiểm lâm, bên dưới chia thành 7 quận kiểm lâm với nhiều đồn kiểm lâm. Ở mỗi quận Kiểm lâm có một sếp quận thường gọi là "Quan lớn Kiểm" cùng một số viên chức có nhiệm vụ cấp giấy phép khai thác và thu thuế các loại lâm sản. Mỗi đồn kiểm lâm thường có một tên đội, chuyên theo dõi, bắt giữ, phạt vạ những người làm rừng sai quy cách hoặc ăn tiền đút lót của những người làm rừng trái phép.  

Cùng với việc khai thác lâm sản, thực dân Pháp còn bao chiếm nhiều đất đai, lập các đồn điền cao su. Năm 1906, Công ty cao su Đông Dương (S.I.P.H) được thành lập. Công ty này chiếm đất lập ra hàng loạt đồn điền cao su, trong đó có đồn điền cao su Bến Củi. Công ty cao su Tây Ninh thành lập năm 1913, có trụ sở ở Sài Gòn, hoạt động của công ty là kinh doanh đồn điền cao su ở Tây Ninh, với các đồn điền cao su Vên Vên, Trà Võ, Hiệp Thạnh, Cầu Khởi. Một số tư sản người Pháp được sự bao che của chính quyền thực dân cũng bao chiếm đất lập ra một số đồn điền cao su khá lớn như: Sở Arnault (xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu), Sở Oconell (xã Thanh Điền, Châu Thành), Sở Sina (xã Phước Thạnh, Gò Dầu), Sở Francini (xã Ninh Thạnh, Châu Thành), Sở Servin (xã Thái Bình, Châu Thành). Địa chủ người Việt cũng có một số sở cao su nhỏ từ 15-20ha, như: ở An Tịnh có 13 sở, Lộc Hưng 16 sở, Gia Lộc 20 sở. Từ Thanh Phước, Phước Thạnh đến Bàu Đồn, đông tây lộ 19, 26 cho đến Cầy Xiêng, Thanh Điền, Thái Bình, Đôn Thuận đều có trồng cao su.

Các đồn điền cao su đem lại nguồn lợi rất lớn cho chính quyền thuộc địa và bọn chủ tư bản người Pháp.

Ngoài việc bóc lột, vơ vét tài nguyên rừng và chiếm đất mở đồn điền cao su, thực dân Pháp còn thực hiện một chế độ thuế khoá hết sức nặng nề. Thuế là nguồn thu chính cho ngân sách toàn Đông Dương và Nam kỳ cũng như ngân sách tỉnh, vì vậy chúng đặt ra đủ loại thuế: thuế điền thổ, thuế nhà cửa, thuế trâu bò, thuế môn bài và cả đến thuế người gọi là thuế thân (còn gọi là thuế đinh hoặc sưu, loại thuế đánh vào đàn ông từ 18 đến 60 tuổi). Thống đốc Nam kỳ quy định mức thuế hàng năm tỉnh phải nộp cho ngân sách chung thường là rất nặng, đồng thời cho phép nếu không thu đủ thì tăng thuế, thậm chí tạo thêm các loại thuế mới để thu([6]).

Đi đôi với vơ vét bóc lột kinh tế, bọn thống trị còn thực hiện chính sách ngu dân, đầu độc văn hoá. Toàn tỉnh chỉ có ba trường tiểu học hoàn chỉnh([7]) với khoảng 400 học sinh, hầu hết là con em của tầng lớp trên. Ở xã chỉ có một lớp vỡ lòng hoặc lớp một, nhưng xã có, xã không. Vài ba xã mới có chung một trường dạy lớp ba. Do vậy, con em nhân dân lao động hầu như chịu cảnh mù chữ hoặc chỉ biết đọc, biết viết. Ngược lại, rượu "Phông-ten" được nhà nước thực dân khuyến khích dân uống, đại lý bán lẻ ở khắp nơi. Tệ nạn cờ bạc, mê tín dị đoan tràn lan khắp xóm ấp, chỗ nào cũng có sòng bạc ngày đêm sát phạt lẫn nhau.

Thực hiện chính sách chia để trị, thực dân Pháp gây tâm lý hận thù dân tộc giữa người Việt và người Khmer, người Chăm, gieo rắc tư tưởng khinh bỉ, kỳ thị, phân biệt đối xử giữa người Kinh với các dân tộc ít người. Ngoài ra chúng còn lợi dụng tính chất phát của người Khmer, người Chăm mà thẳng tay vơ vét, bóc lột, đẩy họ vào cảnh sống quanh năm cơ cực, lầm than. 

Những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nền kinh tế Tây Ninh chỉ có một số cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp như xưởng chế biến mía đường Thanh Điền, nhà máy đèn, nhà máy nước thị xã, cơ sở xay xát gạo, trại cưa, lò rèn, lò gốm, lò than, che ép mía, bọng ép dầu… Theo đó, bắt đầu xuất hiện một thành phần xã hội mới là công nhân làm thuê, lúc đầu số lượng không nhiều, có khoảng trên dưới 1.000 người, trong đó hơn 2/3 là bán công. Vào những năm đầu thế kỷ XX, nhiều đồn điền cao su lớn nhỏ ra đời trên địa bàn Tây Ninh, kèm theo các xưởng chế luyện cao su ở Vên Vên, Bến Củi được xây dựng; từ đó, xuất hiện công nhân đồn điền cao su. Khoảng giữa năm 1936, khi các đồn điền cao su mở rộng đến 8.622ha, số công nhân tăng lên đến 3.500 người bán công bán nông và 1.550 công nhân chuyên nghiệp. Họ gồm có dân tại chỗ và những phu mộ từ miền Bắc, miền Trung vào làm theo chế độ contrat([8]) vô cùng hà khắc. Họ bị cảnh ngộ trói buộc, vừa phải lao động hết sức nặng nhọc, mỗi ngày làm việc từ 10 đến 14 giờ, mà đời sống vô cùng cơ cực, cơm ăn không đủ no, quần áo không đủ mặc, chỗ ở chật chội, ốm đau không có thuốc uống, không được đi điều trị ở bệnh viện, hết hạn contrat cũng không thể trở về quê nhà. Không những thế, bọn chủ và xếp cai còn trút lên đầu họ roi vọt, tra tấn nếu bỏ trốn.

Tây Ninh lúc đó là nơi đất rộng người thưa. Nông dân chiếm trên 80% dân số,  là những người trực tiếp khai vỡ đất đai, nhưng không được làm chủ mảnh đất của mình, vì đất mới vỡ nhiều phèn khó canh tác, một số ruộng tốt đều tập trung trong tay bọn địa chủ, công chức kiêm địa chủ, thương gia kiêm địa chủ. Do đó, người nông dân Tây Ninh dưới thời thuộc Pháp cũng bị bóc lột hết sức nặng nề thông qua các hình thức thuế khoá rất hà khắc, nhất là thuế thân.  

Dưới sự cai trị của thực dân Pháp, xã hội Tây Ninh có sự phân hóa thành các giai tầng rõ rệt. Trong đó, công nhân và nông dân là thành phần chủ yếu, ngoài ra còn có các tầng lớp tư sản, địa chủ, trí thức, tiểu tư sản thành thị.

Tầng lớp tư sản ở Tây Ninh mà hầu hết là tư sản vừa và nhỏ hoặc tiểu chủ nắm trong tay các cơ sở chế biến nhỏ, chủ yếu là ngành xay xát gạo và các xí nghiệp thủ công như lò gạch, lò đường, xưởng ép dầu đậu phọng (có bọng ép dầu), lò rèn…các tiểu chủ này cũng bóc lột công nhân.

Đa số địa chủ là chỗ dựa của thực dân Pháp ở cơ sở. Đối với những tên địa chủ tay sai đều được tham gia vào các ban hội tề xã, thực dân Pháp cố tình làm ngơ để bọn này bao chiếm đất ruộng công và đất ruộng của nông dân. Ngoài ra, chúng còn cho bọn này làm chủ thầu khai thác gỗ. Với nguồn lợi đất đai và khai thác gỗ giúp cho bọn địa chủ nhanh chóng trở thành tầng lớp giàu có và nắm nhiều quyền lực ở địa phương, đóng vai trò tay sai đắc lực cho thực dân Pháp trong việc siết chặt bộ máy cai trị của chúng đến tận các xã ở vùng sâu, vùng xa([9]).

Tầng lớp trí thức tiểu tư sản mới hình thành sau khi thực dân Pháp đặt ách cai trị và được Pháp đào tạo để phục vụ cho bộ máy cai trị của chúng. Một bộ phận của tầng lớp này muốn ngoi lên địa vị cao trong xã hội nên khi thành đạt đã gắn bó với chính quyền thực dân, làm lợi cho bọn thống trị ngoại bang.

Trong thời kỳ thực dân Pháp cai trị, ở tỉnh lỵ và thị trấn hình thành tầng lớp lao động thành thị như: phu xe kéo, phu xe thổ mộ, phu quét rác, thợ sửa xe…Lớp người này phải chịu một cuộc sống cơ cực cùng với gánh nặng thuế khoá của thực dân Pháp.

Giai cấp  tư sản và địa chủ ở Tây Ninh chiếm một tỷ lệ không đáng kể so với dân số của tỉnh, nhưng lại là giai cấp có thế lực mạnh nhất trong xã hội thuộc địa, được bọn thống trị nuôi dưỡng làm tay sai cho chúng.

  1. TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH BẤT KHUẤT CHỐNG GIẶC NGOẠI XÂM

Quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Tây Ninh gắn liền với quá trình đấu tranh gay go, ác liệt chống giặc ngoại xâm.

Những ngày đầu giữ gìn biên cương của Tổ quốc, ba anh em Huỳnh Công Giản (Ông lớn Trà Vong), Huỳnh Công Thắng, Huỳnh Công Nghệ liên tục đánh dẹp giặc quấy nhiễu biên giới. Công lao của các tướng lĩnh và tinh thần yêu nước bất khuất chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương của nhân dân Tây Ninh vô cùng oanh liệt.

Năm 1859, giặc Pháp đánh chiếm Gia Định. Tháng 8.1860, Nguyễn Tri Phương được vua Tự Đức cử vào Gia Định nhận chức Thống đốc Quân vụ Đại thần, tổ chức xây dựng phòng tuyến Đại Đồn ở Chí Hoà để ngăn giặc Pháp. Hưởng ứng lời kêu gọi của Nguyễn Tri Phương, nhân dân Gia Định và các vùng xung quanh đã tình nguyện dốc sức xây dựng Đại Đồn một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, do chủ trương “lấy chủ đợi khách”([10]) của Nguyễn Tri Phương, Đại Đồn thất thủ (25.2.1861). Sau đó, trong thế thắng, thực dân Pháp mở rộng cuộc chiến ra các tỉnh miền Đông, chúng chiếm Trảng Bàng, Tây Ninh.

Khi thực dân Pháp đánh chiếm Gia Định, Lãnh binh Tòng([11]) đã từng điều binh ra chống Pháp. Năm 1861, ông đưa gần 300 quân đến chi viện cho đồn Chí Hoà. Quân của Lãnh binh Tòng phải vượt qua các chốt chặn của địch ở Hóc Môn, Bà Điểm, Bà Quẹo, bị tiêu hao nhiều, còn hơn phân nửa đến được Đại Đồn tham gia chiến đấu. Sau khi quân Pháp phá được Đại Đồn, Lãnh binh Tòng tập hợp số quân còn lại rút về Trảng Bàng. Biết thế nào quân Pháp cũng lên đánh chiếm Tây Ninh, ông lo củng cố lại lực lượng, xây dựng tuyến phòng thủ từ xa, mặc dù vũ khí còn thô sơ, lại không được sự chi viện của triều đình, nhưng Ông và quân sĩ vẫn quyết tâm chống giặc đến cùng để bảo vệ quê hương.

Quân Pháp tiến đánh Trảng Bàng, quân của Lãnh binh Tòng kháng cự quyết liệt, do binh lực ít nên tuyến phòng thủ ngoài xa của ông chỉ chống giữ được trong một ngày đã bị quân Pháp phá vỡ; nghĩa quân của ông đành rút vào Tha La (An Hoà, Trảng Bàng) ẩn tránh. Ông cùng hai tùy tùng ở trong nhà một hương chức theo đạo Thiên Chúa. Tại đây, ông phát hịch chiêu mộ quân đánh giặc. Vị hương chức chủ nhà cũng tích cực vận động giáo dân  cũng như quần chúng ở chung quanh tòng quân giết giặc. Công việc mới triển khai được hai ngày thì bị lộ vì có kẻ phản bội, bí mật ra Trảng Bàng chỉ điểm cho quân Pháp về An Hoà bao vây căn nhà ông đang ở. Bọn Pháp đã bắn chết vị hương chức chủ nhà và người tuỳ tùng của Lãnh binh Tòng, đồng thời bắt ông và một tuỳ tùng khác. 

Pháp cấp tốc đưa ông về Sài Gòn. Tại Sài Gòn, chúng dụ dỗ ông qui thuận, hứa sẽ ban chức tước và cho ông tiếp tục cai quản vùng Trảng Bàng. Nhưng chúng không thuyết phục được, cuối cùng đày ông đi biệt xứ ra đảo Guyane([12]). Sau một thời gian, ông mất tại đảo.  

Khi Tây Ninh bị quân Pháp tiến chiếm, ông Khâm Tấn Tường giữ chức Tham tán Quân vụ ở Phủ Tây Ninh, đã không tuân lệnh bãi binh của triều đình, ông rút về An Cơ([13]), chiêu mộ nghĩa quân, mua sắm vũ khí, lương thực, dựa vào địa hình thuận lợi của rừng, tổ chức chống Pháp. Thành An Cơ có bề mặt bờ thành rộng khoảng 2m, chiều dài hàng mấy cây số, bao bọc một khu đất rộng, ba mặt thành dựa vào khúc cong của sông Sóc Om, trên mặt tiền bờ thành cao có luỹ tre dày kiên cố. Nghĩa quân bố trí hai cánh giữ thành chống lại giặc Pháp. Với cách đánh, một là dùng gỗ treo trên cao cho lao xuống; hai là dùng dầu chai nấu sôi, thụt bắn dầu ra xa, được gọi là cách đánh “hoả hổ”.

Quân Pháp từ Tây Ninh tấn công lên An Cơ, bị nghĩa quân Khâm Tấn Tường đánh bị thương và chết khá nhiều, buộc phải rút lui. Sau đó, thực dân Pháp tăng cường thêm lực lượng tinh nhuệ, tấn công nhiều mặt vào thành An Cơ, mặt sau thành do Hương trùm Hạt (ở Tầm Long), tay sai quân Pháp dẫn đường. Lần này chúng phá được thành, ông Khâm Tấn Tường không để cho giặc bắt, đã tử tiết tại chỗ. Nhân dân kính phục, thương xót, đưa thi hài ông về chôn cất tại Bến Thứ và lập miếu thờ ông tại đây.

Trong quân ngũ của ông Khâm Tấn Tường còn có nhiều lãnh binh chống Pháp vô cùng oanh liệt. Tiêu biểu là Lãnh binh Két. Nhân dân ở Trảng Bàng và Bến Cầu truyền tụng nhiều về chuyện Lãnh binh Két đánh Pháp([14]). Ở vùng Long Giang, Long Khánh…(huyện Bến Cầu ngày nay) lúc bấy giờ đều là rừng, nghĩa quân của ông Lãnh binh Két đã lợi dụng rừng cây rậm rạp và đêm tối trời để tấn công các đồn giặc. Ông đưa quân bám sát và theo dõi các đồn quân Pháp, khi thấy sơ hở lập tức điều quân bất thần đột kích vào đồn, phóng hoả đốt đồn và dùng gươm giáo, mũi tên tẩm thuốc độc tiêu diệt giặc Pháp, làm cho giặc Pháp trở tay không kịp và sau đó rút lui nhanh về rừng rậm khi trời đang còn tối. Khi giặc Pháp tập trung quân truy lùng, Lãnh binh Két cho quân phân tán thành nhiều nhóm nhỏ ở trong dân, tránh đụng độ trực tiếp với giặc. Quân Pháp không tài nào phát hiện được quân của Lãnh binh Két. Cứ như thế quân của ông đã nhiều lần tập kích vào các đồn giặc ở Gò Dầu, Trảng Bàng… gây cho chúng không ít tổn thất về vật chất và sinh mạng. Sau khi Lãnh binh Két mất, nghĩa quân của ông cũng giải tán.

Trong 5 năm 1861-1866, trên đất Gia Định, Biên Hoà và Định Tường có nhiều cuộc nổi dậy đánh Pháp. Nổi bật nhất là cuộc nổi dậy của Trương Định.

Sau khi Trương Định hy sinh ở rừng lá Gò Công, cháu của ông là Trương Quyền([15]) tiếp tục đứng lên chống Pháp. Ông đưa nghĩa quân về rừng Tây Ninh, lập căn cứ ở Băng Dung (Phước Vinh) và liên kết với nghĩa quân Pô-kum-Pô([16]) để chống Pháp.

Sau thời gian xây dựng lực lượng, Trương Quyền thấy phải chiếm tỉnh lỵ Tây Ninh làm bàn đạp tiến về Sài Gòn. Trận đánh diễn ra vào ngày 7.6.1866. Lính Pháp ở đồn Cầu Quan thấy đám đông hàng nghìn người tiến về tỉnh lỵ, viên đại uý đồn trưởng Savin de Larclauze chủ quan lệnh cho đại uý Pinault đem quân đến đàn áp. Cậy có vũ khí tối tân, Pinault hung hăng cùng thiếu uý Lesage dẫn 20 lính trong đồn xông ra định giải tán đám đông quần chúng ở Bến Trường Đổi (cách Cầu Quan trên 1km). Không ngờ hắn bị quần chúng bao vây, chặn đường rút lui về đồn. Hoảng sợ, hắn liền rút súng bắn vào đám đông làm vài người bị thiệt mạng. Hắn tưởng quần chúng sẽ hốt hoảng bỏ chạy, không dám chống lại, nhưng lập tức hắn bị giết ngay. Tên thiếu uý Lesage thúc quân xông tới, bắn loạn xạ vào quần chúng. Nhưng chỉ mấy phút sau, hắn cũng bị quần chúng ùa tới giết chết cùng 9 tên lính Pháp, số còn lại sợ hãi vội vàng tháo chạy về đồn.

Quan binh Pháp ở Tây Ninh hoảng sợ, tên đại úy đồn trưởng Savin de Larclauze cấp báo về Gia Định xin viện binh. Thống đốc Nam kỳ là đô đốc De la Grandière phái hai đạo thuỷ quân và lục quân do thiếu tá Marchaise chỉ huy từ Sài Gòn lên cứu nguy cho đồng bọn ở Tây Ninh.

Đến Tây Ninh, Marchaise thấy bốn bề yên tĩnh, không biết nghĩa quân của Trương Quyền ở đâu. Hắn tổ chức hành quân truy kích, lùng sục khắp vùng 6 ngày cũng không tìm thấy, đến 3 giờ chiều ngày 14.6.1866, chúng mới đụng độ nghĩa quân tại Rạch Vịnh. Trận chiến này đã được báo tiếng Pháp “Tin tức Sài Gòn”([17]) đăng tải khá tỉ mỉ:

“Kích thích bởi lòng căm thù đối với những kẻ thù (nghĩa quân) cho đến lúc bấy giờ không thấy mặt, những người lính của chúng ta (quân Pháp) đã mở ra tuyến tán binh và vượt suối để lao tới. Họ gặp một cánh đồng lầy và ở đó họ chịu đựng một trận đánh không cân sức với một lực lượng có số quân đông áp đảo.

Thế là, chiến trận đẫm máu đã diễn ra, trong đó người ta phải đánh giáp lá cà, thiếu tá Marchaise bị giết tại Rạch Vịnh. Đến 5 giờ chiều quân Pháp không còn nghĩ đến việc ở lại giữa cái đầm lầy này để bao vây đối phương nên đã rút về, và mãi đến 3 giờ sáng hôm sau mới đến được nơi đồn trú”.

Một lần nữa quân Pháp thất trận và phải mở đường máu chạy về đồn Tây Ninh với tinh thần hoang mang lo sợ. Với cách đánh táo bạo và bất ngờ, đêm 23.6.1866 Trương Quyền đưa quân tấn công vào Sài Gòn theo hai cánh:

Cánh quân thứ nhất do Trương Quyền trực tiếp chỉ huy đột nhập vào vùng Chợ Lớn, thọc sâu vào đồn Thuận Kiều, đánh giáp lá cà với bọn kỵ binh, diệt nhiều quân Pháp. Đến rạng sáng hôm sau (24.6.1866), nghĩa quân tiêu diệt hết quân Pháp trong đồn. Quân Pháp tiếp viện ngày càng đông. Cuộc chiến đấu quanh đồn Thuận Kiều diễn ra thêm ác liệt giữa ban ngày nên không thuận lợi cho nghĩa quân, Trương Quyền đã mưu trí cho quân rút khỏi đồn Thuận Kiều.

Cánh quân thứ hai thọc sâu vào Hóc Môn- Bà Điểm, tấn công vào quân Pháp đồn trú tại đây, quân Pháp từ Gia Định, Gò Vấp lên tiếp viện, nghĩa quân đánh nhau với giặc cho tới sáng rồi mới rút về Củ Chi.

Cuộc tập kích của nghĩa quân Trương Quyền làm chấn động cả Gia Định, nhất là chiến thắng ở đồn Thuận Kiều đã làm cho quân Pháp tổn thất lớn.

Sau chiến thắng đồn Thuận Kiều, Trương Quyền cho nghĩa quân rút về Tây Ninh, phối hợp với nghĩa quân Pô-kum-Pô tiếp tục chống Pháp.

Ngày 02.7.1866, quân Pháp điều quân đánh vào căn cứ của nghĩa quân. Nghĩa quân đã bám sát giặc và phản công vào lúc 12 giờ trưa hôm ấy tại cánh rừng nhỏ ở Trà Vong. Bị tổn thất nặng, quân Pháp hốt hoảng bỏ chạy. Trưa hôm sau, chúng lại rơi vào trận phục kích khác trên đường về. Đêm ấy, nghĩa quân Việt-Khmer đánh vào Tây Ninh, đốt phá công  sở của bọn lính Pháp và nhà cửa của những tên tay sai.

Bị thua đau, quân Pháp từ Sài Gòn tăng viện cho Tây Ninh thêm 200 lính Pháp, trong đó có 100 lính tập, 50 lính thuỷ. Chúng tăng cường truy tìm căn cứ của liên quân Việt-Khmer để hoạch định một trận đánh lớn. Không phát hiện nơi đóng quân của Trương Quyền, chúng quay sang tấn công vào Rạch Vịnh, nơi chúng đoán là căn cứ của Pô-kum-Pô. 

Giữa tháng 7.1866, quân Pháp tấn công vào Rạch Vịnh. Trước tiên chúng cho pháo bắn dọn đường, đoàn kỵ binh tiến trước, quân lính tiến theo. Hai bên giao chiến tại Rạch Vịnh hơn nửa ngày, quân Pháp có ưu thế về lực lượng, có pháo binh yểm trợ, binh lính nhiều đạn dược, căn cứ Pô-kum-Pô bị trúng pháo, các ổ súng đồng cũng bị hư hại, nghĩa binh bị thương và hy sinh khá nhiều. Trong tình thế bất lợi, Pô-kum-Pô quyết định phân tán nhỏ lực lượng để tránh mũi nhọn tấn công của giặc Pháp. Sau đó, Pô-kum-Pô rút về Campuchia và nghe đồn năm sau (1867) thì mất.

Trong khi đó, Trương Quyền và nghĩa quân của ông khôn khéo khi ẩn, khi hiện ở nhiều nơi, khi đánh ở phía nam tỉnh, khi đánh ở phía bắc tỉnh. Về sau Trương Quyền yếu hẳn, nghĩa quân tan rã vì thiếu vũ khí, lương thực, thuốc men, đạn dược không có, ông về rừng Bến Kéo lập trại dưỡng bệnh và tạ thế ngày 20 tháng 8 âm lịch năm 1871 ở Bến Kéo, thọ 55 tuổi.

Cuộc chiến đấu oanh liệt của Trương Quyền và nghĩa quân của ông đã làm cho quân Pháp trả giá khá đắt về sinh lực mới tạm dẹp yên được cuộc nổi dậy trên đất Tây Ninh.

Tiếp theo nghĩa quân Trương Quyền còn có các tổ chức yêu nước khác như Thiên Địa hội do ông Hồ Văn Chư đứng đầu ở An Tịnh, Trảng Bàng; ông Nguyễn Văn Phát ở An Hoà và nhiều vị khác ở Gia Bình, Vàm Trảng...nổi lên hoạt động, nhưng không thu được kết quả gì đáng kể.

Tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của nhân dân Tây Ninh dưới sự lãnh đạo của các quan lại địa phương đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp trong toàn tỉnh, nhưng không làm xoay chuyển được tình thế, bởi so sánh tương quan lực lượng quá chênh lệch, một bên là nhân dân yêu nước đã bị triều Nguyễn giao nộp ba tỉnh miền Đông cho giặc Pháp từ năm 1862, lại phải đương đầu với đội quân viễn chinh của thực dân Pháp.

Đất Tây Ninh dẫu mất vào tay bọn xâm lược Pháp, nhưng truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân Tây Ninh được tôi luyện, phát huy mạnh mẽ khi có ánh sáng của Đảng Cộng  sản Việt Nam vào Tây Ninh.

CHƯƠNG II

PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG CỦA QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN

TỪ KHI CÓ ĐẢNG LÃNH ĐẠO ĐẾN CÁCH MẠNG

THÁNG TÁM  NĂM 1945

(1930- 1945)

  1. TẬP HỢP QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN ĐOÀN KẾT ĐẤU TRANH ĐÒI DÂN SINH DÂN CHỦ, TIẾN TỚI HƯỞNG ỨNG CUỘC KHỞI NGHĨA NAM KỲ (1930- 1940)

Chính sách cai trị của thực dân Pháp ở Tây Ninh đã đưa tới mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa bọn thống trị Pháp cùng bọn tay sai với đại đa số quần chúng nhân dân lao động, trong đó giai cấp nông dân và công nhân cao su là lực lượng đông đảo và chủ yếu trong cuộc đấu tranh giành quyền sống, quyền tự do. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh trước khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, hơn 300 anh em phu làm đường Quốc lộ 22 đi Kompong-Chàm, chống lại bọn chủ thầu để đòi tăng lương.

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, Đảng đề ra đường lối cách mạng là chống đế quốc, chống phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc , người cày có ruộng. Đường lối này nhanh chóng được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng.

Các tỉnh có phong trào cộng sản hoạt động mạnh như Gia Định, Chợ Lớn, Thủ Dầu Một… ảnh hướng của Đảng bắt đầu lan rộng đến Tây Ninh.

 Đồng chí Võ Văn Lợi ([18]) từ Bà Điểm (Hóc môn), lên Giồng Nần (huyện Châu Thành), vừa sinh sống vừa tuyên  truyền giác ngộ quần chúng chống Pháp. Sau gần một năm hoạt động bí mật, năm 1930 đồng chí Lợi được chi bộ Đảng ở Bà Điểm kết nạp vào Đảng, rồi nhận nhiệm vụ về Tây Ninh tiếp tục hoạt động và xây dựng phong trào cách mạng. Đồng chí Lợi giác ngộ được 4 quần chúng tốt là anh Trương Văn Chẩn, Trương Văn Phú, Nguyễn Văn Viết, Trần Văn Luông làm nòng cốt cho phong trào. Kế hoạch của đồng chí Lợi là thông qua tuyên truyền vận động quần chúng để đến cuối năm 1930 sẽ tiến hành tổ chức Nông hội đỏ ở một số nơi, đồng thời lựa chọn những người ưu tú đề nghị Chi bộ ở Bà Điểm kết nạp vào Đảng, sau đó hình thành cơ sở Đảng tại đây. Nhưng kế hoạch này không thực hiện được vì đồng chí Võ Văn Lợi bị địch bắt và đày ra Côn Đảo. Địch tăng cường khủng bố gắt gao, các quần chúng tích cực hoạt động cách mạng ([19]) phải đổi vùng hoạt động sang đất Campuchia vào các làng người Việt như Trà Ky, Ba Ti, Truông Cồng…vừa cày thuê gặt mướn để sống, vừa móc nối với tổ chức Đảng ở Ba Ti([20]). Một thời gian sau, các quần chúng tích cực được chi bộ ở Ba Ti kết nạp vào Đảng và trở về hình thành cơ sở Đảng tiếp tục hoạt động ở Giồng Nần, Long Giang, Long Khánh thuộc huyện Châu Thành.

Tại Giồng Nần, các đồng chí vận động quần chúng nhân dân vào các hội vạn công cấy, công gặt, các hội ái hữu tương tế, đồng thời chọn một số người để thành lập tổ chức Nông hội đỏ, gồm các đồng chí: Trần Thị Tỏ, Trương Thị Thìn, Nguyễn Văn Chua, Trương Thị Lệ, Trương Văn Tàu, Lê Văn Rùm, Trương Văn Võ, Lê Văn Bương (Trương Hổ), Trương Văn Du, Lê Văn Sáu, Phạm Văn Tồn và Huỳnh Văn Dần([21]). Nhiệm vụ chủ yếu của Nông hội đỏ là lãnh đạo nông dân đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống sưu cao thuế nặng, chống áp bức bóc lột. Qua quá trình hoạt động, cơ sở Đảng ở vùng Giồng Nần bị địch theo dõi ráo riết, trong chuyến đi liên lạc với cơ sở Đảng ở Bà Điểm, hai đồng chí Nguyễn Văn Viết, Trần Văn Luông bị địch bắt và đày đi mất tích, còn lại hai đồng chí Trương Văn Chẩn và Trương Văn Phú vẫn giữ liên lạc với tổ chức Đảng ở Ba Ti, nhưng không gây dựng được phong trào và cũng không phát triển được cơ sở Đảng.

Ở Long Giang, Long Khánh, Long Chữ, hai đồng chí Đặng Văn Son và Nguyễn Văn Độ cũng hoạt động hết sức bí mật. Các đồng chí dựa vào tập quán sinh hoạt của nhân dân địa phương như vạn cấy, đám cưới, đám xác, cúng miễu…để tuyên truyền vận động quần chúng, đồng thời vẫn liên lạc với tổ chức Đảng ở Ba Ti. Cuối năm 1930, nhận lệnh hưởng ứng “Phong trào Xô Viết Nghệ Tỉnh”, các đồng chí treo khẩu hiệu “thả tù chính trị Nghệ An đỏ” trên các ngọn cây cao ở nhiều vùng thuộc xã Long Giang, Long Khánh, Long Thuận. Thời gian này là cao trào đấu tranh của cả nước, bọn địch điên cuồng khủng bố, đàn áp cách mạng. Nhưng hai đồng chí Nguyễn Văn Độ, Đặng Văn Son nhờ ý thức giữ bí mật tốt, nên vẫn tuyên truyền vận động , gây dựng được lực lượng nòng cốt cho phong trào. Tuy nhiên, hoạt động của các đồng chí chỉ trong một phạm vi nhỏ hẹp, chưa gây được phong trào rộng lớn.

Tháng 5.1931, đồng chí Nguyễn Văn Độ trong chuyến đi công tác bị địch bắt, tra tấn dã man, đồng chí kiên quyết không khai báo, địch đày đồng chí Độ ra Côn Đảo. Sau đó địch mở rộng khủng bố truy tìm những người cộng sản đến tận làng người Việt ở Ba Ti trên đất Campuchia, các đồng chí ở đây phải phân tán nhỏ để tránh sự khủng bố của địch. Đồng chí Hai Giáp từ Ba Ti chuyển về vùng Long Khánh cùng với đồng chí Đặng Văn Son tiếp tục hoạt động cách mạng.

Sau phong trào Xô Viết Nghệ Tỉnh (1930-1931), thực dân Pháp tiến hành cuộc khủng bố trắng nhằm dập tắt ngọn lửa đấu tranh của quần chúng, phong trào cách mạng cả nước tạm thời lắng xuống, Tây Ninh cũng nằm trong tình trạng chung của cả nước, các đồng chí đảng viên và quần chúng nòng cốt tạm thời ẩn náu, giữ gìn bí mật lực lượng chờ thời cơ. Năm 1934-1935, phong trào cách mạng ở Tây Ninh dần khôi phục trở lại do đồng chí Lên (Tư Địa) là cán bộ Liên Tỉnh uỷ đến rừng Bàu Sen, Bàu Dài (thuộc huyện Dương Minh Châu ngày nay) hoạt động tuyên truyền, giác ngộ quần chúng. Từ đây, đồng chí Lên chuyển lên vùng Quán Cơm (nay thuộc Phường I, Thị xã Tây Ninh), trụ lại một thời gian rồi mở rộng phạm vi hoạt động ra các xã Ninh Thạnh,Thái Bình, Thanh Điền. Qua quá trình tuyên truyền vận động cách mạng, đồng chí Lên đã lựa chọn và kết nạp vào Đảng một số đồng chí, như: Nguyễn Văn Chấn, Nguyễn Văn Dú, Huỳnh Văn Sự, Trần Văn Đẩu, Trần Văn Mạnh, Nguyễn Văn Giang…hình thành cơ sở Đảng ở Quán Cơm. Về sau, đồng chí Lên đến hoạt động vùng Cẩm Giang (Gò Dầu), Đôn Thuận (Trảng Bàng) và kết nạp thêm đồng chí Xuyến.

Qua cao trào cách mạng 1930- 1931 và Xô Viết Nghệ Tỉnh, Đảng thấy rõ hơn vai trò của Mặt trận Dân tộc thống nhất chống đế quốc ở Đông Dương, ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị thành lập Hội phản đế đồng minh nhằm tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, các thành phần dân cư, các giới và tổ chức đoàn thể vào Hội để đấu tranh vì mục tiêu chung là quyền lợi của dân tộc.

Đến năm 1935, phong trào cách mạng dần dần được khôi phục, nhưng hoạt động chủ yếu vẫn là tuyên truyền về sự khổ nhục của người dân mất nước, phải sống cảnh đời nô lệ, vạch trần sự áp bức, bóc lột của bọn thống trị và tay sai của địa phương, kêu gọi quần chúng đứng vào hàng ngũ đấu tranh để giải phóng mình, giành lại quyền sống tự do, giành lại cơm áo và ruộng đất.

Trong khi đó tình hình thế giới có nhiều chuyển biến, Chủ nghĩa phát xít ra đời, đe dọa hòa bình thế giới. Trong hoàn cảnh đó, Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 7 (7- 1935) tổ chức tại Mát-cơ-va (Liên Xô) đề ra chủ trương thành lập Mặt trận Bình dân ở các nước, tập hợp rộng rãi các lực lượng dân chủ đấu tranh chống phát xít và nguy cơ chiến tranh.

Tháng 4-1936, Mặt trận Bình dân Pháp có Đảng Cộng sản Pháp tham gia làm nòng cốt giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyền cử và lập ra Chính phủ Mặt trận Bình dân có xu hướng chính trị tiến bộ, ban hành một số quyền tự do dân chủ tại các nước thuộc địa.

Trước tình hình đó, Đảng Cộng sản Đông Dương mở Hội nghị Trương ương lần thứ nhất ở Thượng Hải (Trung Quốc) bàn chủ trương và đường lối đấu tranh cách mạng trong giai đoạn mới. Hội nghị nhận định rằng: kẻ thù cụ thể trước mắt của nhân dân Đông Dương lúc này chưa phải là thực dân Pháp nói chung, mà là bọn phản động thuộc địa Pháp và bọn tay sai không chịu thi hành các chính sách của Mặt trận Bình dân Pháp ở các nước thuộc địa. Từ đó quyết định nhiệm vụ trước mắt của nhân dân Đông Dương là: “chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc, chống bọn phản động thuộc địa và tay sai, đòi tự do dân chủ, cơm áo và hòa bình”. Để thực hiện nhiệm vụ đó, Hội nghị thành lập “Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương” (tháng 3-1938 đổi thành Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương), nhằm tập hợp mọi lực lượng bao gồm các giai cấp, các đảng phái, các đoàn thể chính trị, các tôn giáo, các dân tộc ở toàn xứ Đông Dương cùng nhau đấu tranh giành tự do dân chủ, cải thiện dân sinh, chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình.

Tháng 6-1936, chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền đã ảnh hưởng đến tình hình chính trị ở Đông Dương. Bọn thực dân Pháp ở Đông Dương cũng phải nới rộng một số quyền tự do, dân chủ cho nhân dân. Phong trào quần chúng hoạt động công khai phát triển rầm rộ khắp nơi. Tại Tây Ninh, phong trào cách mạng được nhen nhóm trở lại đấu tranh công khai, hợp pháp. Nổi bật là nhóm thanh niên ở Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng), gồm các anh Lê Văn Vẳng, Dương Quang Thạnh và Bùi Văn Ngỡi được sự chỉ đạo của Tổng uỷ Cầu An Thượng (thuộc Quận uỷ Đức Hòa- Long An ngày nay) đã đứng ra thành lập Hội ái hữu, giúp nhau cày cấy, lo liệu ma chay, đám cưới, đám giỗ, ốm đau, túng thiếu…Hội phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều thanh niên vào làm việc nghĩa và được quần chúng đồng tình ủng hộ. Riêng tại ấp Phước Hưng (xã Phước Chỉ), Hội ái hữu có hàng trăm hội viên hoạt động công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp. Ở chợ Rạch Tràm, hình thành các nhóm xin giảm thuế được đông đảo quần chúng đồng tình ủng hộ. Năm 1938, phong trào quần chúng hoạt động công khai khá mạnh, đủ điều kiện tiến tới thành lập một Ủy ban hành động, đặt trụ sở tại chợ Rạch Tràm. Việc thành lập Ủy ban hành động là hình thức sơ khai của Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương trong điều kiện đấu tranh mới. Ủy ban hành động cử người đi Sài Gòn mua các tờ báo công khai như: báo Tranh Đấu, báo Dân Chúng về phổ biến rộng rãi trong quần chúng bằng hình thức tổ chức các buổi đọc báo tập thể.

Trước sự phát triển của phong trào dân chủ, bọn thống trị ở địa phương phải lo sợ tìm cách ngăn chặn. Tháng 6-1938, chúng cho tên Quản Điểm đem lính từ thị xã Tây Ninh về đóng đồn ở Rạch Tràm và cấm không cho tụ họp quá 20 người. Trước tình hình đó, Ủy ban hành động tổ chức từng đợt khoảng 18-19 người vào phòng họp nghe đọc báo.

Tháng 8-1938, Renoux, Tỉnh trưởng Tây Ninh, phải trực tiếp đến chợ Rạch Tràm tổ chức một cuộc diễn thuyết trước quần chúng. Ủy ban hành động vận động hàng trăm quần chúng đến nghe Renoux diễn thuyết, rồi nhân đó chuyển thành cuộc đấu tranh đưa yêu sách đòi giảm thuế. Các anh Lê Văn Vẳng, Bùi Quang Ngỡi, Dương Quang Thanh nhân danh những người tham dự đưa yêu sách xin giảm thuế lên tỉnh trưởng. Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, tên tỉnh trưởng Renoux phải nhận bản yêu sách và hứa sẽ báo cáo lên Thống đốc Nam kỳ, xem xét giải quyết. Cuộc đấu tranh của quần chúng giành thắng lợi bước đầu.

Sau cuộc đấu tranh này, các anh Lê Văn Vẳng, Bùi Quang Ngỡi, Dương Quang Thạnh được Tổng uỷ Cầu An Thượng kết nạp vào Đảng, hình thành cơ sở đảng vùng Phước Chỉ.

Cũng trong cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, ngày 21-9-1939, đồng chí Trần Văn Mạnh vận động tổ chức trên 200 công nhân sở cao su Franchini (xã Thái Bình, Châu Thành) đấu tranh đòi cung cấp nước nóng cho công nhân uống lúc làm việc  và trả lương tháng trước, phản đối đánh đập, v.v… Cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đến năm 1939 ánh sáng của Đảng đến với Tây Ninh, qua phong trào cách mạng, Đảng đã bồi dưỡng, đào tạo được đội ngũ cốt cán là người địa phương và hình thành các cơ sở Đảng ở Giồng Nần, Quán Cơm, Phước Chỉ. Các cơ sở Đảng đã tập hợp rộng rãi quần chúng và lãnh đạo quần chúng đứng lên đấu tranh để giải phóng mình, giành lại quyền sống, quyền tự do, góp phần xứng đáng vào phong trào chung của cả nước.

Ngày 1-9-1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Ngay khi chiến tranh nổ ra, tại Pháp, Chính phủ phản động Đa-la-đi-ê lên cầm quyền thay thế Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp đã đi vào con đường phát xít hoá, giải tán Đảng Cộng sản Pháp, thủ tiêu luật xã hội, huỷ bỏ các quyền tự do dân chủ. Lợi dụng tình hình đó, bọn cầm quyền Pháp ở Đông Dương thẳng tay đàn áp phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Tại tỉnh Tây Ninh, tên Tỉnh trưởng Renoux ra lệnh giải tán các tổ chức dân chủ ở Phước Chỉ và Châu Thành, bắt các đồng chí Bùi Quang Ngỡi, Lê Văn Vẳng, Dương Quang Thạnh và Trần Văn Mạnh. Sau 15 ngày bị giam cầm và tra tấn, chúng không khai thác được gì nên phải thả các đồng chí. Phong trào Mặt trận dân chủ trong tỉnh bị dập tắt. Tuy vậy, với những hình thức tổ chức đơn giản như vạn cấy, cúng miễu, cúng đình…Đảng đã tuyên truyền vận động, đoàn kết được hàng ngàn quần chúng. Đường lối của Đảng được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, uy tín và ảnh hưởng của Đảng lan rộng. Vai trò của Mặt trận tiếp tục phát huy ở những giai đoạn cách mạng sau.

Trước sự chuyển biến của tình hình trong nước và thế giới, tháng 11-1939, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ sáu tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định) đề ra chủ trương: Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để tranh lấy giải phóng dân tộc. Để tập trung mọi lực lượng của dân tộc vào nhiệm vụ chủ yếu là chống chiến tranh đế quốc và ách thống trị của phát xít thuộc địa, Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ không còn thích hợp; tạm gác lại khẩu hiệu cách mạng ruộng đất và thay bằng chính sách chỉ tịch thu ruộng đất của đế quốc và những địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc; thay khẩu hiệu lập chính quyền Xô Viết công nông bằng khẩu hiệu lập chính phủ liên bang cộng hoà dân chủ Đông Dương. Đây là nội dung chuyển hướng chỉ đạo chiến lược quan trọng của Đảng thể hiện sự nhạy bén về chính trị và sự sáng tạo trong lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương[22].

Cho đến thời gian này, tỉnh Tây Ninh chưa có Đảng bộ chính thức, nên các đảng viên không được học nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 11- 1939). Nhưng nhờ liên lạc với tổ chức Đảng ở Đức Hoà (qua cơ sở Đảng ở Phước Chỉ), Gia Định, Thủ Dầu Một (qua đồng chí Lên, cán bộ Liên Tỉnh uỷ), các đảng viên ở Tây Ninh kịp thời chuyển hướng hoạt động, rút vào bí mật, thành lập các tổ chức Nông hội đỏ, phân tán theo từng nhóm nhỏ từ 3 đến 5 người, chuẩn bị lực lượng quần chúng, chờ thời cơ nổi dậy hương ứng cuộc khởi nghĩa.

Trong khi Đảng bộ và nhân dân Nam kỳ đang chuẩn bị khởi nghĩa, tháng 9- 1940, phát xít Nhật nhân cơ hội Chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức (6-1940) cho quân vượt biên giới Việt- Trung đánh vào Lạng Sơn, đồng thời cho quân đổ bộ vào Đồ Sơn. Sau vài trận thử sức, quân Pháp mau chóng đầu hàng, dâng Đông Dương cho phát xít Nhật, nhân dân Đông Dương lâm vào cảnh “một cổ hai tròng”. Cuộc sống vốn đã cơ cực lại càng thêm cơ cực hơn vì thuế khoá tăng vọt, tô tức nặng nề… Song nhân dân Việt Nam không chịu khuất phục, ngày 27-9-1940, nhân dân ở Bắc Sơn đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Tình hình này đã thổi bùng thêm ý chí Khởi nghĩa ở Nam kỳ, Xứ uỷ Nam kỳ mở Hội nghị tại Xuân Thới Đông (nay thuộc xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh) quyết định khởi nghĩa. Ngày 20-11-1940, lệnh khởi nghĩa được gởi đi các nơi với quyết định toàn Xứ đồng loạt khởi nghĩa vào đêm 23-11-1940.

Tây Ninh nhận lệnh từ Đức Hoà, các đồng chí đảng viên ở Phước Chỉ mở cuộc họp chi bộ[23], gồm các đồng chí Lê Văn  Vẳng , Bí thư chi bộ, Bùi Quang Ngỡi, Trần Quang Thanh và Thân Văn Củ tại khu rừng cấm ở ấp Phước Hưng (xã Phước Chỉ). Đồng chí Lê Văn Vẳng, Bí thư chi bộ phổ biến lệnh khởi nghĩa và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận. Đêm 23-11-1940, nhận được lệnh hành động, các đồng chí huy động lực lượng Nông hội đỏ đào phá các đoạn đường xung yếu vào chợ Rạch Tràm, chặt đứt dây cáp chiếc xà lan làm phà qua sông; huy động lực lượng thanh niên vũ trang  bằng giáo mác sẵn sàng bao vây chiếm bót cảnh sát ở chợ Rạch Tràm. Mọi việc đang diễn ra khẩn trương thì khoảng nửa đêm có lệnh báo cuộc khởi nghĩa bị lộ, địch đang đàn áp phong trào, phải phân tán ngay lực lượng và có kế hoạch né tránh để đề phòng địch khủng bố trắng.

Ở Phước Trạch (Gò Dầu), đồng chí Đoàn Văn Tùng lãnh đạo một nhóm quần chúng đốn cây sao cặp quốc lộ 22 để ngăn đường tiến quân của quân Pháp một khi cuộc khởi nghĩa nổ ra.

Ở phía Bắc thị xã, các đảng viên của cơ sở đảng ở Quán Cơm cũng nhận được lệnh chuẩn bị khởi nghĩa (qua đồng chí Chín là liên lạc của Xứ uỷ), các đồng chí tổ chức một đội du kích gồm một số anh em phu cao su, chuẩn bị cờ Đảng, vũ khí (giáo, mác), ghi tên bọn hội tề có súng khi khởi nghĩa nổ ra. Đêm 22-11-1940, các đồng chí họp bàn kế hoạch cụ thể, sẵn sàng hành động khi có lệnh, nhưng sau đó có lệnh tạm ngừng khởi nghĩa. Tại đây, tên Hương chánh Cây tố giác với bọn Pháp, anh em hay tin phải phân tán, tạm lánh lên biên giới Campuchia.

Ở vùng Giai Hoá, các đảng viên ở cơ sở đảng ở Giồng Nần cũng chuẩn bị khởi nghĩa, nhưng vì liên lạc khó khăn, nên khi biết tin khởi nghĩa đã chậm.

Tại Tây Ninh, công tác chuẩn bị khởi nghĩa được tiến hành ráo riết, đến giờ phát lệnh là nổi dậy. Nhưng ở Sài Gòn, cuộc khởi nghĩa đã bị lộ từ trước do gián điệp của Pháp chui vào tổ chức của ta. Giặc Pháp kịp thời thông báo đi các nơi, ra lệnh đề phòng, ngăn chặn và sẵn sàng đàn áp. Ở chợ Rạch Tràm, địch cho tập trung một trung đội lính lê dương tiến hành lùng sục và nửa đêm kéo vào xóm phóng lửa đốt nhà của một số anh em tham gia việc chuẩn bị khởi nghĩa.Hôm sau, chúng cho tàu thuỷ từ Sài Gòn lên, chạy dọc theo bờ sông, bắn súng lớn vào đồng ruộng, uy hiếp tinh thần quần chúng và đưa thêm lính mã tà đến đóng đồn tại chợ Rạch Tràm. Bọn này tiếp tục lùng sục và theo dõi tình hình vùng này. Nhờ có sự đề phòng, nên khi cuộc khởi nghĩa thất bại, anh em nòng cốt đều vô sự, địch chỉ bắt được anh Liệu trong tổ chức Hội Ái hữu.

Tại Giồng Nần, các đồng chí Trương Văn Chẩn và Trương Văn Phú bị địch bắt với đầy đủ tài liệu chuẩn bị khởi nghĩa. Ngày 04-2-1941, hai đồng chí ra Tòa Đại hình của Pháp và bị kêu án tù 5 năm, 5 năm biệt xứ, đày đi Côn đảo. Đồng chí Trương Văn Chẩn hy sinh ngày 29-8-1942; đồng chí Trương Văn Phú hy sinh ngày 23-10-1942.  

Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, thực dân Pháp đàn áp khốc liệt. Trước tình hình đó, các đảng viên phải chuyển vùng công tác hoặc tạm ngừng hoạt động để bảo vệ các cơ sở mật của Đảng. Phong trào cách mạng toàn tỉnh tạm thời lắng xuống, hoạt động của các cơ sở đảng chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau,đồng thời cũng chưa liên lạc thường xuyên với cấp trên. Đây là vấn đề hết sức khó khăn của Tây Ninh, nhưng các đảng viên vẫn ngấm ngầm hoạt động để lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng, chờ thời cơ đứng lên đấu tranh mạnh mẽ hơn.

Sau khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, nhờ có địa thế rừng, Tây Ninh lại trở thành nơi ẩn náu của lực lượng cách mạng của các địa phương khác. Một cánh quân khởi nghĩa của Gia Định rút lên vùng Truông Mít (thuộc huyện Dương Minh Châu ngày nay), dựa vào thế rừng để duy trì lực lượng. Sau đó, thực dân Pháp phát hiện, tập trung quân tấn công, do tương quan lực lượng không cân sức, nghĩa quân rút xuống Đôn Thuận (huyện Trảng Bàng), Địch bủa vây truy kích, nghĩa quân rút về Lộc Hưng. Từ đó, nghĩa quân phân tán thành nhiều nhóm nhỏ rút về Đồng Tháp Mười.

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, bị địch dìm trong biển máu vì nổ ra chưa đúng lúc, điều kiện cách mạng chưa chín muồi. Nhưng cuộc khởi nghĩa đã nêu cao quyết tâm chống đế quốc, giành độc lập, tự do,nêu cao khí thế cách mạng của nhân dân Nam Kỳ nói chung, nhân dân Tây Ninh nói riêng. Khởi nghĩa Nam Kỳ đã gây tiếng vang lớn, cổ vũ tinh thần yêu nước của đồng bào trong cả nước. Đây là cuộc tập dượt vô vùng anh dũng chuẩn bị cho cuộc Cách mạngTháng Tám năm 1945 thành công.

  1. BAN CÁN SỰ ĐẢNG TỈNH (TỈNH UỶ) THÀNH LẬP, LÃNH ĐẠO MẶT TRẬN VIỆT MINH VÀ THANH NIÊN TIỀN PHONG VẬN ĐỘNG NHÂN DÂN TIẾN LÊN KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN (1941-1945)

Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, phong trào cách mạng Tây Ninh tạm thời lắng xuống, chủ yếu là để bảo vệ lưc lượng, bảo vệ cơ sở mật và tiến hành tuyên truyền cách mạng trong quần chúng. Trong khi đó, phát xít Nhật có sự hỗ trợ của thực dân Pháp thi hành chính sách cai trị hà khắc và ra sức vơ vét về kinh tế để phục vụ cho cuộc chiến tranh phát xít. Phát xít Nhật cho lập nhà kho ở khắp nơi, tiến hành thu mua các loại nông sản với giá rẻ mạt làm cho đời sống nhân dân càng thêm cơ cực.

Sau khi chiếm Đông Dương, phát xít Nhật đưa ra thuyết “ Đại Đông Á”, “ đồng chủng, đồng văn” kết hợp với việc phô trương thực lực, bọn chúng đã mê hoặc được một số người. Trong đó có một số chức sắc cao cấp đạo Cao Đài thân Nhật cho rằng cơ hội phất lên về thanh thế chính trị đã đến. Họ đưa thanh niên đạo Cao Đài đi lính cho Nhật[24].

Giữa lúc phong trào cách mạng ở Việt Nam gặp khó khăn, ngày 8-2-1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc bí mật về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Sau một thời gian chuẩn bị, từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941, Hội nghị Ban  Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 tại rừng Khuổi Nậm ( Pắc Bó), do đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đại biểu của Quốc tế Cộng sản, chủ trì. Hội nghị đã phát triển và hoàn chỉnh các nghị quyết của Trung ương Đảng về vấn đề giải phóng dân tộc, và khẳng định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng là giải phóng dân tộc.

Về vấn đề Mặt trận dân tộc thống nhất, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh thay cho Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương. Việc thành lập Mặt trận Việt Minh là nhằm “ liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”. Do đó, lực lượng gia nhập Mặt trận Việt Minh là các đoàn thể cứu quốc, như: Đoàn Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội Nông dân cứu quốc.

Ngày 25-10-1941, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh công bố Tuyên ngôn, Điều lệ, Chương trình Việt Minh.

Tuyên bố của Việt Minh nói rõ: “Nguy cơ diệt vong đã bày ra trước mắt. Hiện thời chúng ta chỉ có một con đường mưu sống là đoàn kết thống nhất, đánh đuổi Nhật- Pháp, trừ khử Việt gian.

Mở con đường sống ấy cho đồng bào, Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) ra đời, chào các bạn”[25].

Trong khi đó, ở Tây Ninh, hệ thống tổ chức Đảng chưa được củng cố, việc liên lạc với cấp trên bị hạn chế, không nhận được Chương trình Việt Minh một cách đầy đủ và kịp thời. Nhưng do diễn biến của thời cuộc, các đảng viên hoạt động ở tỉnh đã chủ động tập hợp quần chúng, chuẩn bị lực lượng và triển khai một số hoạt động.

Ở vùng Quán Cơm, các đảng viên biết được chủ trương tổ chức Hội cứu quốc, nhưng vì chưa nắm được cụ thể Chương trình Việt Minh, nên còn hoạt động lúng túng. Các đồng chí vẫn vận  động quần chúng nông dân theo tinh thần của tổ chức Nông hội đỏ như trước đây.

Ở vùng Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng), đồng chí Bùi Quang Ngỡi liên lạc với Tổng uỷ Cầu An Thượng, nhận chỉ thị trở về xã móc nối lại các cơ sở cũ, vận động nhân dân không đi lính, không làm xâu cho phát xít Nhật, tuyên truyền vạch trần thuyết “ Đại Đông Á”, “ đồng văn, đồng chủng”, luận điệu mị dân của bọn tay sai thân Nhật trong tôn giáo Cao Đài. Sau đó, đồng chí Lê Văn Vẳng liên lạc với quận uỷ Đức Hoà, nhận Chương trình Việt Minh, tổ chức “ Nông hội đỏ” được  chuyển thành các tổ chức theo giới: Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc. Phong trào cách mạng của quần chúng ở Phước Chỉ được khôi phục và phát triển nhanh chóng.

Tháng 9-1944, đồng chí Huỳnh Văn Thanh[26] liên lạc được với Xứ uỷ và cùng với vợ là đồng chí Mỹ Lan đem Chương trình Việt Minh về Tây Ninh phổ biến. Hai đồng chí ở nhà đồng chí Nguyễn Trí Túc, móc nối lại các cơ sở đảng và các đảng viên hoạt động lẻ. Sau đó, đồng chí Huỳnh Văn Thanh tổ chức cuộc họp tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Chấn ở Quán Cơm, thông báo tình hình thời sự trong nước và quốc tế, phổ biến chỉ thị của Xứ uỷ và phân công trách nhiệm, phân vùng hoạt động cho các đảng viên. Từ đó, đảng viên hoạt động có tổ chức và thành lập Ban Cán sự Đảng tỉnh ( tương đương Tỉnh uỷ). Đồng chí Huỳnh Văn Thanh là Trưởng Ban Cán sự Đảng tỉnh. Đây là

Công bố Danh sách trúng cử đại biểu HĐND tỉnh Tây Ninh khóa X nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Đồng chí 

VÕ ĐỨC TRONG

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh

 

Xem thêm
THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập26
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm23
  • Hôm nay449
  • Tháng hiện tại34,319
  • Tổng lượt truy cập462,157
Văn bản mới

64/MTTQ-BTT

V/v Lấy ý kiến góp ý dự thảo Quy chế hoạt động của Ủy ban, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh nhiệm kỳ 2024-2029

lượt xem: 48 | lượt tải:23

3539/MTTQ-BTT

Công văn hướng dẫn công tác hiệp thương của ban Công tác Mặt trận dự kiến danh sách người ứng cử Trưởng ấp, khu phố

lượt xem: 160 | lượt tải:91

272/QĐ-BTT-MTTQ

Quyết định về việc công bố công khai quyết toán ngân sách năm 2023 của cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh

lượt xem: 61 | lượt tải:47

52/HD-MTTQ-BTT

Hướng dẫn bầu Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng

lượt xem: 273 | lượt tải:158

04/QC-VKS-MTTQ

Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh với Ban Thường trực UỶ ban MTTQVN tỉnh Tây Ninh

lượt xem: 67 | lượt tải:33
Thư viện ảnh
pcd-2.jpg phuoc-dong-nha-tro-3-00-768x432.jpg
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây