GẮN VIỆC SỬ DỤNG CƠ SỞ VẬT CHẤT SAU ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CỦA TRƯỜNG CHUYÊN HOÀNG LÊ KHA VỚI NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY VÀ HỌC

Sau thời gian thực hiện giám định xã hội đối với Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (Trường chuyên HLK) tỉnh Tây Ninh, ngày 10 tháng 11 năm 2020, Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật tỉnh tổ chức buổi hội thảo về kết quả giám định xã hội đối với Trường chuyên. Với mong muốn góp phần làm sáng tỏ thêm một số nội dung của việc giám định xã hội thực hiện sau đầu tư xây dựng của nhà Trường, người viết với góc nhìn của mình, thiết nghĩ có một số vấn đề cần phải làm rõ, để làm tiền đề gắn đầu tư cơ sở vật chất với việc đạy và học trong Trường chuyên: Thứ nhất, hiện nay có cần phải duy trì trường chuyên hay không? Thứ hai, nếu cần có trường chuyên, thì có cần đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ để phục vụ cho việc dạy và học hay không và chất lượng đội ngũ giáo viên thế nào? Thứ ba, làm thế nào để phát huy tốt nhất hiệu quả của cơ sở vật chất sau đầu tư? Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp (Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND tỉnh), Sở Giáo dục-Đào tạo (Sở GD-ĐT) và của Ban Giám hiệu (BGH) Trường chuyên HLK? Giải pháp sắp tới là gì?

Vấn đề thứ nhất: Luật Giáo dục 2019, Điều 62, khoản 1: “Trường chuyên được thành lập ở cấp trung học phổ thông dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”. Bộ Giáo dục- Đào tạo (Bộ GD&ĐT) đã triển khai Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông (THPT) chuyên giai đoạn 2010-2020, nói rõ mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có một hoặc một số trường chuyên là cần thiết.

Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha được thành lập theo quyết định số 51/QĐ-UB ngày 12 tháng 7 năm 1994 của UBND tỉnh Tây Ninh. Qua hơn 25 năm hoạt động, nhà trường đã thu hút hầu hết học sinh ưu tú của các địa phương trong tỉnh về học, để từ đó cung cấp kiến thức phổ thông chuyên sâu. Quá trình và phương thức đào tạo đó, hầu hết các em đã vào các trường đại học có chất lượng và cung cấp không những cho tỉnh Tây Ninh, mà còn cho cả nước, cho xã hội hàng ngàn con người là những kỹ sư, bác sỹ, những người có trình độ chuyên môn trong các lĩnh vực. Có thể nói họ là một nguồn nhân lực chất lượng cao thực sự.

Vấn đề thứ hai: Nếu cần có trường chuyên, vậy có cần đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ để phục vụ cho việc dạy và học hay không?

Khoản 2, Điều 62, Luật Giáo dục 2019 quy định: “Nhà nước ưu tiên bố trí giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị và ngân sách cho trường chuyên, trường năng khiếu do Nhà nước thành lập; có chính sách ưu đãi đối với trường năng khiếu do tổ chức, cá nhân thành lập”. Ở Tây Ninh, Đảng bộ và UBND tỉnh rất quan tâm đến Trường chuyên của tỉnh. Vì vậy mà cơ sở vật chất cũng đã được quan tâm đầu tư tương xứng, cụ thể:

Về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. từ lúc thành lập, trường có diện tích khoảng gần 1 ha tại địa chỉ số 23 (số cũ: 21) đường Võ Thị Sáu, phường 3, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, tuy chật hẹp, nhưng điều kiện cơ sở vật chất cũng được quan tâm đầu tư đáp ứng được yêu cầu, đến tháng 8/2018 thì trường xây dựng cơ sở mới, có diện tích rộng hơn 3 ha, tại địa chỉ số 368 đường Trường Chinh, phường 3, thành phố Tây Ninh, với trang thiết bị tương đối đầy đủ, hiện đại đáp ứng được yêu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh các lớp chuyên[1].

Về đội ngũ cán bộ, giáo viên: Theo nội dung nêu tại chương II, điều 8, mục b của Thông tư số 20/VBHN-BGDĐT ngày 30/5/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đề án thành lập trường chuyên tỉnh xác định phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường nhằm đạt được mục tiêu, nhiệm vụ của trường chuyên theo quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra; trong đó mục tiêu sau 5 năm thành lập phải có ít nhất 40% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ chuyên môn được đào tạo từ thạc sĩ trở lên, không kể giáo viên thỉnh giảng: tính đến tháng 9 /2020, trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha có 02/02 cán bộ quản lý đạt trình độ thạc sĩ (tỷ lệ 100%), 33/60 giáo viên đạt trình độ thạc sĩ (tỷ lệ 55%), các giáo viên còn lại tuy không là thạc sỹ, nhưng đều là những giáo viên có chuyên môn, tay nghề cao.

Từ việc được đầu tư cơ sở vật chất tốt, cũng như đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được tuyển chọn kỹ lưỡng nên chất lượng dạy và học của nhà trường từ khi thành lập đến nay là niềm vinh dự và tự hào của tỉnh nói chung và của phụ huynh và học sinh có con em theo học. Đến nay thì đã có hàng ngàn con em của chúng ta từ Trường Chuyên đã vào học ở các trường đại học có chất lượng và ra trường làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng – nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT phát biểu tham luận

Vấn đề thứ ba: Bên cạnh những mặt được, việc đầu tư cơ sở vật chất và việc quản lý, phát huy cũng như vận dụng các quy định của pháp luật để đầu tư, kích thích, thúc đẩy nó phát triển lên tầm cao mới vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, như về cơ sở vật chất: trường chưa có hội trường (hoặc giảng đường), một số phòng chức năng theo quy định đê phục vụ học tập và giảng dạy chưa thật sự đạt yêu cầu; về vận dụng cơ chế, chính sách, chế độ để phát huy năng lực, chất xám của đội ngũ cán bộ, giáo viên trong trường, như: tạo điều kiện kinh phí mời các chuyên gia giỏi trao đổi, cập nhật kiến thức, phương pháp giảng dạy cho giáo viên, bồi dưỡng cho học sinh; tổ chức học tập kinh nghiệm các mô hình hay vẫn còn khá khiêm tốn, hay nói thẳng là chưa làm được. Việc gắn cơ sở vật chất sẳn có (phần tĩnh) với nguồn lực giáo viên (phần động) để cung cấp cho học sinh những kiến thức tốt nhất, chất lượng đạy và học của trường từ đó cũng chưa được phát huy. Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước  các cấp (UBND tỉnh, Sở GD-ĐT) và của BGH Trường chuyên HLK là có nhưng chưa đủ lớn để giúp trường chuyên đạt hiệu quả cao nhất? Về vấn đề này thiết nghĩ cần phải có sự quan tâm với những giải pháp và bước đi cụ thể trong thời gian tới. Vậy những giải pháp và bước đi cụ thể cần quan tâm như sau:

 Một là: Về cơ sở vật chất, phải khai thác tối đa cơ sở vật chất hiện có, vì cơ sở vật chất nhà trường mới đưa vào sử dụng (2018) nên chưa thể có đánh giá toàn diện cơ sở vật chất vừa được trang bị mang lại hiệu quả như thế nào, có tương thích 100% với việc dạy và học của trường, cần phải có thêm thời gian để chứng minh. Với việc nhà trường có nhiều phòng, nhiều trang thiết bị được trang bị mới, chúng ta cần phải khai thác tối đa, để đem lại hiệu quả cao nhất. Bản thân Ban giám hiệu và thầy cô nhà trường là người chủ động vấn đề này. Song song đó, những nhu cầu cơ sở vật chất còn thiếu cần rà soát tiếp tục kiến nghị bổ sung đủ theo quy định pháp luật. Điều 7, Thông tư số 20/VBHN-BGDĐT, ngày 30/5/2014, quy định rõ về tài sản trường chuyên[2]. Khoản 2; Điều 62, Luật Giáo dục 2019 quy định: “2. Nhà nước ưu tiên bố trí giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị và ngân sách cho trường chuyên, trường năng khiếu do Nhà nước thành lập; …”.

Hai là: Về cơ chế chính sách, cần vận dụng cơ chế, chính sách, theo cách Nhà nước hỗ trợ thêm kinh phí theo quy định pháp luật cho phép, nhà trường xây dựng quy chế chi tiêu phù hợp. Khoản 5, Điều 5. Thông tư số 20/VBHN-BGDĐT, ngày 30/5/2014, quy định chính sách đầu tư các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục: “5. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), cơ sở giáo dục đại học có trường chuyên có thể quy định bổ sung chính sách ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, chế độ ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh trường chuyên và tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy môn chuyên được đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ở trong nước, nước ngoài”. Tại sao ta không sử dụng sự “có thể” này vào trường chuyên Tây Ninh. Đây cũng là điều kiện để nâng cao chất lượng và hiệu quả sau đầu tư (chất lượng đào tạo của Trường chuyên trong 10 năm qua hầu như không có sự thay đổi, một ví dụ cụ thể như số lượng học sinh giỏi vòng tỉnh của Trường so với toàn tỉnh[3]).

Ba là: Cần thực hiện tốt 3 chủ động, trong đó nhà trường chủ động nghiên cứu thực hiện các chế độ quy định và cái sẳn có ( cơ sở vật chất) một cách đầy đủ và hiệu quả nhất, Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh cần chủ động trong chỉ đạo hoạt động, đề xuất tham mưu với UBND tỉnh gỡ khó và tạo mọi điều kiện có thể mà các văn bản pháp luật nêu, UBND tỉnh chủ động quan tâm định kỳ làm việc với hệ thống trường THPT và trường chuyên để thúc đẩy công tác giáo dục phổ thông chuẩn bị đà cho con em bước vào môi trường mới, nguồn nhân lực chất lượng cao của tương lai. Bên cạnh đó, nâng tầm trường chuyên tỉnh là cơ sở giáo dục đầu tàu, có trách nhiệm phổ biến, trao đổi các phương pháp giảng dạy lý thuyết và thực hành, mô hình quản lý học sinh  hay cho các trường THPT trong tỉnh.

Bốn là:  Mạnh dạn liên kết với các trung tâm nghiên cứu của các sở ngành tỉnh như: Sở Khoa học-Công nghệ, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Sở Công thương… để học sinh có điều kiện tiếp cận giữa học và hành, để các em chủ động phát triển tư duy, nâng tầm nhận thức.

Năm là: Đề nghị Sở Giáo dục- Đào tạo cần chủ động đánh giá về mô hình hoạt động của trường chuyên trên địa bàn tỉnh, nếu được có thể mở rộng Trường chuyên HLK thu nhiều học sinh giỏi vào học hoặc mở thêm cơ sở mới, làm cơ sở vừa góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự nghiệp CNH-HĐH tỉnh nhà, vừa đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của người dân Tây Ninh.

Với góc độ chủ quan như trên và mong muốn con em Tây Ninh có những ngôi trường THPT đào tạo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu học tập và sánh ngang với chất lượng đào tạo của nhiều địa phương khác trong cả nước; tạo nền tảng đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, thúc đẩy tỉnh Tây Ninh phát triển nhanh và bền vững trong những năm sắp tới.

                                                                             NGUYÊN KHÔI

 

[1] + Khu hiệu bộ gồm có 24 phòng với 3 tầng (tầng 1 có 1 phòng Phó Hiệu trưởng, 1 phòng họp nhỏ, 1 phòng hành chính, 1 phòng kế toán – thủ quỹ, 1 phòng y tế, 1 phòng quản lý học sinh – tiếp dân, 1 phòng Đoàn thanh niên, 1 phòng nghỉ GV; tầng 2 có 1 phòng Hiệu trưởng, 1 phòng Truyền thống, 1 phòng khảo thí, 1 phòng chi bộ – công đoàn, 1 thư viện; tầng 3 có 1 phòng họp lớn, 9 phòng tổ bộ môn). Mỗi tầng có khu vệ sinh nam nữ riêng.

+ Khu dãy A gồm có 12 phòng với 3 tầng, trong đó có 1 phòng làm kho chứa dụng cụ, 11 phòng còn lại làm phòng bồi dưỡng học sinh giỏi. Mỗi tầng có khu vệ sinh nam nữ riêng.

+ Khu dãy B gồm 30 phòng học với 3 tầng, trong đó có 27 phòng dành cho 27 lớp học (mỗi tầng tương ứng với 1 khối lớp học, cụ thể năm học 2019-2020 khối 10 có 319 học sinh/9 lớp, khối 11 có 314 học sinh/9 lớp, khối 12 có 314 học sinh/9 lớp), 3 phòng máy vi tính (mỗi tầng 1 phòng). Mỗi tầng có khu vệ sinh nam nữ riêng ở 2 đầu dãy.

+ Khu dãy C gồm 09 phòng với 3 tầng, trong đó có 02 phòng thực hành môn Vật lí, 02 phòng thực hành môn Hóa học, 02 phòng thực hành môn Sinh học, 02 phòng ngoại ngữ, 01 phòng công nghệ. Mỗi tầng có khu vệ sinh nam nữ riêng.

+ 01 nhà thi đấu đa năng, trong đó có sân tập, 1 phòng để dụng cụ, 2 phòng thay đồ, khu vệ sinh nam nữ riêng. Có 1 sân bóng đá mini ở bên ngoài.

+ 01 nhà ăn gần khu nội trú.

+ 01 khu nội trú nam gồm 01 phòng quản lý, 01 phòng sinh hoạt chung và 11 phòng ở (mỗi phòng ở được 8 học sinh).

+ 01 khu nội trú nữ gồm 01 phòng quản lý, 01 phòng sinh hoạt chung và 11 phòng ở (mỗi phòng ở được 8 học sinh).

+ Ngoài ra, còn có hệ thống hàng rào xung quanh trường, 2 nhà bảo vệ ở 2 cổng, khu vực tượng đài, nhà xe cho giáo viên và học sinh riêng, hệ thống phòng cháy chữa cháy, sân trường, cây xanh,…

[2] “ Trường chuyên được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị như các trường THPT theo quy định đối với trường chuẩn quốc gia, ngoài ra còn được đầu tư:

  1. Diện tích mặt bằng tối thiểu đạt 15 m2/học sinh.
  2. Hệ thống phòng học đạt tiêu chuẩn quy định, đủ để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
  3. Hệ thống phòng chức năng, phòng học bộ môn, thư viện đủ số lượng, đạt tiêu chuẩn với trang thiết bị hiện đại; có đủ sách, tài liệu tham khảo.
  4. Các thiết bị dạy học đồng bộ và hiện đại phục vụ việc giảng dạy, bồi dưỡng học sinh năng khiếu, nghiên cứu khoa học của giáo viên, học sinh.
  5. Ký túc xá, nhà ăn cho học sinh có nhu cầu nội trú.
  6. Nhà công vụ cho giáo viên.
  7. Sân vận động, nhà đa năng, bể bơi và một số thiết bị, dụng cụ thể thao khác”.

[3] Số học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh từ năm học 2010-2011 đến năm học 2019-2020: Lần lượt là:  63/115,                62/107,  57/119,  59/143,  63/123,  49/85,    3589,      57/149,  64/168,  61/….