Triển khai và hướng dẫn giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

Chiều 27.4, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai và hướng dẫn giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 42, ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. 

Chủ trì hội nghị gồm: Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Tham dự còn có ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Tại Hội trường Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, dự hội nghị của điểm cầu Tây Ninh có ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, ông Dương Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, lãnh đạo huyện Dương Minh Châu. Tỉnh cũng đã kết nối các điểm cầu tại Viettel tỉnh và các huyện, thị xã.

Hội nghị đã nghe đại diện lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quán triệt, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 42, ngày 9/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15, ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; đại diện Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam hướng dẫn giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chi trả hỗ trợ; lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quán triệt, hướng dẫn giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Đây là chính sách an sinh lớn chưa từng có tiền lệ với đối tượng thụ hưởng rộng. Cụ thể, có 7 nhóm đối tượng: hộ nghèo – cận nghèo, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh cá thể đảm bảo các điều kiện theo quy định sẽ được hưởng gói hỗ trợ lên đến 62.000 tỷ đồng.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Tây Ninh

Theo đó, hoạt động giám sát chủ yếu tập trung vào giám sát việc hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu/năm tạm ngừng kinh doanh từ 01/4/2020; hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội có quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, trong danh sách hưởng trợ cấp xã hội tháng 4 năm 2020; giám sát việc hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động, việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; giám sát việc hỗ trợ người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng (bao gồm cả thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động hằng tháng) trong danh sách hưởng trợ cấp tháng 4 năm 2020 (gọi tắt là người có công và gia đình chính sách)…

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khuyến khích các địa phương sử dụng dịch vụ công trực tuyến, chi trả theo hình thức chuyển khoản thông qua tài khoản ngân hàng của các đối tượng thụ hưởng hoặc theo hệ thống bưu điện. Đặc biệt, công đoàn cùng với các địa phương trong quá trình triển khai không để một số doanh nghiệp tranh thủ thời gian này tìm cách ngừng hợp đồng, gây khó khăn cho người lao động.

Việc thực hiện quá trình giám sát, ông Đào Ngọc Dung đề nghị Ủy ban Mặt trận các cấp, đoàn thể xã hội các cấp tham gia ngay từ đầu trong việc rà soát lên danh sách, chứ không chờ lập trong danh sách mới giám sát. Về phía Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ lập đường dây nóng và một trang điện tử để cập nhật giải đáp các vướng mắc của địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh: Nghị quyết 42 của Chính phủ có ý nghĩa quan trọng, nhằm chia sẻ khó khăn, đảm bảo cuộc sống của người dân, người lao động cả nước, góp phần ổn định xã hội. Khi triển khai thực hiện tại cơ sở, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức thành viên trong giám sát, nhằm phát hiện kịp thời, hạn chế và ngăn chặn các hành vi trục lợi, vi phạm trong thực hiện chính sách, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, giải pháp của Nhà nước về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo an sinh xã hội.

Đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để phản ánh kịp thời với cấp ủy, chính quyền; phát huy vai trò giám sát trực tiếp của người dân ở các địa bàn khu dân cư trong thực hiện chính sách an sinh của Đảng, Nhà nước.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn yêu cầu, cần công khai mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài truyền thanh, phát thanh, truyền hình, báo chí; niêm yết danh sách tại các địa điểm thuận lợi để nhân dân theo dõi, giám sát. Qua đó, cũng cần xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, nhất là ngành Lao động, Thương binh và Xã hội các cấp, của Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp, khu phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận, của Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.

MTTQ