Trận đánh Tua Hai- Phát pháo lệnh mở đầu cao trào Đồng khởi ở Nam bộ 

 

Sáng ngày 06.01.2020, tại Hội trường Tỉnh uỷ, Bộ Quốc phòng phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh uỷ Tây Ninh tổ chức hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề “Chiến thắng Tua Hai – Mở đầu cao trào Đồng khởi ở Nam bộ”.

Chủ trì buổi hội thảo có Thượng tướng Lê Chiêm- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ông Võ Văn Phuông- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Phạm Viết Thanh- Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa- Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Trung tướng Trần Hoài Trung- Chính uỷ Quân khu 7 và Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên- Viện trưởng Viện lịch sử quân sự Việt Nam.

 

Chủ trì hội thảo

 

Tham dự buổi hội thảo còn có nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, nguyên Phó Chủ tịch Nước Trương Mỹ Hoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng- Thượng tướng Nguyễn Thành Cung cùng các tướng lĩnh quân đội, nhân chứng lịch sử, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Tây Ninh.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm- Trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo cho biết, cách đây 60 năm, lực lượng vũ trang Liên Tỉnh uỷ miền Đông đã tổ chức trận tập kích căn cứ Tua Hai của quân đội Sài Gòn tại Tây Ninh và giành thắng lợi vang dội.

 

Một tiết mục văn nghệ chào mừng

 

Trận đánh là “phát pháo lệnh” mở đầu cao trào Đồng khởi ở miền Đông Nam bộ và toàn Miền năm 1960. Đồng thời Tua Hai là lần tiến công quân sự lớn nhất, đầu tiên của cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chiến thắng Tua Hai đã đi vào trang lịch sử hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tiêu biểu cho ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần cách mạng tiến công của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Thượng tướng Lê Chiêm cho biết thêm, thực hiện chủ trương của Xứ uỷ Nam Bộ, đêm 25 rạng sáng 26.1.1960, Ban Quân sự miền Đông sử dụng các đại đội bộ binh 59, 60 và 70, Đại đội đặc công 80 của bộ đội chủ lực miền Đông Nam bộ và 3 tiểu đội vũ trang tỉnh Tây Ninh tổ chức trận tập kích vào căn cứ Tua Hai- nơi đồn trú và chiếm đóng của Trung đoàn 32 thuộc Sư đoàn 21 quân đội Sài Gòn.

 

Thượng tướng Lê Chiêm, Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo

phát biểu khai mạc.

 

Sau hơn 20 phút chiến đấu, các lực lượng tham gia trận đánh đã hoàn toàn chiếm lĩnh và làm chủ căn cứ Tua Hai trong 3 giờ, diệt 76 tên, bắt giáo dục và thả tại chỗ hơn 400 tên địch, thu gần 1.500 súng các loại.

Phát huy chiến thắng trận Tua Hai, quân và dân Tây Ninh đã kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và binh vận, đẩy mạnh tiến công, bóc dỡ hơn 50% đồn bốt trong tỉnh, giải phóng hoàn toàn 24 xã, giải phóng cơ bản 19 xã.

Những thắng lợi đó góp phần khơi ngòi phong trào Đồng khởi ở miền Đông Nam bộ, cổ vũ nhân dân các tỉnh đồng bằng Nam bộ nổi dậy đấu tranh mạnh mẽ, dồn dập, liên tục, phá vỡ từng mảng lớn hệ thống kìm kẹp của chính quyền Sài Gòn ở nhiều vùng nông thôn miền Nam.

Thượng tướng Lê Chiêm khẳng định, lần đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ đang trong giai đoạn xây dựng, củng cố đã thực hiện một trận đánh giành thắng lợi lớn, hoàn thành mục tiêu về chính trị và quân sự do Xứ uỷ Nam Bộ đề ra.

Chiến thắng Tua Hai là một điển hình về sự kết hợp đấu tranh quân sự với binh – địch vận; khẳng định chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Trung ương; đồng thời, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ.

Cùng với ý nghĩa lịch sử này, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, chiến thắng Tua Hai là một trong những sự kiện lịch sử quan trọng trong phong trào Đồng khởi những năm 1959-1960, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng miền Nam.

Thắng lợi đó không những góp phần khẳng định tính đúng đắn trong chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng thông qua Nghị quyết Trung ương 15, mà còn là cơ sở để Đảng ta phát triển và hoàn thiện đường lối, phương thức, nghệ thuật đấu tranh cách mạng “hai chân, ba mũi”, trong đó đấu tranh vũ trang ngày càng chiếm vai trò quan trọng, quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

 

Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Viết Thanh phát biểu chào mừng

 

Đại tá, PGS.TS Hồ Sơn Đài khẳng định, thắng lợi cuộc tập kích Tua Hai nói riêng và phong trào Đồng khởi trên toàn miền Nam nói chung có một ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn. Đó là cuộc vùng lên với quy mô chưa từng có kể từ khi Hiệp định Genève được ký kết, đánh đòn chí tử vào chủ nghĩa thực dân đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn.  

Cuộc vùng lên làm đảo ngược tình thế và cán cân so sánh lực lượng trên toàn chiến trường miền Nam, buộc chúng từ chủ động tiến hành các chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” sang thế bị động đối phó với phong trào nổi dậy của quần chúng. Nó “đánh dấu một bước nhảy vọt quan trọng chuyển cách mạng miền Nam sang thế tiến công, phát triển cao trào cách mạng ra khắp miền với sự kết hợp cả hai tình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự”.

Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Viết Thanh chia sẻ, trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ uỷ Nam Bộ, Trung ương Cục, quân và dân Tây Ninh lập nhiều chiến công to lớn. Từ thắng lợi của trận Tua Hai – mở đầu cho phong trào Đồng khởi vũ trang ở Nam bộ, phong trào Quyết tử giữ Gò Dầu, vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn, đến những thắng lợi quan trọng đánh bại hàng loạt trận càn lớn của quân Mỹ và quân Sài Gòn như: Mastiff, Hattiesburg, Birmingham, Attenboro, Junction City.

Những thắng lợi quan trọng trên chiến trường Tây Ninh góp phần cùng cả nước lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, từ chiến lược “Chiến tranh một phía”, “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” đến chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Nguyễn Minh Triều, thắng lợi của trận Tua Hai mở ra thời kỳ phát triển mới cho cách mạng miền Nam, thời kỳ đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, chuyển cách mạng miền Nam từ thế đấu tranh chính trị giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, đẩy mạnh tiến công và tổng tiến công địch giành thắng lợi, hoàn thành sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Nguyễn Minh Triều nhấn mạnh, thời gian có thể qua đi, nhưng ý nghĩa và giá trị lịch sử của chiến thắng Tua Hai vẫn là bài học kinh nghiệm quý để giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của cha ông cho thế hệ hôm nay và mai sau.

 

Nguồn báo Tây Ninh online