TÂY NINH – 180 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

 

Vùng đất Tây Ninh trước thế kỷ XVI vẫn còn là một vùng hoang sơ, chưa được khai phá. Bắt đầu từ thế kỷ XVII, vùng đất Đồng Nai-Gia Định bắt đầu được khai phá, do sự đóng góp công sức của các nhóm người: Cộng đồng người Việt, người Khmer, người Hoa, người Chăm. Tây Ninh từ một vùng đất hoang sơ, toàn rừng rậm và nhiều thú dữ đã dần hình thành nên nhiều làng, ấp trù phú. Quá trình khai hoang, lập làng, dựng ấp đó gắn liền với công lao của các bậc tiền hiền, như: anh em Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản và Huỳnh Công Thắng, ông Đặng Văn Trước, ông Trần Văn Thiện…
Năm Minh Mạng thứ 17 (Bính Thân, 1836), Vua Minh Mạng đã cho: “đặt phủ Tây Ninh kiêm huyện Tân Ninh” thuộc tỉnh Gia Định. Sau đó, lập thêm “huyện Quang Hoá” đặt dưới sự quản lý của phủ Tây Ninh. Tên Tây Ninh ra đời với một khát vọng là vùng biên giới phía Tây của Tổ quốc sẽ được an ninh mãi mãi.
Từ một đơn vị hành chính cấp phủ, sau nhiều lần chuyển đổi chế độ hành chính từ phủ, đến sở tham biện, tiểu khu hành chính, đến năm 1900, tiểu khu hành chính Tây Ninh trở thành tỉnh Tây Ninh. Trải qua các thời kỳ, Tây Ninh là đơn vị hành chính cấp tỉnh cho đến ngày nay.
Ngay những ngày đầu khai cơ lập nghiệp, nhân dân Tây Ninh dưới sự lãnh đạo của các bậc đại thần đã kiên cường, bất khuất chống giặc bên kia biên giới xâm nhập, chống giặc Pháp xâm lược.
Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Tây Ninh đã đoàn kết một lòng, nhất tề đứng lên, cùng cả nước làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, đánh đổ phát xít Nhật, thực dân Pháp và tay sai phản động, giành lấy chính quyền; trải qua 30 năm kháng Pháp, chống Mỹ, mà đỉnh cao là Đại thắng Mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tiếng súng vừa im, vết thương còn chưa liền, quân dân Tây Ninh lại phải đối mặt với kẻ thù mới: lực lượng phản động Pôn Pốt – Ieng Sari, bảo vệ quê hương Tây Ninh, gìn giữ chủ quyền biên giới Tây Nam của Tổ quốc và giúp tỉnh Kom-Pong-Chàm của nước bạn Campuchia đánh đổ tập đoàn Pôn Pốt – Ieng Sari, xây dựng cuộc sống mới.
Vùng đất Tây Ninh trải qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử đã có nhiều lần chia tách: Năm 1876, sau khi đã thôn tính 6 tỉnh Nam kỳ, Thống đốc Nam kỳ chia vùng đất Nam kỳ thành 4 khu hành chính. Tiểu khu hành chính Tây Ninh thuộc khu hành chính Sài Gòn.
Ngày 20/12/1899, chính quyền thực dân Pháp ban hành nghị định đổi các hạt, tiểu khu trong các khu hành chính ở Nam kỳ và tại các vùng thuộc sở hữu của Pháp ở Đông Dương thành tỉnh, bắt đầu từ ngày 01/01/1900. Theo nghị định này, tiểu khu Tây Ninh được đổi thành tỉnh Tây Ninh. Lần đầu tiên, Tây Ninh trở thành đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm hai quận: Thái Bình (năm 1942 đổi tên là Châu Thành); quận Trảng Bàng. Sau đó, dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, nhưng tên Tây Ninh vẫn được giữ nguyên cho đến ngày nay.
Sau ngày 30/4/1975, Tây Ninh có 07 huyện, 01 thị xã với 73 xã, gồm: Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu, Phú Khương (Toà Thánh), Châu Thành, Dương Minh Châu, Tân Biên và Thị xã Tây Ninh. Đến năm 1979, Phú Khương đổi thành Hòa Thành cho đến nay. Năm 1989, thành lập thêm huyện Tân Châu trên phần đất của 02 huyện: Tân Biên và Dương Minh Châu. Năm 2013, thị xã Tây Ninh trở thành Thành phố trực thuộc tỉnh.
Tỉnh Tây Ninh hiện có 08 huyện và 01 thành phố thuộc tỉnh, gồm: Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu, Hoà Thành, Châu Thành, Dương Minh Châu, Tân Biên, Tân Châu và Thành phố Tây Ninh, với 7 phường, 8 thị trấn và 80 xã. Tổng diện tích tự nhiên 4.032,61km2, dân số 1.115.154 người (đến 31/12/2015). Trên địa bàn tỉnh hiện có 22 dân tộc sinh sống, trong đó chiếm đa số là người Kinh, người Khmer, người Hoa, người Chăm.
Trải qua 40 năm sau ngày giải phóng, Tây Ninh đã liên tục phát triển, đạt được những thành tựu mang tính lịch sử trên tất cả các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Là tỉnh có 240 km đường biên giới với 03 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia, Tây Ninh luôn quan tâm xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Các cấp uỷ, chính quyền tỉnh, huyện, xã biên giới và các lực lượng chức năng luôn duy trì tốt việc thực hiện quy chế trao đổi thông tin, gặp gỡ định kỳ với các địa phương, lực lượng chức năng giáp biên của Vương quốc Campuchia, xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp nảy sinh trên biên giới, nỗ lực xây dựng đường biên giới hoà bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Về đầu tư phát triển kinh tế, kể từ khi tiếp nhận dự án đầu tư nước ngoài đầu tiên ngày 5/8/1993 (Công ty trách nhiệm hữu hạn Hồng Phúc), tính đến hết tháng 6/2016, toàn tỉnh có 242 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 3.937 triệu USD; 384 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 39.715 tỷ đồng.
Tây Ninh có 07 khu công nghiệp nằm trong Quy hoạch khu công nghiệp Việt Nam; đã triển khai 05 khu công nghiệp với tổng diện tích 3.385ha, 20 cụm công nghiệp với diện tích 902 ha. Giá trị sản xuất công nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế chiếm 49,3% tổng giá trị sản xuất công nghiệp.
Tây Ninh có 03 thương hiệu được công nhận đặc sản của tỉnh, đó là Muối ớt Tây Ninh, Mãng cầu Bà đen, Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng. Đây là tiền đề quan trọng, tạo điều kiện cho các sản phẩm đặc sản của Tây Ninh có thương hiệu, có chỗ đứng cạnh tranh trên thị trường, làm tăng thêm nguồn thu nhập cho người sản xuất.
Về giáo dục – đào tạo: Từ tháng 12/1997, Tây Ninh được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ – phổ cập giáo dục tiểu học; năm 2005 được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ – phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; năm 2006 đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Tây Ninh đang tiếp tục có những bước phát triển vững chắc trong thời gian tới, hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa tỉnh nhà cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp./.