Một số nội dung cơ bản của Luật Hòa giải ở cơ sở

Một số nội dung cơ bản của Luật Hòa giải ở cơ sở

Luật Hòa giải ở cơ sở gồm 5 chương, 33 điều, quy định rõ nguyên tắc, chính sách của nhà nước về hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên, tổ hòa giải, hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Luật Hòa giải ở cơ sở quy định việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp:
Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình hay giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải; vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính.
Việc chủ trì, tổ chức thực hiện bầu hòa giải viên do Trưởng ban công tác Mặt trận tiến hành cùng với sự phối hợp của trưởng ấp (khu phố). Luật quy định cụ thể hình thức tổ chức bầu hòa giải viên thông qua việc tổ chức cuộc họp đại diện các hộ gia đình hoặc phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình trong ấp (khu phố); người được bầu làm hòa giải viên phải được trên 50% đại diện hộ gia đình trong ấp (khu phố) đồng ý.
Trưởng ban công tác Mặt trận lập danh sách người được đề nghị công nhận là hòa giải viên gửi Chủ tịch UBND cấp xã để ra quyết định công nhận hòa giải viên. Quyết định công nhận hòa giải viên được gửi cho Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, hòa giải viên và thông báo công khai ở ấp (khu phố).
Về tiêu chuẩn hòa giải viên, luật quy định các tiêu chuẩn cơ bản của hòa giải viên: Người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn:
Luật bổ sung quy định về thành phần tổ hòa giải phải có hòa giải viên nữ; đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tổ hòa giải cần có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số; Chủ tịch UBND cấp xã quyết định số lượng tổ hòa giải, hòa giải viên trong một tổ hòa giải căn cứ vào đặc điểm, tình hình kinh tế – xã hội, dân số của địa phương và đề nghị của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.
Luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ hòa giải và các quyền, nghĩa vụ của tổ trưởng tổ hòa giải. Bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên, trong đó có quyền được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở; được hưởng thù lao khi thực hiện vụ, việc hòa giải; được khen thưởng; được hỗ trợ, tạo điều kiện để khắc phục hậu quả nếu gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải… cũng như một số nghĩa vụ cho phù hợp với tình hình mới, khắc phục hạn chế, bất cập của đội ngũ hòa giải viên hiện nay.
Luật bỏ quy định về nhiệm kỳ của hòa giải viên nhưng quy định về thời điểm để kiện toàn tổ chức hòa giải ở cơ sở theo hướng hàng năm rà soát, đánh giá về tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải.
Về hoạt động hòa giải ở cơ sở, Luật Hòa giải ở cơ sở đã bổ sung thêm một số điểm mới cụ thể là quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động hòa giải. Đây là một trong những điểm mới của Luật. Theo đó, Điều 17 quy định các bên có quyền lựa chọn, đề xuất hòa giải viên, địa điểm, thời gian để tiến hành hòa giải; đồng ý hoặc từ chối hòa giải; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải; yêu cầu việc hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai; được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung giải quyết hòa giải. Đồng thời hòa giải viên có nghĩa vụ trình bày đúng sự thật các tình tiết của vụ, việc, cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan; tôn trọng hòa giải viên, quyền và các bên có liên quan; không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa điểm hòa giải. Luật còn quy định việc phân công hòa giải viên, người được mời tham gia hòa giải; quy định này nhằm huy động, khuyến khích mọi người trong xã hội tích cực tham gia giải quyết, hòa giải các mâu thuẫn, vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư. Ngoài ra còn bổ sung trách nhiệm của hòa giải viên theo dõi, đôn đốc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành.
Luật quy định Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở để biên soạn, phát hành tài liệu; tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng về hòa giải ở cơ sở; sơ kết, tổng kết, khen thưởng đối với công tác hòa giải ở cơ sở; chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ, việc và hỗ trợ các chi phí cần thiết khác cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Đặc biệt, Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đối với việc tham gia quản lý Nhà nước về hòa giải ở cơ sở; vận động tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở; phối hợp kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở.
Kể từ ngày Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực, các tổ hòa giải, tổ viên tổ hòa giải được thành lập, công nhận theo Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở được tiếp tục hoạt động mà không phải làm thủ tục công nhận lại theo quy định của luật này.
Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 và thay thế Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.