Hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Qua 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, thói quen của cán bộ, đảng viên và người dân trong việc lựa chọn, ưu tiên sử dụng hàng Việt được đẩy mạnh; làm cho mỗi người dân hiểu rõ việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam là hành động thiết thực phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh: Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tích cực tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, chương trình chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động. Đến nay, có 8/9 huyện, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Cuộc vận động

Ban Chỉ đạo tỉnh đã vận dụng nhiều hình thức tuyên truyền như: Lồng ghép trong các buổi họp dân, tổ chức nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, hội nghị tập huấn, sinh hoạt các câu lạc bộ, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thanh của huyện, thành phố, loa truyền thanh xã, phường, thị trấn, xây dựng các phóng sự gắn thực hiện Cuộc vận động với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận và địa phương phát động.

Ông Nguyễn Văn Vy cho biết: Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp và các tổ chức thành viên đã tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền ý nghĩa của Cuộc vận động, gắn kết chặt chẽ với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết dân xây nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực, đã tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực trong các tầng lớp Nhân dân. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp tổ chức 2 lớp tập huấn; treo 3.266 băng rôn, phát 159.495 tờ gấp tuyên truyền về Cuộc vận động; thực hiện 29 mô hình, 317 hội nghị trao đổi, tọa đàm kết nối cung cầu; 23.882 cuộc kiểm tra về công tác thực hiện.

Phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại Trảng Bảng

Ngành Công thương tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm hỗ trợ đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong tỉnh, chất lượng của sản phẩm các hoạt động giới thiệu, quảng bá hàng Việt Nam, hỗ trợ đưa hàng Việt Nam về bán tại nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất; tăng cường hệ thống phân phối, bán lẻ, nhất là các vùng sâu, vùng xa; quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại, đặc biệt là chợ truyền thống trên các phương tiện thông tin truyền thanh của huyện, thành phố, loa truyền thanh xã, phường, thị trấn.

Tạo cơ chế, chính sách thông thoáng để khuyến khích các doanh nghiệp và định hướng người tiêu dùng

Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnhđều có chỉ đạo tổ chức “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam”, nhằm xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh cho cả người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; giữ ổn định và tạo động lực phát triển, đổi mới, sáng tạo cho nền kinh tế đất nước nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng.

Để thúc đẩy lưu thông, cung ứng hàng hóa sản xuất trong nước đến người tiêu dùng, Ban Chỉ đạo, các ngành chức năng thành viên Ban Chỉ đạo đã cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy để thực hiện một cách có hiệu quả, tăng cường công tác xúc tiến thương mại; công tác quản lý Nhà nước về sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, cơ sở sản xuất đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng; tổ chức các hội chợ thương mại, các phiên chợ đưa hàng Việt đến với người dân và công nhân lao động trong các khu công nghiệp… 

Đặc biệt, qua triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các hoạt động kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm được tổ chức, đã hỗ trợ, giới thiệu, triển khai thông tin đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Thông qua hoạt động hỗ trợ trên, các sản phẩm đặc thù, tiềm năng của tỉnh (mãng cầu Bà Đen, bánh canh Trảng Bàng, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, muối ớt Tây Ninh…) được quảng bá, đến nay đã có mặt trong hệ thống siêu thị Co.op Mart, chợ đầu mối tại một số tỉnh, thành phố trong nước và một số cửa hàng tiện lợi tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Nhìn chung, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, MTTQ và các tổ chức thành viên trong tỉnh đã phối hợp cùng các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung cuộc vân động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, động viên được các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia và đã thu được một số kết quả tích cực.

Ngành Công thương tỉnh xây dựng 8 mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Hàng năm, phối hợp tổ chức thực hiện “Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam” đến các doanh nhân, doanh nghiệp, siêu thị và Ban quản lý các chợ hạng hai trên địa bàn tỉnh; giới thiệu doanh nghiệp tham dự “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”; tổ chức tham dự Hội nghị “Đối tác phát triển hàng Việt Nam”; tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp các tỉnh; tham gia các “Hội nghị kết nối tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối”; phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm BSA) và UBND các huyện tổ chức 26 Phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”, về khu-cụm công nghiệp, biên giới, vùng sâu, vùng xa” với 349.760 người đến tham quan, mua sắm với tổng doanh thu trên 40 tỷ đồng. Ngoài ra còn vận động các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hoá trong tỉnh tham gia chương trình bình ổn giá và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía các doanh nghiệp, đã có 31 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá với tổng nguồn vốn dự trữ 156 tỷ đồng, gồm các mặt hàng thiết yếu như: gạo, đường, sữa, dầu ăn, thuốc trị bệnh thông thường, tập vở và sách giáo khoa…; có 137 cửa hàng, điểm bán bình ổn giá và 70 điểm tổ chức bán hàng lưu động với tổng doanh thu bán hàng bình ổn của các doanh nghiệp từ năm 2012 đến nay 706,8 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp hưởng ứng tham gia

Hưởng ứng cuộc vận động, các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã không ngừng mở rộng các kênh phân phối sản phẩm nhằm tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động, tích cực đưa hàng về nông thôn, đặc biệt là các chương trình giảm giá cho các hộ nghèo nhằm kích cầu tiêu dùng trong tầng lớp nhân dân. Điển hình có Công ty TNHH XNK TM CN DV Hùng Duy có trên 40 chiếc xe chở hàng có in khẩu hiệu cổ động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các huyện thực hiện hàng trăm đợt bán hàng bình ổn với giá ưu đãi cho bà con nghèo nông thôn, mỗi huyện từ 200 – 250 gia đình được mua hàng giảm giá từ 20 – 30%. Đây là mô hình hoạt động hiệu quả trong nhiều năm qua, góp phần phân phối hàng hoá đến tận tay người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa, nâng cao ý thức sử dụng hàng Việt đối với người dân. Siêu thị Co.op Mart Tây Ninh phối hợp với các huyện tổ chức các chương trình bán hàng lưu động 46 đợt với doanh thu 38,5 tỷ đồng. Đặc biệt, Saigon Co.op cũng có các hoạt động hướng đến lợi ích cộng đồng, bằng các chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh, từng bước hạn chế kinh doanh những sản phẩm không có lợi cho môi trường.

Ông Nguyễn Văn Bảo – Giám đốc siêu thị Co.op Mart Tây Ninh cho biết: Co.op Mart có mặt tại Tây Ninh từ năm 2011, đến nay đã phát triển được 6 siêu thị/9 huyện, thành phố và dự kiến trong năm 2019 mạng lưới siêu thị Co.op Mart sẽ bao phủ tất cả các huyện còn lại của Tây Ninh. Với cơ cấu hàng Việt hơn 90%, người tiêu dùng ngày càng tin tưởng vào sản phẩm Việt vì chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý, mẫu mã được cải tiến nhiều. Ngoài ra, hàng năm siêu thị Co.op Mart còn tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá của UBND tỉnh Tây Ninh, đặc biệt là thực hiện đưa hàng Việt về nông thôn bán với giá ưu đãi cho người dân vùng sâu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại còn tổ chức nhiều Hội chợ thương mại liên quan đến tiêu dùng hàng Việt như: Hội chợ thương mại hàng tiêu dùng, Phiên chợ thương mại hàng tiêu dùng về nông thôn, Hội chợ thương mại tuần lễ mua sắm phục vụ công nhân,… Các doanh nghiệp đã tổ chức thực hiện 73.658 hồ sơ thông báo thực hiện việc tổ chức chương trình khuyến mại của các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân tổ chức trên địa bàn tỉnh; 278 chương trình tổ chức khuyến mại theo quy định (Chương trình khuyến mại mang tính may rủi); 96 chương trình Hội chợ triển lãm theo quy định cho các doanh nghiệp.

Hiệu quả của Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh không chỉ dừng lại ở việc cung cấp sản phẩm đơn thuần. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, phân phối đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, điều chỉnh giá cả phù hợp và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Hiện hàng Việt chiếm trên 80% mạng lưới phân phối hàng hóa ở địa phương, qua đó cho thấy người tiêu dùng đã quan tâm đến hàng hóa sản xuất trong nước và lựa chọn hàng Việt khi tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Vy nhấn mạnh: Để nâng cao hơn nữa chất lượng Cuộc vận động trong thời gian tới, MTTQ các cấp trong tỉnh, các tổ chức chính trị – xã hội, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyền truyền, vận động bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của người người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam, làm cho các tầng lớp Nhân dân hiểu và coi việc dùng hàng Việt là nghĩa vụ cũng như trách nhiệm đối với đất nước và dân tộc.

Ngày 24.5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giai đoạn 2009 – 2019.

Ông Nguyễn Thành Tâm- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể đạt thành tích

Dịp này, UBND tỉnh đã trao bằng khen cho 15 tập thể và 14 cá nhân xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2009-2019.

Tiến Hưng