Chuyển biến từ Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”

Được kế thừa từ Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với 5 nội dung thiết thực, toàn diện gắn với cộng đồng đã trở thành một phong trào rộng khắp, thiết thực có ý nghĩa quan trọng trong đời sống nhân dân. Diện mạo nông thôn hôm nay ở nhiều địa phương trong tỉnh đã có những đổi thay đáng kể, hạ tầng kinh tế – xã hội thiết yếu được nâng cấp, đời sống người dân được cải thiện, số hộ nghèo giảm, nhiều nét đẹp văn hóa được phát huy, tình làng nghĩa xóm được vun đắp. 

 Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai thực hiện từ năm 2016, hướng đến việc không ngừng củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững. Với nội dung cụ thể, thiết thực, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã tích cực phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai thực hiện Cuộc vận động gắn với phong trào “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Lãnh đạo tỉnh, huyện Tân Biên trao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo xã Hòa Hiệp

Để thực hiện cuộc vận động có hiệu quả, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tham mưu Tỉnh ủy ban hành văn bản chỉ đạo trong hệ thống chính chị, ban hành kế hoạch thực hiện cuộc vận động và hướng dẫn tiêu chí thi đua; hiệp thương với các tổ chức chính chị – xã hội phân công nhiệm vụ cụ thể; cấp tỉnh chọn 09 xã, phường, thị trấn và 09 ấp (kp) thuộc 09 xã (p,tt) được chọn ở các huyện, thành phố làm điểm, trong đó: 02 thị trấn xây dựng đô thị văn minh, 07 xã xây dựng nông thôn mới. Cấp huyện, thành phố chọn 17 xã (p,tt) và 13 ấp (kp) làm điểm.

Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp tổ chức hướng dẫn 100% khu dân cư đăng ký thực hiện nội dung cuộc vận động với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, phù hợp với từng địa phương; tích cực đổi mới phương thức hoạt động, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia cuộc vận động bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua đó đã tạo phong trào thi đua sôi nổi trong tầng lớp nhân dân. Đến nay, từng nội dung của cuộc vận động đã đi sâu vào đời sống nhân dân, mang lại nhiều kết quả thiết thực.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu

Trong 3 năm qua, MTTQ các cấp đã vận động nhân dân đoàn kết tương trợ, hỗ trợ cho 22.815 lượt hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 307,43 tỷ đồng; hỗ trợ cây, con giống, vốn sản xuất chăn nuôi, tạo việc làm cho 1.120 lượt người với số tiền 23,76 tỷ đồng. Thông qua phong trào thi đua của các tổ chức thành viên, nhân dân trong tỉnh đã hăng hái tham gia sản xuất, điển hình là phong trào thi đua “sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ở các khu dân cư. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất các mô hình như: “Liên kết 4 nhà thâm canh cây lúa hiệu quả và bền vững theo hướng VietGap”; ‘”Tổ liên kết sản xuất lúa”, “tổ liên kết sản xuất nông nghiệp”; “Liên kết tiêu thụ hàng nông sản”…

Phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã vận động nhân dân tham gia các tổ hợp tác, tổ chức thành lập và duy trì hoạt động hợp tác xã. Toàn tỉnh hiện có 47 Hợp tác xã (trong đó, có 40 Hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp đều có mối liên kết với các doanh nghiệp, 02 Hợp tác xã thương mại-dịch vụ và 05 Hợp tác xã lĩnh vực vận tải); phối hợp xây dựng và duy trì ít nhất ở mỗi xã nông thôn mới có 01 Hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả, gắn với chuổi giá trị hàng hóa; tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, thẩm định các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và tiến hành lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới; phát động các phong trào thi đua: “Cả nước chung tay vì người nghèo – không ai bị bỏ lại phía sau”, “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao hiệu năng suất, chất lượng, hiệu quả quả hội nhập quốc tế”.

 Để người nghèo có thêm động lực vươn lên, công tác chăm lo cho người nghèo ngày càng được quan tâm. Các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tham gia đóng góp Quỹ “Vì người nghèo” các cấp được 79,97 tỷ đồng, đã xây và bàn giao 1.839 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, trị giá 124,74 tỷ đồng, sửa chữa 189 căn, trị giá trên 1,8 tỷ đồng, đến nay cơ bản đã hoàn thành việc xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh; tặng 3.000 phần học bổng, 165 xe đạp, 1.320 thẻ BHYT, trị giá 4,9 tỷ đồng; thực hiện Đề án “Hỗ trợ trâu, bò sinh sản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2016 – 2018”, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã hỗ trợ 1.003 con trâu, bò/ 12 dự án với số tiền gần 24 tỷ đồng…, qua đó góp phần thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 11/4/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến năm 2020. 

Theo ông Võ Quốc Thắng – Chủ tịch UBMTTQVN huyện Tân Châu: “Từ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, MTTQ huyện xây dựng và triển khai hiệu quả hô hình “Phân công đảng viên tham gia hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo bền vững”, mỗi xã chọn một ấp triển khai thực hiện điểm, sau 01 năm thực hiện, bằng nhiều hình thức hỗ trợ, với số hộ nghèo và cận nghèo được nhận hỗ trợ là 351 hộ, cuối năm đã giúp thoát nghèo được 150 hộ, giảm từ nghèo xuống cận nghèo là 51 hộ. Thời gian tới, huyện sẽ triển khai tất cả các ấp.”

Tình đoàn kết, tương thân, tương ái của cộng đồng cũng được thể hiện qua các hoạt động như: vận động hỗ trợ các cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ xã hội số tiền 2,1 tỷ đồng, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai số tiền 2 tỷ đồng; giúp đỡ các gia đình chính sách, người già neo đơn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xây nhà, thu hoạch hoa màu, làm đất, gieo trồng… Mặt trận Tổ quốc các cấp còn tổ chức huy động các nguồn lực trao tặng 152.657 suất quà cho người nghèo, trị giá 45,7 tỷ đồng cho người nghèo.

Trong công tác vận động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới, nhân dân đóng góp 110.731 ngày công lao động, hiến 122.017m2 đất để làm 58km đường giao thông nông thôn, đóng góp tiền mặt mua đất, đá để tu sửa, nâng cấp 321tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài 327km; gắn trên 8.000 bóng đèn thắp sáng đường quê, trị giá trên 2,4 tỷ đồng. Xuất hiện nhiều tấm gương điển hình hiến đất làm làm đường giao thông, xây nhà đại đoàn kết và các công trình phúc lợi như: Bà Trần Thị Nóc ngụ tổ 4 ấp Tân Long, xã Biên Giới, huyện Châu Thành hiến 600m2; ông Châu Huynh, ông Lê Bình Minh, ông Nguyễn Thanh Long cùng người dân ngụ tại thị trấn Trảng Bàng hiến 3.050m2, ông Nguyễn Ngọc Thanh ngụ tại tổ 12 khu phố 1, thị trấn Dương Minh Châu tặng 1.160m2, ông Nguyễn Văn Hùng ngụ ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hòa tặng 150m2… Cùng với đó, vai trò chủ thể của quần chúng nhân dân cũng được phát huy qua các hoạt động giám sát tại cơ sở như: giám sát các công trình của nhà nước trong xây dựng nông thôn mới, giám sát việc thực hiện chính sách đối với người dân… từ đó đề xuất với chính quyền địa phương kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo sự đồng thuận cao.

Thực hiện cuộc vận động, xã An Cơ, huyện Châu Thành triển khai mô hình “Phát huy vai trò Ban công tác Mặt trận, tổ dân cư tự quản trong công tác xây dựng, bảo dưỡng đường giao thông nông thôn” khá thành công.

Ông Nguyễn Hữu Long – Chủ tịch UBMTTQVN xã cho biết: “Nhân dân đã tự giác đóng góp dặm vá, sửa chữa được 6.910m đường lô tổ với kinh phí trên 500 triệu đồng và hàng chục ngày công lao động. Phong trào này rất được người dân đồng tình, vì mang lại lợi ích thiết thực, người dân không còn trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của nhà nước mà chung tay đóng góp để hoàn thiện các con đường.”

Con đường tại tổ 9, ấp Sa Nghe, xã An Cơ (Châu Thành) lúc đang được thi công dặm vá

Từ sự đồng thuận, chung sức của người dân, mạng lưới hạ tầng giao thông nông thôn từng bước được hoàn thiện, mang lại hiệu quả thiết thực. Những con đường mới mở ra, không chỉ giúp cho việc đi lại, giao lưu trao đổi hàng hóa dễ dàng mà còn tạo điều kiện cho bà con có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, làm giàu cho quê hương.

Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư không chỉ dừng lại ở việc chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà từng phong trào đã được cụ thể hóa trong các mô hình như: “Phát huy vai trò Ban Cai quản họ đạo Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh trong vận động chức sắc, chức việc, tín đồ chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông gắn với công tác phòng, chống tội phạm” trên địa bàn tỉnh, “Khu dân bảo vệ môi trường”, “khu dân cư đảm bảo về an toàn, an ninh trật tự”, mô hình “Tự phòng, tự quản về an ninh trật tự” trong các Họ đạo Cao Đài… và đưa vào quy ước ấp, khu phố, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh ở khu dân cư. Tỷ lệ đăng ký danh hiệu “gia đình văn hóa”, “ấp, khu phố văn hóa”, “cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo văn minh” hàng năm đạt 100%.

Ông Nguyễn Hoàng Phương – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Trường Tây, huyện Hòa Thành cho biết: Nhờ thực hiện tốt mô hình về “khu dân cư đảm bảo về an toàn, an ninh trật tự” mà tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã những năm gần đây luôn được ổn định, nhân dân đoàn kết, nêu cao tinh thần tố giác tội phạm, mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Tình làng, nghĩa xóm được thắt chặt thông qua các hoạt động giúp đỡ lẫn nhau.

Có thể nói, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ngày càng được nâng cao về chất lượng, đã thực sự phát huy vai trò tập hợp quần chúng nhân dân của Mặt trận Tổ quốc các cấp, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tự chủ của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế – xã hội của địa phương. Điều này thể hiện rõ nét qua tỷ lệ gia đình thực hiện tốt Cuộc vận động, ấp, khu phố thực hiện tốt Cuộc vận động và số lượng các tập thể, cá nhân được biểu dương, khen thưởng mỗi năm tăng lên về số lượng và chất lượng. Các mô hình tự quản đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn ở địa phương và không ngừng được nhân rộng góp phần cho 27/80 xã trong tỉnh đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới.

Sau 3 năm triển khai thực hiện, đến nay, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã đi vào cuộc sống người dân ở khu dân cư một cách mạnh mẽ, tạo chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động trong từng hộ gia đình về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Tiến Hưng