CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP “Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông” giai đoạn 2016-2021

 

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia vừa ban hành Chương trình phối hợp về “Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông” giai đoạn 2016-2021 (gọi tắt là Chương trình phối hợp), với mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông và thực hiện nếp sống văn hoá giao thông trong các tầng lớp nhân dân, làm cho phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông” trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước, gắn với việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Nội dung của Chương trình phối hợp tập trung vào các điểm lớn sau:
Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông
– Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các biện pháp điều hành của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
– Tuyên truyền việc thực hiện văn hóa giao thông, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông nhằm xây dựng môi trường giao thông an toàn và thân thiện.
– Căn cứ tình hình thực tế, gắn với từng thời điểm để tuyên truyền cụ thể về các nội dung:
+ Tuyên truyền tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và trật tự an toàn xã hội; nguy cơ gây tai nạn do lái xe uống rượu, bia; hậu quả tai nạn giao thông; các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; thực hiện nghiêm khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia – không lái xe”.
+ Tuyên truyền, vận động, phổ biến rộng rãi đến từng khu dân cư, hộ gia đình, người dân quy định của pháp luật về việc đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện và đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em nói riêng khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện.
+ Phổ biến quy định của pháp luật về quản lý hoạt động vận tải khách và hàng hóa ở các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không đến cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vận tải, người điều khiển phương tiện.
+ Tuyên truyền an toàn giao thông đường thủy nội địa; xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, vận động người đi đò tự giác mặc áo phao, chủ phương tiện chở khách ngang sông được cấp phép mới được phép hoạt động, phương tiện phải đủ đăng ký, đăng kiểm và dụng cụ cứu sinh.
+ Tuyên truyền quy định pháp luật về an toàn, an ninh hàng không dân dụng.
Vận động người dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông
– Tuân thủ quy tắc giao thông; thực hiện đúng quy định của pháp luật về an toàn kỹ thuật phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông; khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.
– Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương phối hợp cùng các cơ quan chức năng cùng cấp tổ chức tốt đợt ra quân phát quang, dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, vận động giải tỏa lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán, tập kết vật liệu xây dựng, đặt biển hiệu, biển quảng cáo, phơi phóng các sản phẩm từ nông – lâm – ngư nghiệp làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp mỹ quan, che khuất tầm nhìn của phương tiện tham gia giao thông.
– Vận động các tầng lớp nhân dân tích cực bảo vệ các công trình giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương về những thiệt hại, hư hỏng của các công trình giao thông, đồng thời tố giác những hành vi xâm phạm hành lang lộ giới cũng như làm hư hại đến các công trình giao thông công cộng.
Công tác giám sát việc thực hiện pháp luật về an toàn giao thông
– Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và phát động các phong trào tự quản của nhân dân trong giám sát việc xây dựng, bảo trì công trình kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý hành lang an toàn giao thông, kiểm soát xe chở quá tải trọng quy định; phát hiện, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý những hành vi vi phạm pháp luật an toàn giao thông làm thiệt hại đến tài sản và tính mạng của người dân.
– Phối hợp kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
4. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình về an toàn giao thông
– Phát huy và nhân rộng các mô hình hiệu quả đã được đánh giá trong giai đoạn 2011- 2016 ở khu dân cư đang hoạt động có hiệu quả, như: “Khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, “Tổ tự quản”, “Nhóm tự quản”, “Đoạn đường tự quản”, “Liên gia tự quản”, “Dòng họ tự quản”, “Xứ đạo tự quản”…
– Tổ chức khảo sát, chỉ đạo điểm; hướng dẫn, xây dựng các mô hình tự quản về bảo đảm trật tự an toàn giao thông phù hợp giai đoạn mới.